Giải quyết kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2017
Lượt xem: 13171
CTTĐT - UBND tỉnh Lào Cai trả lời, giải quyết kiến nghị, đề nghị cụ thể của doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp năm 2017.

Ngày 09/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2017 để tôn vinh doanh nghiệp và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Về các kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư: Trước Hội nghị có 12 doanh nghiệp gửi ý kiến, tại Hội nghị có 04 doanh nghiệp phát biểu ý kiến, sau Hội nghị có 01 doanh nghiệp gửi ý kiến bằng văn bản.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, đơn vị giải quyết, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền. Các ý kiến góp ý, tham gia của doanh nghiệp với tỉnh Lào Cai về công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cơ chế chính sách: UBND tỉnh Lào Cai, các Sở, ngành, huyện, thành phố trân trọng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến tham gia phù hợp và mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến tham gia, đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Sau đây là ý kiến trả lời, giải quyết của UBND tỉnh Lào Cai đối với các kiến nghị, đề nghị cụ thể của doanh nghiệp:

I. Lĩnh vực thương mại

1. Công ty TNHH TMTH Nghĩa Anh, Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh tỉnh Lào Cai: Vướng mắc trong thanh toán biên mậu thực hiện theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới đã gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiểu ngạch, không được đảm bảo về quyền lợi khi doanh nhân đi sang Trung Quốc trao đổi công việc.

Để giải quyết những vướng mắc trong hoạt động thanh toán biên mậu của thương nhân tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, ngày 17/02/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 585/UBND-KT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới; theo đó UBND tỉnh đã đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, cáo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Đến thời điểm hiện tại đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

2. Công ty TNHH Nhẫn Hồng Ngọc Việt: Đề nghị tỉnh có ý kiến với Chính phủ về việc Trung Quốc chỉ cho phép 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Lào Cai không được xuất khẩu gạo.

Ngày 22/12/2016, Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch và Giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc đã có văn bản chấp nhận 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, vì có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và được áp dụng kể từ ngày 01/01/2017.

Hiện tại, tỉnh Lào Cai chưa có doanh nghiệp nào có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp tại Lào Cai muốn xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có thể liên hệ với 22 doanh nghiệp trong danh sách đã được Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch và Giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc chấp nhận để thỏa thuận thực hiện ủy thác xuất khẩu (danh sách 22 doanh nghiệp đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Cục Bảo vệ Thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT).

3. Công ty TNHH MTV Triều Dương

3.1. Đề nghị chọn Khu hợp tác kinh tế qua biên giới là mũi nhọn và giải pháp mang tính đột phá đối với lĩnh vực thương mại biên giới.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 phê duyệt mở rộng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với quy mô 15.929,8 ha. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai mở rộng với 5 khu chức năng chính. Sau khi quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai mở rộng được duyệt, Tỉnh Lào Cai sẽ tập trung kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế cửa khẩu, còn Khu hợp tác kinh tế qua biên giới vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu (do Bộ Công Thương chủ trì).

3.2 Cần tổng kết, thẩm tra, đánh giá toàn diện hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh.

Hàng  năm, UBND tỉnh Lào Cai đều tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá về hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương là cơ quan Thường trực BCĐ thương mại biên giới tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện báo cáo đánh giá toàn diện về hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh.

II Lĩnh vực công nghiệp, đất đai, tài nguyên môi trường

1. Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai:

1.1 Đề nghị thay đổi chính sách thuế VAT đối với phân bón, phốt pho vàng, axit; hoàn thuế các loại nguyên liệu không có nguồn gốc từ tài nguyên, khoáng sản và năng lượng.

Nội dung này được quy định trong Luật Thuế GTGT, do vậy tiếp thu sự phản ánh của doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 288/CT-THNVDT ngày 06/02/2017 gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, giải quyết theo kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiện, đến nay Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời Cục Thuế tỉnh Lào Cai.

1.2 Đề nghị ngừng xuất khẩu quặng apatit để dành cho sản xuất trong nước.

Xuất khẩu khoáng sản được quy định cụ thể tại Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 và Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 12/2016/TT-BCT thì quặng, tinh quặng Apatit không nằm trong danh mục sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Hiện nay, quan điểm của tỉnh Lào Cai là cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác; Ưu tiên phát triển công nghiệp luyện kim, phân bón, chế biến sâu các khoáng sản kim loại, apatit, hạn chế bán nguyên liệu thô ra khỏi địa bàn. Theo đó từ năm 2014 đến này tỉnh không đề nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu quặng apatit. Tuy nhiên, để tránh lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách tỉnh, một số loại như quặng bột loại 1, 2 trong nước không có nhu cầu sử dụng sẽ được xem xét, báo cáo cụ thể với Bộ Công Thương.

