Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2023
Lượt xem: 3412

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn:

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định, đảm bảo khung thời vụ; công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường.

a) Trồng trọt:

- Sản xuất lương thực: Tổng sản lượng lương thực có hạt 9 tháng ước đạt 253.238 tấn, đạt 77,5% KH, bằng 102,4% CK. Ước cả năm 330.792 tấn, bằng 101,3% KH và 97,7% CK; trong đó thóc 186.842 tấn, ngô 143.950 tấn, cụ thể:

+ Cây lúa: Tổng diện tích gieo trồng 9 tháng đầu năm ước đạt 33.946,5 ha (vụ Xuân 9.923,3 ha, vụ Mùa 24.023,2 ha), bằng 101,9% KH và 100,72% CK. Năng suất ước trên 55,04 tạ/ha (CK 55,4 tạ/ha). Sản lượng 9 tháng ước đạt 139.284 tấn bằng 104,18% CK.

+ Cây Ngô: Tổng diện tích thực hiện ước 9 tháng đầu năm 35.137,4 ha (Ngô Đông Xuân 11.657 ha, Ngô Mùa 23.480,4 ha), bằng 108,1% KH và 100,01% CK. Năng suất ước 41 tạ/ha (CK 43,7 tạ/ha). Sản lượng 9 tháng ước đạt 113.954 tấn, đạt 100,31% CK và 79,20% KH.

- Tình hình sản xuất cây ăn quả ôn đới: Tổng diện tích cây ăn quả ôn đới 4.195 ha; Trong đó diện tích cho thu hoạch 2.653 ha; sản lượng thu hoạch ước 10.445 tấn, giá trị ước trên 300 tỷ đồng.

- Cây vụ Đông: KH 2023 thực hiện 4.275ha. Hiện nay, các địa phương đang đôn đốc Nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, chuẩn bị đất để triển khai sản xuất vụ Đông.

b) Chăn nuôi:

- Đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

- Ước thực hiện 9 tháng đầu năm tổng đàn gia súc 607.300 con, đạt 99,88% KH (608.000 con) và bằng 101,56% CK; tổng đàn gia cầm 5.100 nghìn con, đạt 100% KH (5.100 nghìn con) và bằng 100,39% CK; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 55.000 tấn, đạt 79,37% KH (69.300 tấn) và bằng 102,61% CK. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên ao hồ nhỏ ước thực hiện 9 tháng đầu năm (đến ngày 30/9): 2.280 ha, đạt 99,13% KH năm (2.300 ha) và bằng 101,33% CK; sản lượng thủy sản 9.300 tấn, đạt 76,23% KH (12.200 tấn) và bằng 108,14% CK. Giá trị sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 710 tỷ đồng.

- Trong 9 tháng đầu năm bệnh dịch Tả lợn châu Phi, bệnh dại xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp tốt với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

c) Lâm nghiệp:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng năm 2023; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng chống cháy rừng.

- Công tác phát triển rừng: Trồng rừng 212,17ha, lũy kế 2.708,81ha; trong đó trồng mới rừng sản xuất 1.996,05/3.000ha (đạt 66,54% KH), trồng lại rừng 695,26ha, trồng rừng thay thế chuyển mục đích 17,5ha. 

- Khai thác lâm sản: Khai thác gỗ 1.447,34m3, lũy kế 34.991,65m3; trong đó khai thác chính 31.379,87 m3, khai thác cây phân tán 3.611,78 m3. Khai thác lâm sản khác: 2.510,1 tấn (măng tươi, các loại hạt và lâm sản khác).

- Quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra canh phòng cháy rừng, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng, phát hiện 10 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

d) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới:

Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Duy trì 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 65,96% mục tiêu đề án, mục tiêu KH giai đoạn; 05 xã nông thôn mới nâng cao, đạt 13,15% so với KH giai đoạn (38 xã); 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.

đ) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

Trong tháng 9, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 đợt mưa lớn gây sạt lở, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của đặc biệt tại các địa phương Sa Pa, Văn Bàn, Bát Xát..., ước thiệt hại trên 276 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm xảy ra 20 đợt thiên tai, ước thiệt hại 1.092,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 981,6 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với hạn hán, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh và kiểm tra thiệt hại tại các địa phương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn; chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt thiên tai vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai.

