Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 3 và quý I năm 2024
Lượt xem: 450

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản duy trì và ổn định, bảo đảm khung thời vụ; công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để dịch bệnh lớn xảy ra; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường.

a) Trồng trọt:

- Cây lúa: Trong tháng làm đất 2.067 ha, lũy kế 9.560 ha, bằng 97,6% KH và 96,7% CK (9.881 ha); dự kiến hết quý I đạt 9.800 ha, bằng 100% KH. Diện tích cấy trong tháng đạt 7.147 ha, lũy kế đến nay đạt 7.227 ha, đạt 73,4% KH và 78,5% CK (9.209 ha). Dự kiến hết quý I hoàn thành gieo cấy 9.800ha, bằng 100% KH. Toàn bộ diện tích mạ và lúa mới cấy sinh trưởng và phát triển tốt.

- Cây Ngô: Trong tháng trồng 7.260 ha, lũy kế đến nay đạt 7.644 ha, bằng 25% KH và 49,2% CK (15.552 ha); dự kiến hết quý I trồng được khoảng 14.555 ha, đạt 47,5% KH và 63,8% CK.

- Cây trồng vụ đông: Kế hoạch sản xuất toàn tỉnh dự kiến trên 4.300ha. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông trên đất ruộng, sản xuất theo hướng hàng hóa đạt 4.445 ha, bằng 103,4% KH và 101,4% CK.

b) Chăn nuôi:

Đàn vật nuôi phát triển ổn định, các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng đàn gia súc 612.800 con, đạt 97,89% KH (626.000 con); tổng đàn gia cầm 4.810 nghìn con, đạt 92,50% KH (5.200 nghìn con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng lũy kế đạt 16.575 tấn, đạt 22,40% KH (74.000 tấn). Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên ao hồ nhỏ 2.204 ha, đạt 93,79% KH (2.350 ha); sản lượng thủy sản đạt 950 tấn, lũy kế 2.750 tấn, đạt 21,65% KH (12.700 tấn).

Trong tháng dịch bệnh ổn định trên đàn vật nuôi. Ngành Nông nghiệp đã phối hợp tốt với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

c) Lâm nghiệp:

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kế hoạch bảo vệ phát triển rừng năm 2024; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát ngăn chặn buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng chống cháy rừng.

- Công tác phát triển rừng: Trong tháng trồng 385,7 ha, lũy kế 488,3 ha. Trong đó: Trồng mới rừng sản xuất 351,3/1.700 ha (= 20,66% KH) và trồng lại rừng 137 ha. Bảo vệ rừng 277.865/277.865 ha; khoanh nuôi tái sinh 2.573/2.763 ha. Trồng cây xanh phân tán: Lũy kế 743.195/2.000.000 cây (= 37,16% KH).

- Khai thác lâm sản: Khai thác gỗ lũy kế 4.273,6 m3; trong đó khai thác chính 3.641,7m3, khai thác cây phân tán 631,8 m3. Khai thác lâm sản khác lũy kế 4.154,5 tấn (măng tươi và các loại hạt...).

- Quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuần tra canh phòng cháy rừng, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chế biến lâm sản tại các địa bàn trọng điểm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong tháng phát hiện 10 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

d) Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới:

Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện, thị xã, thành phố đã công nhận được 177 Thôn Kiểu mẫu, 237 Thôn Nông thôn mới; đồng thời chỉ đạo người dân tích cực thực hiện các nội dung như: cải tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, vệ sinh nhà cửa, triển khai các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập.

đ) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

Công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai thường xuyên được chú trọng; chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục kịp thời, hiệu quả nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thực hiện nghiêm việc trực ban phòng chống thiên tai; theo dõi, chuyển các bản tin cảnh báo, dự báo về thời tiết thiên tai đến các địa phương; nắm bắt, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra đúng quy định.

Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại kèm theo mưa nhỏ (đợt 1 từ ngày 10 - 12/1; đợt 2 từ ngày 21 - 23/1). Rét nhất là đợt 21 - 23/1) nhiệt độ nhiều nơi giảm xuống dưới 10 - 120c, các huyện vùng cao 3 - 50C. Xảy ra 01 đợt dông lốc cục bộ tại một số xã, phường của thị xã Sa Pa vào ngày 03 - 04/3 gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp. Thiên tai làm thiệt hại 47 nhà ở, 1.000m2 nhà lưới, 10 lán trại chăn nuôi, 02 con trâu, gãy đổ 03 cột điện. Ước thiệt hại 1,6 tỷ đồng.