1.3 Đề nghị Tỉnh không đề xuất Chính phủ xóa các chính sách ưu đãi cho NM sản xuất phốt pho vàng vì như vậy doanh nghiệp sẽ có nguy cơ ngừng hoạt động.

Ngày 26/5/2016, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản số 2369/UBND-TH đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành, sửa đổi một số chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất hóa chất trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Quan điểm của tỉnh Lào Cai là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành với tỉnh, chính quyền các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tham gia hoạt động an sinh xã hội; doanh nghiệp có lợi nhuận thì cũng cần đóng góp cho địa phương để chống ô nhiễm môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các doanh nghiệp tại KCN Tằng Loỏng.

1.4 Về đề nghị xin thu khí đuôi của Nhà máy gang thép cho NM nhiệt điện công suất 100 MW đang chuẩn bị xây dựng tại KCN Tằng Loỏng.

Về việc này, Ban Quản lý khu kinh tế đã có văn bản số 259/BQL-QHXD ngày 03/4/2016 gửi Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai, trong đó nêu: Nhà máy gang thép Lào Cai (Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung) cũng đang nghiên cứu thu khí đuôi để phát điện phục vụ cho dây chuyền cán thép và nội bộ Nhà máy nên không có khí dư thừa cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện của Công ty CP Hóa chất Đức Giang Lào Cai.

2. Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương: Đề nghị giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Phố Ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào trong Cụm.

Việc đề xuất của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng và cấp thiết, việc chậm đầu tư hạ tầng CCN có ảnh hưởng lớn đến tiến độ sắp xếp các cơ sở sản xuất công nghiệp đang ô nhiễm, gây bức xúc trong khu dân cư vào sản xuất tập trung và việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển công nghiệp địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh rất hạn chế chưa bố trí được vốn.

UBND tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo cân đối bố trí vốn từ nguồn ngân sách trước mắt đảm bảo để Chủ đầu tư tiếp tục thi công hoàn thành tuyến giao thông chính của dự án, và một số hạng mục thiết yếu, từng bước tạo cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời giao Sở Công Thương chủ trì xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu, CCN với nhiều cơ chế ưu đãi. Hiện nay UBND tỉnh đã ký quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ cụm công nghiệp (Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 24/4/2017).

3. Công ty Cổ phần hóa chất Bảo Thắng

3.1. Đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã trình nhưng chưa được giải quyết.

UBND tỉnh đã ký quyết định thu hồi khu đất của Công ty CP hóa chất Đức Giang, đề nghị Công ty Cổ phần hóa chất Bảo Thắng hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình UBND tỉnh ký quyết định.

3.2. Các văn bản QPPL mới về thuế làm tăng giá thành sản xuất, không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc. Vì vậy đề nghị về việc áp dụng Luật số 106/2016/QH13: Đối với mặt hàng Phốt pho: Đề nghị được hoàn thuế cho các loại nguyên liệu không có nguồn gốc từ tài nguyên, khoáng sản và năng lượng. Đối với mặt hàng Axit photphoric là sản phẩm chế biến sâu, nguyên liệu trực tiếp không có tài nguyên, khoáng sản nên yêu cầu Cục thuế tỉnh Lào Cai hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của Doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã có văn bản số 288/CT-THNVDT ngày 06/02/2017 gửi Bộ Tài  chính để xem xét, giải quyết theo kiến nghị của doanh nghiệp.

3.3. Giá quặng Apatit và than cốc nhập khẩu đang ở mức cao, khiến giá thành sản xuất tăng cao; đề nghị UBND tỉnh giúp đỡ, tác động hạ giá quặng Apatit.

Hiện nay, giá tính thuế đối với các loại quặng Apatit được thực hiện theo Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 của UBND tỉnh, cụ thể: Quặng loại I 1.400.000 đồng/tấn; quặng loại II 850.000 đồng/tấn; quặng tuyển 1.100.000 đồng/tấn; quặng loại III 350.000 đồng/tấn. Giá tính thuế tài nguyên đối với quặng Apatit như hiện nay đã được các ngành xem xét, trên cơ sở các quy định của trung ương và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thương mại tại thời điểm hiện tại. Vì vậy, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giảm giá quặng Apatit như đề nghị của doanh nghiệp.