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có khá nhiều biến động. Trong 02 quý đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, bước sang quý III đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh với cả ba lĩnh vực khai thác, chế biến và điện nước so với thời điểm các tháng đầu năm. Đặc biệt là các dự án khai thác apatit, tuyển, luyện đồng hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khá cao. Tính đến nay có 72 dự án đã hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy 1.138,85MW, hoạt động phát điện ổn định, an toàn.

Giá trị sản suất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tháng 9 ước đạt 4.158,6 tỷ đồng tăng 4,2% so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 31.508,67 tỷ đồng, bằng 61,66% so với KH được giao, bằng 90,5% so với CK năm 2022. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các địa phương tháng 9 ước đạt 387,6 tỷ đồng, tăng 5,76% so với tháng trước; 9 tháng đầu năm ước đạt trên 3.285 tỷ đồng, bằng 74,2% KH năm, tăng 10,06% so với CK.

b) Giải ngân vốn đầu tư công:

UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm kích cầu nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt kết quả tích cực: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các Nghị quyết HĐND tỉnh giao (bao gồm cả vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023): 6.560 tỷ đồng, tăng 14% so với CK (5.716 tỷ đồng). Giá trị giải ngân đến ngày 28/9/2023 bằng 3.396 tỷ đồng, đạt 52% KH, số tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ trên 845 tỷ đồng. So với kế hoạch vốn Thủ tướng chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 62% (cao hơn mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ giải ngân cả nước đạt khoảng 42% KH). Ước kết quả giải ngân đến hết ngày 30/9/2023 đạt 55% KH và đạt 65% KH theo Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Hoạt động thương mại, dịch vụ đã và đang phục hồi mạnh mẽ và ổn định, có nhiều chính sách kích cầu, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động du lịch, với nhiều chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn nên lượng khách du lịch tăng cao kéo theo các dịch vụ tăng mạnh. Các đơn vị sản xuất kinh doanh thương mại đã tập trung triển khai tốt việc dự trữ, khai thác nguồn hàng, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân, đồng thời triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn góp phần kích cầu tiêu dùng. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của đời sống và Nhân dân trong tỉnh, giá cả hàng hóa ổn định.

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 9 ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước (3.361,5 tỷ đồng), tăng 21,2% so với CK năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 28.836,7 tỷ đồng, bằng 83,8% so với KH, tăng 26,1% so với CK năm trước.

b) Xuất nhập khẩu:

Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù phía Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu, lối mở biên giới, tuy nhiên lưu lượng hàng hóa vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19. Các ngành chức năng đã cố gắng thường xuyên thực hiện công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 - 400 phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu; trong đó có 100 - 130 phương tiện Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống như gỗ ván bóc, sắn khô, trái cây tươi: thanh long, chôm chôm, chuối tươi và sầu riêng; hàng nhập khẩu: than cốc, phân bón, rau củ quả, cây cảnh, hóa chất, thiết bị. Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn ra bình thường, trung bình 02 - 04 chuyến xe xuất, nhập khẩu mỗi ngày. Hàng hóa thông quan chủ yếu là nhập khẩu phân bón và quá cảnh mặt hàng lưu huỳnh.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 9/2023 ước đạt 185,85 triệu USD, tăng 9,03% so với tháng 8/2023, tăng 1,88% so với tháng 9/2022. Lũy kế ước đạt 1.509,26 triệu USD (giảm 7% so với CK 2022), đạt 30,19% so KH.

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, các vụ việc vi phạm chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ. Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin nên đã kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, tụ điểm phức tạp về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc… trên địa bàn.

Lũy kế từ đầu năm kiểm tra: 755 lượt vụ; số vụ vi phạm: 588 vụ. Tổng giá trị xử lý: 7.844 triệu đồng, trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính: 3.586 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm: 4.246 triệu đồng; tiền thu từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp 10,2 triệu đồng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 4.522 triệu đồng.

d) Du lịch:

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu kịp thời cũng như tổ chức nhiều sự kiện để quảng bá, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ; các lễ hội, văn hóa, thể thao được tổ chức tại tỉnh và các địa phương, đặc biệt là sự kiện Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai và 120 năm Du lịch Sa Pa; hoạt động trình diễn và trải nghiệm dù lượn, kayak, camping với chủ đề “Giữa mùa vàng Bát Xát”; giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2023,... đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến với Lào Cai.

