Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể
Lượt xem: 199
CTTĐT - Sáng ngày 23/4/2024, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhành tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Lào Cai, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; đại diện Quỹ tín dụng Nhân dân và một số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Khai mạc Hội thảo, đồng chí Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hội thảo hôm nay có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như đại diện các ngân hàng, Quỹ phát triển HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (THT) trên cả nước. Đồng chí đề nghị các đại biểu tham luận, trao đổi tập trung vào việc đánh giá toàn diện tình hình hoạt động, thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực KTTT, HTX; khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng, khó khăn gì, vướng mắc ở đâu và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.

anh tin bai

Hội thảo trực tuyến đến các tỉnh, thành phố.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động của khu vực KTTT, HTX, giải pháp huy động các nguồn lực cho KTTT, HTX trong thời gian tới. Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 Liên hiệp HTX và 71.500 THT. So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 4%; Liên hiệp HTX tăng 5,4% và số THT tăng 1%. Tuy nhiên số HTX đã ngừng hoạt động cần giải thể năm 2023 tăng cao với trên 1.700 HTX, tăng 82% so với năm 2022; tổng số thành viên HTX cũng giảm 1,5% so với năm trước còn hơn 5,8 triệu thành viên. Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.536 triệu đồng/HTX/năm 2023, giảm 5% so với năm 2022. 

Thời gian qua, xác định khu vực KTTT, HTX là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với KTTT, HTX như: Chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa 300 triệu đồng đối với THT; tối đa 01 tỷ đồng đối với HTX; cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là thành viên HTX được vay từ 100 - 500 triệu đồng… Chính sách ưu đãi lãi suất: HTX, Liên hiệp HTX, THT được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1 - 1,5% (hiện đang áp dụng 4,0%/năm) khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại. Cơ chế xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng.

HTX, Liên hiệp HTX, THT được vay vốn của Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng (hiện nâng quy mô lên 30.000 tỷ đồng) đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản do các ngân hàng thương mại thực hiện. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 từ Ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với khoản vay của HTX nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Ngoài ra, các HTX, thành viên HTX còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến cuối tháng 02/2024, dư nợ cho vay đối với gần 1.200 HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.043 tỷ đồng, giảm 1,68% so với cuối năm 2023.

anh tin bai

Đại diện Ngân hàng Nhà nước báo cáo về chính sách tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước góp phần phát triển khu vực KTTT, HTX (ảnh chụp màn hình).

Hiện nay, có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay KTTT, HTX tuy nhiên kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực này chưa cao. Có khoảng 2% số HTX trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng; khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Trung ương và địa phương... trong khi nhu cầu vốn của khu vực KTTT, HTX là rất lớn. Việc khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các HTX phải đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến khả năng tiếp cận vốn vay thấp; nhiều HTX còn hạn chế trong quản trị điều hành, tính liên kết trong sản xuất của các HTX không cao, chủ yếu quy mô nhỏ; giá trị tài sản mang đi thế chấp của các HTX thường không cao; hầu hết các HTX chưa đáp ứng về điều kiện phải có Báo cáo tài chính được kiểm toán theo yêu cầu của hồ sơ vay; các ngân hàng thường e ngại khi cho vay theo hình thức tín chấp, không có tài sản đảm bảo...

Về tiếp cận vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tổng số vốn hoạt động của 50 Quỹ địa phương là 2.596 tỷ đồng. Đến hết 2023, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương đã ký hợp đồng cho vay 376 dự án tại 55 tỉnh, thành phố với 1.157 tỷ đồng, giải ngân với số tiền 1.067 tỷ đồng, dư nợ cuối năm 518 tỷ đồng. Ước đến hết 2023, các Quỹ địa phương đã cho vay 22.300 tỷ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt HTX, 2.200 lượt THT, 750.000 lượt thành viên HTX; dư nợ đạt 2.050 tỷ đồng. Tuy nhiên giới hạn cho vay 01 khách hàng không cao, chỉ đáp ứng nhu cầu vốn vay lưu động để HTX duy trì sản xuất, không đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn đối với các dự án cần nguồn tài trợ lớn.

anh tin bai

Đại diện HTX chia sẻ về việc vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh (ảnh chụp màn hình).