3.4. Việc thu phí tại cửa khẩu cũng gây đội giá sản phẩm; đề nghị xem xét bỏ thu phí.

Theo quy định tại Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định: Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu được HĐND tỉnh nghị quyết và UBND tỉnh quyết định là khoản thu đối với các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, công trình dịch vụ và tiện tích công cộng trong khu vực cửa khẩu.

Ngày 15/12/2016, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 79/2016/NQ-HĐND quy định mức thu, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm uyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai theo Luật Phí và lệ phí. Ngày 20/12/2016, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 140/2016/QĐ-UBND quy định về mức thu, quản lý và sử dụng Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

Như vậy, hiện nay tại khu vực cửa khẩu đang thu duy nhất một loại phí thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND tỉnh Lào Cai là Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. Việc thu Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu là hoàn toàn phù hợp, nhằm mục đích bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ hoặc tái tạo công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. Do đó, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh xem xét bỏ thu phí tại cửa khẩu là không phù hợp.

4. Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh tỉnh Lào Cai: Việc cấp quyền sở hữu tài sản trên đất cũng như các chính sách về quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng rất khó khăn đối với các Doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư.

Về trình tự, thủ tục, Sở Tài nguyên đã giải quyết đúng theo quy định của pháp luật đối với thủ tục cấp quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, các khó khăn, vướng mắc là do chủ đầu tư thực hiện xây dựng các hạng mục không đúng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư được phê duyệt. Do vậy, Sở Xây dựng đã có văn bản số 408/SXD-QLN ngày 01/3/2017 hướng dẫn thủ tục tháo gỡ; đề nghị các doanh nghiệp liên hệ Sở Xây dựng để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

5. Công ty Cổ phần Khoáng sản tỉnh Lào Cai

5.1. UBND tỉnh có văn bản số 442/UBND-TNMT ngày 07/02/2017 chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, thanh tra, làm rõ và xử lý các vi phạm đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác khoáng sản trong diện tích đất chưa được thuê; chưa xem xét việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty. Nếu Công ty không cổ phần hóa thì việc quyết định như trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật nhưng với trường hợp công ty vừa cổ phần hóa xong thì việc dự án đầu tư chậm tiến độ và việc tổ chức khai thác khoáng sản khi chưa được thuê đất không thuộc lỗi của Công ty cổ phần; do đó đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ.

5.2. UBND tỉnh có văn bản 5490/UBND-TNMT ngày 09/11/2016, theo đó giao UBND huyện Văn Bàn thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính đối với phần diện tích đã thu hồi; chỉ đạo các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư khẩn trương thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại để thực hiện dự án theo đúng quy định. Với nội dung này Công ty kính đề nghị UBND tỉnh: Một là chấp thuận để Công ty giải phóng mặt bằng thành 03 giai đoạn như trong kiến nghị đã báo cáo UBND vì số tiền đền bù GPMB rất lớn trong khi Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn; Hai là chỉ đạo các Ban, ngành và UBND huyện Văn Bàn có giải pháp khẩn trương giúp Công ty đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể Công ty đã tiến hành áp giá đền bù và hỗ trợ theo đúng quy định của UBND tỉnh nhưng người dân vẫn yêu cầu bồi thường và hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với quy định (gấp 2 đến 3 lần).

Về việc này, UBND tỉnh đã có văn bản số 1457/UBND-TNMT ngày 05/4/2017 chỉ đạo các ngành giải quyết và gửi báo cáo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Đề nghị Công ty Cổ phần Khoáng sản tỉnh Lào Cai phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai thực hiện.

6. Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 9 - Ban Quản lý dự án Thủy điện PaKe

6.1. Đề nghị Sở Xây dựng Lào Cai phản hồi về việc xin miễn giấy phép xây dựng do Dự án nằm trên địa bàn của 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Căn cứ theo Điểm a, khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 “Công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên được miễn giấy phép xây dựng”; như vậy, dự án thủy điện Pa Ke thuộc công trình được miễn giấy phép xây dựng vì nằm trên địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Hà Giang.

6.2. UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho phép Dự án thủy điện PaKe giải phóng mặt bằng theo đợt, hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi tích nước hồ chứa.