Tháng 9 có dịp nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài và nhiều sự kiện nổi bật, do đó lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng cao, ước đạt 1.150 nghìn lượt khách, tăng 101,6% so với tháng trước (570,9 nghìn lượt khách). Lũy kế 9 tháng đầu năm ước 2023 đạt 6.071  nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 368,3 nghìn lượt, khách nội địa 5.703 nghìn lượt) bằng 101% so với KH năm, tăng 71% so với lũy kế CK năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch tháng 9 đạt khoảng 2.705 tỷ đồng, tăng 37,9% so với tháng trước (1.961 tỷ đồng); Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 18.563 tỷ đồng, bằng 90,6% KH, tăng 49,5% so với lũy kế CK năm 2022 (12.415 tỷ đồng).

đ) Hoạt động vận tải:

- Vận tải hành khách (HK): Tháng 9 ước đạt 816 nghìn HK, tăng 7,61% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 36.738 nghìn HK.Km, tăng 18,67%. Tính chung 9 tháng đầu năm năm 2023, vận tải HK đạt 9.051 nghìn HK, tăng 54,54% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 435.802 nghìn HK.Km, tăng 69,83%.

- Vận tải hàng hóa: Tháng 9 ước đạt 1.275 nghìn tấn, tăng 21,43% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 50.095 nghìn tấn.Km, tăng 10,29%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, vận tải hàng hóa đạt 11.142 nghìn tấn, tăng 28,89% so với CK; luân chuyển đạt 424.738 nghìn tấn.Km, tăng 8,28%.

- Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng 9 ước đạt 423,36 tỷ đồng, tăng 13,87% so với CK 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu vận tải đạt 4.367,76 tỷ đồng, tăng 44,15% so với CK; trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 1.816,09 tỷ đồng, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.735,43 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 816,23 tỷ đồng.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 9/2023 ước đạt 5.028 tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán Trung ương giao, bằng 41,9% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 74,3% CK năm trước. Tổng thu ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 9/2023 ước đạt 18.855 tỷ đồng, bằng 121,4% dự toán Trung ương giao, bằng 104% dự toán tỉnh giao và bằng 119,7% CK năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 9/2023 ước đạt 11.650 tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán Trung ương giao, bằng 64,1% dự toán tỉnh giao và bằng 121,1% cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động tín dụng:

Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn ước đạt 62.500 tỷ đồng, tăng 5.303 tỷ đồng (+9,3%) so với cuối năm 2022. Trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa bàn ước đạt 44.700 tỷ đồng, tăng 3.435 tỷ đồng (+8,3%) so với 31/12/2022, chiếm 71,5% tổng nguồn, đáp ứng được khoảng 83% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Doanh số cho vay quý III ước đạt 27.200 tỷ đồng, lũy kế tháng 9 ước đạt 71.500 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Doanh số thu nợ ước đạt 66.674 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng thời kỳ năm 2022. Tổng dư nợ đạt 54.500 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ khoảng 1,13%, tăng 0,2 điểm % so với cuối năm 2022.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 0,03% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 9 tháng đầu năm 2023 tăng 1,1% so với bình quân CK năm 2022.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

- Thu hút đầu tư trong nước: Luỹ kế đến thời điểm báo cáo UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.663 tỷ đồng.

- Thu hút đầu tư nước ngoài: Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,818 triệu USD.

- Về đăng ký doanh nghiệp: Trong tháng, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 51 doanh nghiệp và 05 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký đạt 584 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 492 doanh nghiệp và 44 đơn vị trực thuộc, tăng 3,8% so với CK; tổng vốn đăng ký đạt 4.633 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 537 doanh nghiệp, tăng 9,6% so CK; giải thể 145 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với CK; hoạt động trở lại 308 doanh nghiệp, tăng 2,3% so với CK.

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

- Trong tháng 9, UBND tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành giáo dục tổ chức tốt Lễ Khai giảng và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” với không khí vui tươi, trang trọng, tạo khí thế cho năm học mới 2023 - 2024. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023 - 2024; tổ chức Tết Trung thu năm 2023 cho học sinh; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân năm học 2022 - 2023; tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích tiêu biểu trong tổ chức, triển khai thực hiện Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Lào Cai và tham gia phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2023.

- UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2030; bổ sung danh mục Sách giáo khoa môn Tiếng Anh lớp 1, lớp 2 cấp tiểu học sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại tỉnh Lào Cai; ban hành Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2023 - 2024; ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức họp Ban Chỉ đạo Hội khoẻ tỉnh Lào Cai lần thứ IX năm 2023. Chỉ đạo thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tới 100% cơ sở giáo dục.