Tại Hội thảo, đại diện Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã, các HTX, Liên hiệp HTX các tỉnh, thành phố tham luận về giải pháp củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; nhu cầu vốn tín dụng phát triển KTTT; chia sẻ kinh nghiệm về cho vay thành viên HTX, THT; tình hình hoạt động, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn các tổ chức tín dụng như: thiếu tài sản thế chấp để vay vốn, các thủ tục cho vay vốn còn phức tạp, mất nhiều thời gian,… Đồng thời đề xuất Chính phủ có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho loại hình tổ chức tín dụng là HTX hoạt động ổn định và phát triển bền vững; nghiên cứu, xem xét đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận vốn vay; cấp bổ sung ngân sách Nhà nước để nâng mức vốn điều lệ các Quỹ; tăng định mức vay và kéo dài thời gian cho vay; tạo điều kiện để các HTX được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản; có cơ chế đặc thù cho vay vốn đối với các HTX hoạt động hiệu quả; tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX; tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình HTX hoạt động hay để áp dụng triển khai…

Đại diện một số ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương, Ngân hàng HTX Việt Nam) đã trình bày các chính sách, sản phẩm tín dụng ưu đãi đối với KTTT, HTX của đơn vị; kết quả đầu tư tín dụng và quá trình đồng hành cùng khu vực KTTT, HTX… Đồng thời đề cập đến khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khi tiếp cận vốn tín dụng của các HTX như: mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đẩy mạnh thương mại điện tử; thành lập và phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát, sắp xếp, củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX…

anh tin bai

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tham gia ý kiến tại Hội thảo (ảnh chụp màn hình).

Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu cũng đã trao đổi thẳng thắn, trực tiếp về thực trạng, nguyên nhân cơ bản và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng HTX, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT, HTX… tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết qua 17 ý kiến của đại biểu tham luận tại Hội thảo đã phần nào thấy được bức tranh về tình hình hoạt động, chính sách hỗ trợ KTTT, HTX; thực trạng tiếp cận vốn tín dụng; khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ. Đồng chí cho rằng có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết và từ nhiều phía, từ cơ quan quản lý nhà nước, từ ngân hàng, các quỹ tín dụng, từ các HTX… Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, đề xuất của đại biểu để tham mưu các cơ chế, chính sách tín dụng hợp lý thúc đẩy tăng trưởng, phát triển khu vực KTTT, HTX. Đồng thời tiến hành đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tạo thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX tiếp cận tín dụng; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng;… Phó Thống đốc cho rằng điều quan trọng nhất hiện tại là bản thân các HTX cần phải sắp xếp, đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình hoạt động, thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của các HTX, liên hiệp HTX, THT để nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa vay vốn tín dụng…

anh tin bai

Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Do đó cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với khu vực KTTT, HTX từ Quỹ phát triển HTX, từ ngân hàng thương mại, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường…

anh tin bai 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe rất nhiều ý kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng cho khu vực KTTT, HTX. Do đó đề nghị các địa phương cần có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển khu vực KTTT, HTX, không đầu tư dàn trải, tránh lãng phí nguồn lực. Đặc biệt là các HTX phải thấy rõ được hạn chế, điểm yếu của mình để có giải pháp khắc phục, phát huy năng lực nội tại, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không chỉ phụ thuộc vào các chế độ hỗ trợ. Bên cạnh đó xây dựng, triển khai một số chương trình, đề án điển hình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững. Đồng chí Chủ tịch Liên minh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tham mưu Chính phủ có gói tín dụng riêng hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm 60 - 70% tổng số HTX cả nước và đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả…/.

Thanh Huyền
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1