Đồng ý Dự án thủy điện PaKe giải phóng mặt bằng theo đợt và thuê đất để triển khai dự án theo tiến độ giải phóng mặt bằng. Đề nghị Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 9 liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai để được hướng dẫn cụ thể.

6.3. Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa trong việc tham vấn với Bộ Công Thương để sớm phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa.

Theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về nội dung, thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thì: Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đối với thủy điện PaKe là Bộ Công Thương và trên cơ sở ý kiến tham gia của UBND tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, đề xuất của doanh nghiệp chưa nêu rõ việc chậm trễ trong việc thẩm định và phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa ở khâu nào nên UBND tỉnh chưa có cơ sở trả lời cụ thể. Đến nay UBND tỉnh Lào Cai chưa nhận được văn bản của Bộ Công Thương lấy ý kiến về nội dung này.

6.4. Đề nghị UBND tỉnh phối hợp với các nhà mạng, có giải pháp tăng cường sóng điện thoại tại khu vực dự án để đảm bảo hoạt động thông tin trên công trường.

Nhằm giải quyết thông tin liên lạc tại khu vực dự án thủy điện PaKe, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel) rà soát vùng phủ sóng tại khu vực này và đề suất giải pháp tăng cường phủ sóng đảm bảo thông tin liên lạc. Để tiếp tục nâng cao chất lượng tại khu vực này, Viettel đang tiếp tục lắp đặt trạm phát sóng 4G trong và hoạt động trong Q2/2017.

7. Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

7.1. Việc thực hiện Quy hoạch liên quan đến tài nguyên Apatit:

- UBND tỉnh Lào Cai cần tham gia ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo thực hiện đúng Quy hoạch số: 1893/QĐ- TTg ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Cần phải giao cho một đơn vị làm  đầu mối để xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu sử dụng quặng Apatit trong ngắn hạn và dài hạn.

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 20/10/2014. Trong Quy hoạch đã phân kỳ đầu tư thăm dò, khai thác cụ thể đối với từng khai trường/mỏ, nhà máy tuyển; quy hoạch sản phẩm khai thác cung cấp cho các Nhà máy tuyển quặng; quy định nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành. Với nhiệm vụ được phân công, UBND tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành nghiêm túc thực hiện Quy hoạch Apatit đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 20/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ: Ban hành và chỉ đạo thực hiện Quy chế hợp tác thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến quặng Apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên và cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng đã đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Quy chế này chưa được ban hành. UBND tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ và ban hành Quy chế hợp tác này. Khi Quy chế hợp tác thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến quặng Apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai được ban hành sẽ giải quyết được kiến nghị Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam.

7.2. Về cấp phép khai thác quặng Apatit:

- Với đặc điểm Mỏ Apatit Lào Cai tỉ lệ quặng nguyên khai có khả năng sử dụng trực tiếp được rất thấp, chủ yếu là Quặng nghèo. Nếu khai thác mà không có nhà máy tuyển quặng sẽ lãng phí tài nguyên, vì vậy

- Không nên cấp phép cho các doanh nghiệp không có khả năng tuyển khoáng để sử dụng hiệu quả tài nguyên Apatit, tránh lãng phí.

- Đề nghị UBND tỉnh tham gia với Chính phủ, Bộ TNMT ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác cho Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam.

Hiện nay, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, việc cấp Giấy phép khai thác thực hiện theo 1 trong 2 hình thức: Đấu giá hoặc không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đối với mỏ cấp theo hình thức không đấu giá, UBND tỉnh Lào Cai sẽ có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp giấy phép theo Quy hoạch, đồng thời ưu tiên cấp cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (là đơn vị có trụ sở tại Lào Cai và là đơn vị trực thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam) đối với các mỏ đã có quy hoạch cung cấp quặng nghèo cho các nhà máy tuyển do Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Tập đoàn hóa chất Việt Nam đã đầu tư.

7.3. Về công tác quản lý và sử dụng đất: Đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ  những khó khăn, phức tạp trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; điều chỉnh một số đơn giá và chính sách đề bù, giá đất nông nghiệp hỗ trợ 3 lần đã làm tăng chi phí dự án.

Về điều chỉnh đơn giá đền bù: UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên rà soát đơn giá và chính sách đền bù, đảm bảo phù hợp theo tình hình địa phương và quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 20, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất thì ngoài việc được bổi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng tiền không quá 5 lần giá đất nông nghiệp cùng loại. Như vậy việc UBND tỉnh quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 3 lần giá đất nông nghiệp là phù hợp thực tế địa phương.