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:

Quý I/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị dần đi vào ổn định và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Các đơn vị sản xuất hóa chất, phân bón duy trì công suất từ 75 - 90%. Hiện nay nhu cầu mua phốt pho vàng trên thị trường thế giới đang có sự khởi sắc, giá bán các sản phẩm phốt pho vàng, phân bón tăng cao hơn so với tháng 02, hàng tồn kho không nhiều. Trong quý I/2024, có thêm nhà máy thuỷ điện Móng Sến (6 MW) đã hoạt động chính thức, phát điện lưới quốc gia và 01 dự án thủy điện Nậm Lúc hoàn thiện nâng công suất (từ 20 MW lên 24 MW) nâng tổng số dự án đã hoàn thành phát điện trên địa bàn tỉnh lên 73 dự án (tổng công suất lắp máy 1.144,85 MW).

Giá trị sản suất công nghiệp tháng 3/2024 ước đạt 3.483,8 tỷ đồng, lũy kế quý I/2024 ước đạt 9.719,53 tỷ đồng, bằng 18,6% KH, bằng 100,13% so với CK. Trong đó giá trị công nghiệp khai thác đạt 699 tỷ đồng, bằng 26,1% KH; giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.684,9 tỷ đồng, bằng 19,4% KH; giá trị sản xuất và phân phối điện đạt 1.254,2 tỷ đồng, bằng 13,2% KH.

b) Giải ngân vốn đầu tư công:

- Đến ngày 26/3/2024, giá trị giải ngân đạt 1.223/5.791 tỷ đồng, bằng 21% KH và bằng 24% KH thực tế giao. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao đến nay đạt 1.634/5.212 tỷ đồng, bằng 31% KH.

- Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến tháng 3/2024, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lào Cai đạt 21% KH, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đạt 13,67% KH.

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá sôi động. Các doanh nghiệp phân phối, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có sự chuẩn bị tốt với lượng hàng cung ứng nên hàng hoá trên thị trường tỉnh Lào Cai (đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán) phong phú, đa dạng với mẫu mã đẹp. Sức mua trên thị trường năm nay giảm nhẹ so với các năm trước, tuy nhiên sức mua thời điểm giáp tết lại tăng mạnh (trên 40% so tháng trước), chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Người tiêu dùng lựa chọn các mặt hàng phân khúc bình dân, chú trọng nhiều vào các sản phẩm thiết thực phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Các cơ sở kinh doanh đã chủ động xây dựng phương án kinh doanh, bố trí đủ nhân lực phục vụ kể cả những ngày nghỉ lễ bảo đảm không làm gián đoạn mọi hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng lượng khách du xuân (trong và ngoài tỉnh) đến thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai tăng kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.

Giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Trong quý I/2024, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 11 lần; trong đó xăng tăng 07 lần, giảm 04 lần; dầu tăng 6 lần và giảm 05 lần.

Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 03 ước đạt 3.520 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 12,9% so với CK. Lũy kế quý I ước đạt 10.646,8 tỷ đồng, bằng 27,3% KH, tăng 15,6% so với năm trước.

b) Xuất nhập khẩu:

Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn được bảo đảm diễn ra bình thường; cửa khẩu không xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu. Lượng hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu tăng mạnh so với tháng 02/2024 (do tháng 02 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hàng hóa thông quan giảm mạnh). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với tháng 02/2023, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn… xuất khẩu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón nhập khẩu.

Trung bình lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 270 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 110 xe/ngày; nhập khẩu 160 xe/ngày. Ước tháng 3/2024 cấp C/O cho hơn 32 nghìn tấn hàng hóa (bao gồm các mặt hàng thanh long, dưa hấu, chuối, mít, sắn lát khô, tinh dầu quế, sầu riêng, cà phê hạt, khoai lang tím) giá trị đạt 34 triệu USD.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 3/2024 ước đạt 197,86 triệu USD, tăng 49,44% so với tháng 02/2024, tăng 40,78% so CK. Lũy kế ước đạt 532,27 triệu USD, tăng 28,02% so với CK năm 2023, đạt 11,83% KH.