2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao

- Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện: Thực hiện 55 buổi tuyên truyền lưu động, lũy kế thực hiện 820/975 buổi, bằng 84,1% KH năm. Chiếu phim lưu động 11 buổi, lũy kế thực hiện 75/100 buổi, bằng 75% KH năm. Toàn tỉnh thực hiện cấp 405 thẻ thư viện, lũy kế cấp 4.115/4.700 thẻ bạn đọc, bằng 87,6% KH. Tổ chức thành công chương trình phục vụ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai và 120 năm Du lịch Sa Pa tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng.

- Hoạt động thể thao: Công tác xây dựng và phát triển phong trào thể dục thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì. Tổ chức 01 giải thể thao cấp tỉnh: Giải bóng chuyền hơi người cao tuổi tỉnh Lào Cai năm 2023. Lũy kế tổ chức được 17/22 giải, bằng 77,2%  KH giao. Hoàn thành tham gia thi đấu 10 giải thể thao toàn quốc. Lũy kế tham gia 39/36 giải, đạt 108,3% KH năm với 168/85 huy chương các loại, bằng 197,6% kế hoạch năm (52HCV, 102 HCB, 88HCĐ).

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Tiếp tục chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức triển khai hiệu quả theo Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ. Trong tháng 9 phát hiện mới 36 ca mắc mới, lũy kế 189.204 ca, đã khỏi 189.160 ca, đang điều trị 04 ca, không có ca diễn biến nặng. Duy trì tốt công tác tiêm phòng COVID-19 cho nhân dân: Số mũi được tiêm trong tháng là 210; lũy kế 2.371.996 mũi.

- Quản lý chặt chẽ các bệnh lưu hành địa phương, các ổ dịch đã ổn định, số ca mắc giảm, không phát hiện ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới; không có ca diễn biến nặng hay tử vong. Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh; số trẻ được tiêm chủng đầy đủ trong tháng 404, lũy kế 6.727 (đạt 52,8% KH); tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai 988, lũy kế 8.199 (đạt 64,4% KH); tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh 884/892, lũy kế 7.432/7.258 (đạt 97,6% KH); công tác tiêm chủng an toàn, không có tai biến xảy ra. Duy trì các hoạt động truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99/152 xã, phường, thị trấn.

- Duy trì thường xuyên công tác khám chữa bệnh, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, phòng chống thiên tai bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong các cơ sở khám chữa bệnh. Công suất sử dụng giường bệnh trong tháng 9 là 102,77%; trong đó tại bệnh viện 103,72%, tại PKĐKKV 94,15%. Lũy kế 9 tháng công suất sử dụng giường bệnh là 99,82%; trong đó tại bệnh viện 100,61%, tại PKĐKKV 92,6%.

- Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP): Trong tháng xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm; lũy kế 09 tháng có 03 vụ ngộ độc thực phẩm làm 22 người mắc, không có trường hợp tử vong. Thực hiện kiểm tra 198 cơ sở, 193/198 cơ sở đạt (chiếm 97,5%), xử phạt vi phạm hành chính 06 cơ sở. Lũy kế 9 tháng thực hiện kiểm tra 6.420 cơ sở, 6.278 cơ sở đạt (chiếm 97,8%), xử lý hành chính 129 cơ sở.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 9 giải quyết việc làm cho 389 lao động, lũy kế 9 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 11.605 lao động (bằng 89,6% so với CK năm 2022), đạt 87,8% KH.

- Công tác Giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh: Trong tháng 9 các cơ sở GDNN đã tuyển sinh được 1.003 người; lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 các cơ sở GDNN tuyển sinh, đào tạo được 9.245 người (bằng 108,1% so với CK), đạt 80,4% KH.

-  Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm chỉ đạo. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình, đề án về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông…

- Tình hình tai nạn lao động: Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn lao động làm 03 người chết. Lũy kế 09 tháng đầu năm 2023 xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm 08 người chết và 14 người bị thương; tăng 02 vụ, 02 người chết so CK năm 2022.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

- Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu, bước đầu hình thành một môi trường công nghệ lành mạnh, hiệu quả. Quản lý, kiểm tra theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện 43 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 07 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của tỉnh; 02 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi Trung ương ủy quyền địa phương quản lý. Qua kiểm tra, theo dõi các đề tài, dự án triển khai cơ bản đúng tiến độ được duyệt; đề tài, dự án được nghiệm thu có kết quả xếp loại đạt trở lên.

- Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm triển khai và đạt kết quả. Quản lý tốt các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh.

- Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường; đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Riêng đối với hoạt động dịch vụ của Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm hàng hoá thu dịch vụ được 400 triệu đồng, đạt 80% KH, giảm 20% so tháng trước.

III. Tài nguyên và Môi trường

1. Công tác quản lý đất đai

Công tác quản lý đất đai được tăng cường, thực hiện rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất và hoàn thiện Tờ trình, hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025) tỉnh Lào Cai; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện đối với 08/9 huyện, thành phố (còn thị xã Sa Pa); phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 9/9 huyện, thị xã, thành phố.

Tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

2. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản - Nước

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản - Nước được quan tâm chỉ đạo. Ban hành Phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt trúng đấu giá quyền khai thác khoáng tại 05 điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; rà soát tổng thể hoạt động từ năm 2010 đến nay các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; việc thu hồi và sử dụng bã sàng sau chế biến cao lanh thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa. Yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý và thực hiện các quy định về quản lý khoáng sản.

3. Công tác bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung xử lý sự cố vỡ vỡ cống D2000 hồ thải nhà máy tuyển đồng Tả Phời. Chỉ đạo giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo đúng thời gian quy định, giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC chậm muộn trong lĩnh vực đất đai xuống còn dưới 1,5%.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số hoạt động

1. Quân sự - quốc phòng

Quân sự - quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong tháng, xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ; làm chết 04 người, bị thương 19 người. Lũy kế 9 tháng đầu năm xảy ra 55 vụ tai nạn giao thông, chết 30 người, bị thương 68 người ( tăng 03 người chết, tăng 10 người bị thương so với CK năm 2022).

3. Hoạt động đối ngoại

- Các hoạt động đối ngoại thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào, Cộng hòa Namibia…

- Tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham dự Ngày hội và Hội thảo xúc tiến đầu tư thương mại ngành hàng Quế tỉnh Lào Cai; đón tiếp Đoàn Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Cộng hòa Namibia thăm và làm việc tại tỉnh; dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada tại thành phố Hồ Chí Minh; dự Lễ công bố, ký kết hợp tác Dự án Cao đẳng Quốc tế Canada - Việt Nam; đón tiếp các đoàn khách quốc tế tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa và hoạt động tham quan, khảo sát bên lề sự kiện.

V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính

- Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng quy định, thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 13 cơ quan, tổ chức hành chính; kết quả giảm 05 phòng thuộc sở, ban, ngành, chi cục.

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Quỹ tài chính: thành lập 01  đơn vị; tổ chức lại 03  đơn vị; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy đối với 08 đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành mới/sửa đổi Điều lệ đối với 03 Qũy tài chính. Việc sắp xếp, kiện toàn đã giảm được 01 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 01 đơn vị do thành lập mới, giảm 02 đơn vị do sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập).

- Công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế được thực hiện hiệu quả. 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã phê duyệt vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm đối với 12 cơ quan, đơn vị; phê duyệt vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm đối với 11 cơ quan, đơn vị. Tổng số chỉ tiêu biên chế, hợp đồng năm 2023 (tính đến thời điểm hiện nay) của khối chính quyền tỉnh Lào Cai là 24.373 chỉ tiêu, cắt giảm 419 chỉ tiêu so với năm 2022.

- Công tác rà soát quy hoạch cán bộ trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt; tích cực triển khai các biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp gắn với việc thực hiện nghiêm túc văn hóa công vụ. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số.

- Công tác thi đua, khen thưởng triển khai kịp thời, sâu rộng, bảo đảm biểu dương khen thưởng kịp thời, ưu tiên đối tượng lao động trực tiếp, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.

- Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện nghiêm, không có điểm nóng, phức tạp về tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Về chuyển đổi số: Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 29 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH,… và các nền tảng thanh toán điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia qua nền tảng NDXP, VDXP của quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng là 95,4% (tăng 01% so với tháng 8/2023). Trong đó cấp tỉnh 98,1/95% (vượt 3% so với KH giao), cấp huyện 92,16/95%, cấp xã 96/95% (vượt 1% so với KH giao). Tích hợp 1.330/1.761 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 85,5% (giảm 8,5% so với tháng 8/2023); đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố (giảm 03 bậc so với tháng 8/2023).

- Công tác truyền thông luôn được triển khai đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tuyên truyền; thông tin trung thực, khách quan, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để người dân kịp thời nắm bắt thông tin chính xác.

Xem văn bản tại đây:

Tải về

Tải về

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1