Phụ nữ người Mông Bản Xèo gìn giữ nghề dệt vải lanh truyền thống
Lượt xem: 65
CTTĐT - Từ bao đời nay, nghề dệt lanh đã gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Mông các xã khu vực Bát Xát nói chung và xã Bản Xèo nói riêng. Với đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ người Mông đã dệt nên những tấm vải lanh với hoa văn tinh xảo, làm nên những bộ trang phục truyền thống và các vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Đời này qua đời khác họ vẫn đang miệt mài gìn giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc mình và trao truyền cho thế hệ tương lai.
anh tin bai

Dệt vải lanh

Cứ đến tháng 7 hằng năm gia đình chị Thào Thị Dính, thôn Séo Pa Cheo, xã Bản Xèo lại thu hoạch lanh để làm nguyên liệu dệt vải. Sau khi thu hoạch, cây lanh được chị Dính đem ra phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi ngâm nước và luộc cho đến khi thấy sợi lanh mềm, trắng thì mang phơi nắng rồi dùng guồng chia sợi lanh ra trước khi mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải lanh bền đẹp. Chị Dính, chia sẻ: Lúc bé học thêu từ bà, từ mẹ, lớn lên đi lấy chồng thì may quần, may áo cho chồng, cho con để giữ nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo thì cần phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông như: xe sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa. Sau công đoạn dệt, để tạo nên những tấm vải thổ cẩm độc đáo, người phụ nữ Mông bắt đầu công đoạn dùng kỹ thuật in, vẽ sáp và thêu. Công việc này thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ của người phụ nữ Mông. Những sản phẩm thổ cẩm với sự trang trí, phong phú và độc đáo với hoa văn, họa tiết khác nhau, theo các gam màu chủ đạo trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây và tím dần hiện lên nền vải lanh đã trở thành nét văn hoá của người Mông từ bao đời nay. Chị Châu Thị Sú, thôn Séo Pa Cheo, xã Bản Xèo cho biết: Phụ nữ người Mông chúng tôi ai cũng biết dệt, biết may để may quần áo cho gia đình và cho chồng, cho con. Sau này mong muốn được bán ra thị trường để tăng thu nhập cho gia đình.

anh tin bai

Phụ nữ Mông thêu hoa văn thổ cẩm

Họa tiết, hoa văn trên nền trang phục người Mông chủ yếu là các hoa văn hình học. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi được làm thủ công và mất rất nhiều thời gian. Để lưu giữ nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống cho thế hệ sau, những bé gái người Mông ngay từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa để tự may cho mình những bộ trang phục truyền thống theo sở thích; thể hiện được sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ Mông nơi đây.

anh tin bai

Truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ

Nghề se lanh, dệt vải của đồng bào dân tộc Mông đã có từ xa xưa, những người phụ nữ dân tộc Mông truyền tay từ thế hệ trước sang thế hệ sau, thể hiện sự khéo léo, kiên trì, cần cù, chịu thương, chịu khó. Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông ở xã Bản Xèo duy trì nghề se lanh dệt vải chủ yếu may các túi đồ thổ cẩm, trang phục để mặc trong những ngày lễ; và đặc biệt theo phong tục của đồng bào dân tộc Mông, khi người khuất núi phải được mặc váy, áo làm từ vải lanh. Trước sự thay đổi của nhu cầu thị trường, người Mông vẫn giữ cho mình nét văn hóa độc đáo được thể hiện qua những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trước kia đồng bào người Mông quan niệm, sợi lanh là sợi kết nối với thế giới tâm linh và nguồn cội. Ngày nay, ngoài mang giá trị kết nối truyền thống ấy, những sản phẩm thủ công tinh xảo được làm từ sợi lanh của đồng bào Mông nơi đang ngày ngày theo chân du khách đi khắp muôn nơi đã trở thành sợi dây kết nối những người miền núi xa xôi với người miền xuôi cũng như kết nối giá trị văn hóa của bà con đến mọi nơi trên thế giới.

anh tin bai

Vải Lanh được phơi sau khi nhuộm

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xèo cho biết: Để thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều giải pháp. Thứ nhất là thành lập Tổ hợp tác, thứ hai là chủ động xây dựng được 3 sản phẩm OCOP từ vải lanh. Thứ ba là chủ động liên kết với các đơn vị, các HTX để bao tiêu sản phẩm từ vải lanh cho bà con; đồng thời đưa các sản phẩm dệt may của bà con ra thị trường. Bên cạnh đó, xã cũng định hướng việc kết hợp sản xuất với du lịch để phát huy và nâng cao thu nhập cho bà con.

Nghề dệt lanh không chỉ là nghề truyền thống cần được bảo tồn mà còn là một trong những nghề mang tính bền vững tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường và là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Mông nơi đây./.

Quang Phấn
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1