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng và các vụ việc nổi cộm, các vụ việc vi phạm chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ. Lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin nên đã kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra các vụ việc nổi cộm, tụ điểm phức tạp về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc… trên địa bàn.

Trong tháng, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 63 vụ (tăng 53,7% so với tháng CK năm 2023), số vụ vi phạm 60 vụ (tăng 122,2% so với CK năm 2023), số vụ xử lý 57 vụ (03 vụ đang xử lý), tổng giá trị xử lý 1.354 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm kiểm tra 1.115 lượt vụ; số vụ vi phạm 855 vụ; tổng giá trị xử lý 1.206.581.000 đồng (gấp 3,8 lần so với CK năm 2023); tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 789,8 triệu đồng.

d) Du lịch:

Tháng 3/2024 tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 960.451 lượt khách (trong đó khách quốc tế 68.407 lượt, khách nội địa 892.044 lượt), tăng 78,5% với tháng trước (538.000 lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.775 tỷ đồng, tăng 48% so với tháng trước (1.875 tỷ đồng).

Lượng khách du lịch trong tháng 3 đến các địa phương trọng điểm du lịch như sau: Thị xã Sa Pa đón khoảng 386.300 lượt khách, thành phố Lào Cai khoảng 389.700 lượt khách, huyện Bắc Hà đón khoảng 72.000 lượt khách, huyện Bảo Yên khoảng 273.500 lượt khách, huyện Bát Xát khoảng 34.400 lượt khách.

Tổng lượng khách đến Lào Cai quý I/2024 là 2.022.816 lượt khách (trong đó khách quốc tế 218.421 lượt, khách nội địa 1.804.395 lượt) bằng 23,8% KH (8.500.000 lượt), giảm 3,7% so với lũy kế CK năm 2023 (2.100.588 lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 6.317 tỷ đồng, bằng 23,2% KH (27.200 tỷ đồng), tăng 17% so với lũy kế CK năm 2023 (5.378 tỷ đồng).

đ) Hoạt động vận tải:

- Vận tải hành khách (HK): Tháng 03 vận tải HK ước đạt 1.160 nghìn HK, tăng 6,72% so với CK; luân chuyển ước đạt 64.822 nghìn HK.Km, tăng 10,15%; doanh thu ước đạt 250,04 tỷ đồng, tăng 10,88%. Tính chung 3 tháng đầu năm, vận tải đạt 1.884 nghìn HK, giảm 8,59% so với CK; luân chuyển đạt 103.217 nghìn HK.Km, giảm 6,41%; doanh thu đạt 356,98 tỷ đồng, giảm 13,59% so với CK.

- Vận tải hàng hóa và dịch vụ: Tháng 03 ước tính đạt 1.237 nghìn tấn, tăng 6,8% so với CK; luân chuyển ước đạt 45.423 nghìn tấn.km, tăng 5,89%; doanh thu ước đạt 187,6 tỷ đồng, tăng 9,62%. Tính chung 3 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa đạt 2.855 nghìn tấn, tăng 19,55% so với CK; luân chuyển đạt 103.577 nghìn tấn.km, tăng 18,9%; doanh thu đạt 444,29 tỷ đồng, tăng 25,79%.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

- Thu ngân sách nhà nước được triển khai tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 3/2024 ước đạt 2.068 tỷ đồng, bằng 22,5% dự toán Trung ương giao, bằng 16,2% dự toán UBND tỉnh giao, bằng 120,3% so với CK.

- Tổng thu ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 3/2024 ước đạt 5.308 tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán Trung ương giao, bằng 28,4% dự toán tỉnh giao và bằng 86,7% so với CK.

- Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết tháng 3/2024 ước đạt 4.152 tỷ đồng, bằng 24,5% dự toán Trung ương giao, bằng 22,2% dự toán tỉnh giao và bằng 60,2% so với CK.

b) Hoạt động tín dụng:

- Nguồn vốn huy động trên địa bàn đến ngày 31/3/2024 ước đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 1,84% so với ngày 31/12/2023. Doanh số cho vay quý I/2024 ước đạt 24.500 tỷ đồng, doanh số thu nợ ước đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 11,3% so CK năm 2023. Tổng dư nợ ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ doanh nghiệp 19.200 tỷ đồng; dư nợ cá nhân 37.300 tỷ đồng (cho vay tiêu dùng 12.300 tỷ đồng, chiếm 23,5% dư nợ cho vay của ngân hàng thương mại).

- Chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ khoảng 0,85%, không tăng so với cuối năm 2023.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng của các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng dịch vụ giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm sau Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0,46% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 3 tăng 0,97% và so với CK năm trước tăng 1,54%. Tính chung quý I năm 2024, CPI tăng 1,23% so với CK năm trước.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

- Thu hút đầu tư trong nước: Từ đầu năm đến thời điểm báo cáo UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 05 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 665 tỷ đồng.

- Thu hút đầu tư nước ngoài: Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 29 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 730,399 triệu USD.

- Về đăng ký doanh nghiệp: Trong tháng 3 thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 72 doanh nghiệp và 6 đơn vị trực thuộc, tổng vốn đăng ký đạt 450 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 160 doanh nghiệp và 09 đơn vị trực thuộc (tăng 8,5% so với CK); tổng vốn đăng ký đạt 1.146 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 422 doanh nghiệp (tăng 48,5% so với CK); giải thể 27 doanh nghiệp (tăng 50,2% so với CK); hoạt động trở lại 116 doanh nghiệp (tăng 8,4% so với CK).

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

Công tác quản lý nhà nước về giáo dục được thực hiện tốt, tập trung vào các hoạt động: Tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố; Hội nghị bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, thuốc lá, bạo lực học đường và đuối nước đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU trong ngành Giáo dục năm 2024; Kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ phổ thông giáo dục mầm non vùng khó khăn năm 2024; Kế hoạch chỉ đạo, tổ chức Hội thi "Giai điệu tuổi hồng" các cấp tỉnh Lào Cai lần thứ VI năm 2024,…

2. Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao

- Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện: Chiếu phim; tuyên truyền lưu động tại cơ sở. Trong tháng 3, Rạp chiếu phim đã thực hiện chiếu các phim thu hút đông đảo người dân đến xem như: “Mai”, “Đào, Phở và Piano”.

- Hoạt động thể thao: Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình, chú trọng công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường,… trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh theo kế hoạch: Giải Việt dã truyền thống Báo Lào Cai kết hợp với Lễ phát động Ngày chạy olympic toàn dân; Bóng đá khối THPT và Giải Teawondo các lứa tuổi trẻ. Trong tháng 3 cũng đã vận động xã hội hóa tổ chức 01 giải thể thao (Giải bóng rổ tỉnh Lào Cai lần thứ I) và đăng cai 01 giải thể thao toàn quốc (Xe đạp địa hình cự ly ngắn).

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ các bệnh lưu hành địa phương, không phát hiện ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới; không có ca diễn biến nặng hay tử vong.

- Quản lý chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lưu hành địa phương; phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để lan rộng.

- Duy trì thường xuyên công tác khám chữa bệnh, bảo đảm chế độ thường trực cấp cứu, phòng chống thiên tai bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm các quy định về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân trong các cơ sở khám chữa bệnh. Công suất sử dụng giường bệnh trong tháng tuyến tỉnh, huyện đạt 91,11%; PKĐKKV đạt 8,9%.

- Trong tháng 3/2024 không xảy ra ngộ độc thực phẩm cấp tính.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 3/2024 đã giải quyết việc làm cho 1.952 lao động. Lũy kế thực hiện 3 tháng đầu năm 2024 giải quyết việc làm cho 4.957/14.495 lao động (tăng 1.128 lao động so với CK năm 2023), đạt 34,2% KH.

- Công tác Giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh: Trong tháng 3, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo được 160 người. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh 1229/12.000, đạt 10,2%.

- Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em được quan tâm chỉ đạo. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình, đề án về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông…

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ đi vào chiều sâu, bước đầu hình thành một môi trường công nghệ lành mạnh, hiệu quả. Quản lý, theo dõi, kiểm tra đánh giá, nghiệm thu đối với 62 đề tài, dự án; chuyển tiếp sang 2024 gồm 02 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý; 50 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; 10 dự án chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Theo dõi và quản lý việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của 11 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 06 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Qua kiểm tra, theo dõi các đề tài, dự án triển khai cơ bản đúng tiến độ được duyệt; đề tài, dự án được nghiệm thu có kết quả xếp loại đạt trở lên. Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm triển khai và đạt kết quả. Quản lý tốt các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được bảo đảm đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Riêng đối với hoạt động dịch vụ của Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm hàng hoá thu dịch vụ được 150 triệu đồng, đạt 75% KH.