7.4. Về Công tác xuất khẩu quặng Apatit: Đề nghị UBND tỉnh Lào Cai ủng hộ Công ty xin được phép xuất khẩu quặng Apatit trong những năm tiếp theo.

Công tác xuất khẩu khoáng sản được quy định cụ thể tại Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 và Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của  Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản. Theo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 12/2016/TT-BCT thì quặng, tinh quặng Apatit không nằm trong danh mục sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 1 Thông tư số 12/2016/TT-BCT quy định:

+ Sản phẩm khoáng sản không thuộc danh mục quy định tại Phụ lục 1 Thông tư số 12/2016/TT-BCT, nhưng hiện tại trong nước không có thị trường tiêu thụ.

+ Được UBND cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác, chế biến kiểm tra thực tế và có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét, giải quyết.

+ Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối chiếu với các quy định trên, nếu Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu quặng Apatit thì có văn bản báo cáo UBND Lào Cai (trong báo báo thể hiện rõ số lượng, tiêu chuẩn chất lượng quặng, tinh quặng Apatit xuất khẩu, nhu cầu trong nước). Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tham mưu đề xuất, báo cáo Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp xuất khẩu quặng Apatit.

8. Tổng Công ty khoáng sản TKV - Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền – VIMICO: Báo cáo xin ý kiến các cơ quan chức năng của Tỉnh xem xét để Chi nhánh được giãn thời gian nộp các khoản thuế, phí. Đồng thời đề nghị các cơ chức năng  xem xét để giảm mức thu phí môi trường đối với tinh quặng sắt; giảm giá tính thuế tài nguyên đối với tinh quặng đồng và tinh quặng sắt và giảm các khoản thu đóng góp để đảm bảo cơ sở hạ tầng.

- Về đề nghị giãn nộp, giảm thu các khoản thuế, phí môi trường: Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền làm việc với Cục Thuế tỉnh trên cơ sở các quy định của Luật Quản lý thuế và tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, xem xét báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo quy định.

- Về đề nghị giảm giá tính thuế tài nguyên đối với tinh quặng đồng, tinh quặng sắt: Ngày 20/02/2017, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND quy định bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai áp dụng từ kỳ kê khai thuế tháng 3 năm 2017. Theo đó, giá tính thuế theo quy định hiện hành đã được các ngành xem xét, trên cơ sở các quy định của trung ương và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thương mại tại thời điểm hiện tại. Vì vậy, trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giảm giá tính thuế tài nguyên đối với tinh quặng đồng, tinh quặng sắt như đề nghị của doanh nghiệp.

9. Công ty Luyện đồng Lào Cai

9.1. Đường tỉnh lộ 151 từ khu công nghiệp Tằng Loỏng đến ngã ba Xuân Giao quá nhỏ ảnh hưởng đến việc vận chuyển; thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông.

Đường tỉnh 151 được đầu tư nâng cấp năm 2008, đoạn từ ngã ba Xuân Giao đi Tằng Loỏng được xây dựng nâng cấp với quy mô, tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi có châm trước, chiều rộng nền đường 7,5 m, chiều rộng mặt đường 5,5 m. Đây là tuyến đường tỉnh lộ tập trung đông trụ sở của các tổ chức, hộ gia đình nên trong quá trình triển triển khai mở rộng tuyến đường sẽ khó khăn trong GPMB. Do vậy, UBND tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo xem xét, khảo sát tuyến đường nối từ điểm cuối đường Quý Xa đến nút giao IC17 của tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với quy mô đường cấp III miền núi (chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 7 m) và xây dựng kế hoạch đầu tư trong thời gian tới.

9.2. Đập tràn tại Cống cù xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa ảnh hưởng đến giao thông; đề nghị xây cầu “Cống cù”.

UBND tỉnh Lào Cai đang chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng một số cầu và cầu tràn trên tỉnh lộ 151, trong đó có cầu suối Cù, xã Xuân Giao với quy mô: Cầu giản đơn 2 nhịp 2x15m, bê tông dự ứng lực, bề rộng toàn cầu 10m, bề rộng xe cạy 9m, nguồn vốn ngân sách tỉnh.

10. Công ty Cổ phần Minh Sơn

10.1. Đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp GCNQSD đất cho Công ty.

Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty CP Minh Sơn, đề nghị Công ty liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục cụ thể.