III. Tài nguyên và Môi trường

1. Công tác quản lý tài nguyên

- Công tác quản lý tài nguyên đất được quan tâm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện được 08/09 huyện, thị xã, thành phố (còn thị xã Sa Pa đang chỉnh sửa, hoàn thiện).

- Tiếp nhận, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất của 04 tổ chức, giao đất cho 01 tổ chức, cho 06 tổ chức thuê đất; trình Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh phương án giá đất cho 06 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức thẩm định các thiết kỹ thuật - dự toán phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng 07 công trình, dự án. Thẩm định chất lượng sản phẩm công trình phục vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất 09 công trình, dự án.

2. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản - Nước

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản - Nước được quan tâm chỉ đạo. Phê duyệt đăng ký khai thác đất san lấp trong phạm vi ranh giới, diện tích dự án: Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 151C, đoạn Tân An - Khe Sang (Km28+300-Km37+600) của Công ty TNHH Yên Long. Đăng ký khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án đầu tư: Xây dựng công trình Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, tỉnh Lào Cai của Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời - Vinacomin; cấp 01 Bản xác nhận đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 01 dự án.

Xem xét đề xuất việc thực hiện phương án thu gom, quản lý quặng sắt tại khu vực công trình đường kết nối tỉnh lộ 151 với đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; việc làm rõ quặng apatit trong diện tích xin gia hạn giấy phép khai thác mỏ đất sét thôn Làng Dạ, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai; việc giải quyết, xử lý sạt lở đất đá khu vực giáp bờ trụ khai trường khu Đông mỏ đồng Sin Quyền của Tổng Công ty khoáng sản - TKV.

3. Công tác bảo vệ môi trường

Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Tiếp nhận, thẩm định 02 hồ sơ báo cáo ĐTM; 01 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; báo cáo thực hiện kiến nghị Kiểm toán nhà nước khu vực VII chuyên đề hoạt động quản lý môi trường tại các Ban Quản lý Khu kinh tế và Khu công nghiệp.

Duy trì, vận hành và theo dõi hoạt động của 02 trạm quan trắc tự động online; 06 trạm quan trắc tài nguyên nước tự động, liên tục.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số hoạt động

1. Quân sự - Quốc phòng

Tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

2. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong tháng 3/2024 xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông đường bộ làm chết 02 người, bị thương 05 người. Lũy kế từ đầu năm xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, chết 23 người, bị thương 38 người (tăng 11 người chết, tăng 01 người bị thương so với CK năm 2023).

3. Hoạt động đối ngoại

Các hoạt động đối ngoại thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và mở rộng quan hệ đối ngoại với các địa phương, vùng lãnh thổ nước ngoài khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào, Cộng hòa Namibia…

V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính

- Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng quy định: thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 02 đơn vị (Trung tâm Dịch vụ khu kinh tế; Thanh tra Sở Giao thông vận tải).

- Công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế được thực hiện hiệu quả. Thông báo chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và chỉ tiêu hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP. Quyết định chuyển giao Chi cục và các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng về thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai. Phê duyệt Điều lệ Hội Golf tỉnh Lào Cai, phê duyệt Điều lệ Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin huyện Bắc Hà.

- Công tác cải cách hành chính (CCHC) được triển khai tích cực. Triển khai công tác CCHC năm 2024; tổ chức Hội nghị công tác CCHC; triển khai công tác thông tin, tuyên truyền của tỉnh Lào Cai năm 2024; triển khai đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của tỉnh Lào Cai năm 2023, gửi Bộ Nội vụ thẩm định.

- Về chuyển đổi số: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024 ngành Nội vụ tỉnh Lào Cai; Thực hiện chấm điểm chuyển đổi số (DTI) lần của Sở Nội vụ; Tiếp tục đôn đốc các đơn vị cập nhật cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lào Cai lên Phần mềm quản lý; phối hợp với Hội từ thiện Khai Tâm tổ chức trao tạng nhà tình thương cho hai hộ nghèo xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa); Tham dự Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông năm 2024 do UBND tỉnh Lào Cai tổ chức.

- Công tác truyền thông luôn được triển khai đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tuyên truyền; thông tin trung thực, khách quan, tuyên truyền toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quốc phòng.

Xem Báo cáo tại đây:

Tải về

Tải về

  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1