10.2. Đề nghị UBND tỉnh chấp thuận phê duyệt điều chỉnh thay đổi biện pháp thi công từ phá đá nổ mìn bằng biện pháp thi công dùng máy công suất lớn gắn búa thủy lực + sử dụng thuốc nở để phù hợp với thực tế và làm cơ sở nghiệm thu.

Giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty cổ phần Minh Sơn xây dựng lại đơn giá đất giao cho nhà đầu tư tại thời điểm phê duyệt lại đơn giá đào phá đá để áp dụng đơn giá phù hợp quy định.

III. Lĩnh vực quy hoạch

1. Công ty TNHH cơ khí Huy Long: Đề nghị UBND tỉnh có thông báo cụ thể về quy hoạch khu vực khu vực Trường trung cấp y, phường Bắc Cường; nếu doanh nghiệp phải di chuyển thì thông báo sớm để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh.

Hiện nay khu vực Trường trung cấp y đang giao lập quy hoạch chi tiết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện theo đúng thủ tục, trình tự và các quy định của Luật Quy hoạch.

2. Công ty CP Xăng dầu Lào Cai: Đề nghị UBND tỉnh giữ nguyên quy hoạch hiện nay đối với Cửa hàng xăng dầu Bắc Cường, cửa hàng kinh doanh Gas và 01 kho dầu mỡ nhờn. Trường hợp buộc phải di chuyển, đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện bố trí cho Công ty một vị trí khác thuận tiện cho các phương tiện giao thông, có lợi thế kinh doanh tốt hơn hoặc tương xứng với vị trí hiện tại và mặt bằng phù hợp để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo: Tại thành phố Lào Cai sẽ không quy hoạch, đồng thời có lộ trình di chuyển các cửa hàng xăng dầu trên đại lộ Trần Hưng Đạo; nghiên cứu quy hoạch vị trí cửa hàng xăng dầu tại khu vực đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, đường bờ sông, các tuyến quốc lộ.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đúng tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Lào Cai; tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và đưa ra lộ trình di chuyển cho phù hợp với từng cửa hàng. Đồng thời, UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên bố trí vị trí di dời theo đề xuất của doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

IV. Về cơ chế, chính sách

1. Công ty TNHH Chè Đại Hưng

Hiện Công ty TNHH Chè Đại Hưng đang phải vay Ngân hàng để ứng cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân cung ứng vật tư, cây giống và phân bón; đề nghị UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí 4.713.900.000 đồng hỗ trợ trồng chè chất lượng cao.

Ngày 13/3/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 811/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ năm 2016 là 4.695.947.000 đồng. Đề nghị Công ty TNHH Chè Đại Hưng phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện theo quy định.

2. Công ty Cổ phần Khoáng sản tỉnh Lào Cai: Về chính sách thuế: Quặng Fenspat của Công ty được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất Vật liệu xây dựng (Gạch ốp lát, thủy tinh, sứ) hiện tại đang áp dụng sang nhóm Đá quý nên thuế suất thuế tài nguyên cao hơn nhóm Vật liệu xây dựng. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với các Bộ ngành để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế.

Tại Điều 7 Luật thuế tài nguyên về biểu khung thuế suất thuế tài nguyên quy định: Thạch anh tinh thể màu tím xanh, vàng lục, da cam; cờ-ri-ô-lít (cryolite); ô-pan (opan) quý màu trắng; đỏ lửa; phen-sờ-phát (fenspat); birusa; nê-phờ-rít (nefrite): thuế suất 12 đến 25%.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hai loại fenspat với chất lượng khác nhau: một loại fenspat có chất lượng thấp dùng để làm vật liệu xây dựng (gạch men), một loại fenspat có chất lượng tốt hơn dùng để làm các loại vật liệu cao cấp và giá bán 2 loại fenspat này có sự chênh lệch rất lớn. Loại fenspat dùng làm vật liệu xây dựng có giá bán thấp (dưới 200.000 đồng/tấn). Do đó, việc xếp fenspat cùng nhóm đá quý như trên là chưa hợp lý, kiến nghị của đơn vị là phù hợp. Nội dung này, UBND tỉnh đã đề xuất kiến nghị với Quốc hội và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi cho phù hợp (Cục Thuế tỉnh cũng có văn bản 539/CT-THNVDT ngày 24/02/2017 gửi Bộ Tài chính). Tuy nhiên đến nay Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản chính thức để sửa đổi cho phù hợp.

3. Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

3.1. Việc giải quyết hồ sơ của một số cơ quan quản lý nhà nước, kể cả đã áp dụng mô hình “một cửa” còn để kéo dài thời gian, gây phiền hà, bức xúc đối với doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh nhận thấy ý kiến phản ánh của doanh nghiệp có cơ sở. Đây là những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm của một số cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức thông qua cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh Lào Cai.

Trong những năm qua, thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức khi giao dịch tại bộ phận một cửa của các cơ quan hành chính nhà nước và qua theo dõi của Hệ thống giám sát thái độ phục vụ của công chức làm việc tại bộ phận một cửa của các cơ quan...đã được Sở Nội vụ tổng hợp và tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp xử lý, khắc phục rất kiên quyết và kịp thời. Trong thời gian tới UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông điện tử” với định hướng đi vào thực chất phục vụ người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thực hiện chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ hành chính công điện tử ở mức 3, 4.

3.2 Đề nghị có chế tài nghiêm minh trong việc giám sát thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm tạo niềm tin đối với doanh nghiệp.

Bộ phận một cửa các cấp là bộ phận trực tiếp giao dịch tiếp nhận các hồ sơ và trả kết quả cho các tổ chức, công dân khi đến giao dịch các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, cấp phép kinh doanh, cấp phép đầu tư… Đây là nơi thường xẩy ra các tiêu cực, nhung nhiễu, gây khó khăn trong quá trình giải quyết trả kết quả cho người dân, tổ chức. Để quản lý và nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao thực hiện tại Bộ phận một cửa các cấp. Năm  2015 tỉnh Lào Cai đã đầu tư, xây dựng Hệ thống giám sát – đánh giá và đo lường sự hài lòng của người dân tại Bộ phận một cửa các cấp.  Việc quản lý Hệ thống này đạt hiệu quả ngày 29/4/2016 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1278/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế quản lý Hệ thống Giám sát - Đánh giá và đo lường sự hài lòng của người dân tại Bộ phận một cửa cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tại mục b khoản 2 điều 4 của quy chế đã quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức cụ thể “…những cán bộ, công chức được phân công làm tại Bộ phận một cửa của đơn vị về mức độ hoàn thành nhiệm vụ hoặc có tỷ lệ đánh giá của người dân là không hài lòng về trình độ chuyên môn, thái độ giao tiếp kém, hoặc quá thời gian giải quyết với tỷ lệ 30% trên tổng số hồ sơ, thủ tục giải quyết trong năm thì sẽ đề nghị chuyển đổi công việc hoặc tùy mức độ vi phạm để xử lý”. Đây là một trong những chế tài của tỉnh để xử lý những cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu khi có sự đánh giá của cá nhân, tổ chức kém về trình độ, trách nhiệm, thái độ kém hoặc cố tình kéo dài thời gian giải quyết theo quy định thì sẽ được xử lý theo quy định.

Trên cơ sở những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính của tỉnh sẽ tiếp thu và có các biện pháp khắc phục sau:

Thứ nhất: Phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu để giảm tối thiểu các TTHC tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ hai: Thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động  bộ phận một cửa các cấp và trách nhiệm của cán bộ, công chức làm tại bộ phận một cửa các cấp. Tham mưu chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức khi phát hiện có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ Ba: Tham mưu cho UBND tỉnh hoạt động hiệu quả dịch vụ công mức 3, mức 4 tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.

Thứ Tư: Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành như: Tài nguyên, Môi Trường, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp lựa chọn các TTHC liên quan nhiều đến các cơ quan để thực hiện giải quyết theo cơ chế liên thông dọc, liên thông ngang.

3.3 Đề nghị Tỉnh có qui định về việc báo cáo định kỳ liên quan đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp theo hướng báo cáo về một đầu mối để có thể nhiều cơ quan, ban nghành sử dụng chung số liệu báo cáo.

Hàng năm doanh nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đối với nhiều lĩnh vực như (thuế, tài chính, thống kê, đăng ký doanh nghiệp, nông nghiệp, khoáng sản ...) được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; do đó khó có thể quy định một cơ quan đầu mối để quản lý, tổng hợp theo dõi. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan rà soát, tham mưu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cắt giảm các báo cáo không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Nguồn: Văn bản số 1897/UBND-KT, ngày 28/4/2017 của UBND tỉnh
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1