Bát Xát: Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Lượt xem: 527
CTTĐT - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Bát Xát chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Để công tác đào tạo nghề đem lại hiệu quả thiết thực, huyện Bát Xát đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

anh tin bai

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương. Thời gian qua, huyện Bát Xát đã chỉ đạo Phòng LĐTB & XH huyện cùng với các cơ quan chuyên môn đã tăng cường đẩy mạnh kết nối việc làm cho người lao động; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giới thiệu việc làm, các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; qua đó, góp phần định hướng, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, là cầu nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động. Chú trọng công tác phối hợp với các doanh nghiệp trong đưa người lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho người lao động; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia đi xuất khẩu lao động. Phối hợp, thông báo đến các xã, thị trấn những phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề;… Từ đó, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Anh Tẩn Cáo Vầy, Thôn Tả Ngảo xã Bản Qua chia sẻ: Trước đây ở nhà chỉ làm ruộng thôi, công việc thu nhập không ổn định. Sau được Trung tâm giới thiệu việc làm của huyện, của tỉnh tư vấn em đã đi học lớp sơ cấp mỏ và về làm việc tại tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai, thu nhập của em bây giờ ổn định hơn và em cũng dành dụm được ít vốn cho các con đi học và làm được ngôi nhà.

Để công tác tư vấn, giới thiệu việc làm mang lại hiệu quả cao có tính bền vững thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm hết sức cần thiết do đó huyện Bát Xát đã chú trọng việc đào tạo nghề gắn với việc làm, đáp ứng nhu cầu của người học. Hằng năm, huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học. Từ công tác đào tạo nghề đã tạo việc làm cho nhiều lao động; chất lượng lao động ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, đảm bảo học nghề xong có việc làm ổn định, huyện đã tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu căn cứ vào thực tiễn trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số…Trong năm 2023 toàn huyện đã mở 54 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, với 1.872 học viên, nâng tổng số các lớp từ năm 2020 đến nay là 117 lớp, với 4.077 người tham gia.

Ông Phạm Thế Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN&GDTX huyện Bát Xát cho biết: “Công tác đào tạo của Trung tâm cho các em học sinh, học viên vừa kết hợp đào tạo văn hóa với đào tạo nghề trình độ Trung cấp. Sau khi ra trường các em sẽ có 2 bằng, một là bằng Trung cấp nghề, hai là bằng THPT. Sau đào tạo các em sẽ tiếp cận với thị trường lao động trong và ngoài tỉnh và cả nước ngoài. Đặc biệt trong năm 2023 Trung tâm đã kết nối, giới thiệu được 3 em học viên tham gia thị trường xuất khẩu sang Nhật. Hiện tại đang làm các thủ tục để sang Nhật lao động và du học”.

Cùng với đó, trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Đây là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, việc làm, quan hệ lao động của người lao động, được kết nối, chia sẻ với dữ liệu dân cư Quốc gia. Các chính sách vay vốn qua Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm cũng được thông tin kịp thời. Chỉ tính riêng năm 2023 Bát Xát đã có 64 lượt lao động được vay vốn để giải quyết việc làm với số tiền gần 5 tỷ triệu đồng; 96 người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 300 tỷ đồng. Cùng với đó huyện luôn chú trọng, tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai, các công ty, doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề, giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động. Trong năm 2023 toàn huyện đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho gần 4 nghìn lao động. Tính đến tháng 11/2023 đã giải quyết việc làm cho 1.696/1.600 lao động, bằng 106% KH huyện giao; bằng 85,77% so với mục tiêu Nghị quyết và Đề án. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 30.118 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 14.261 người. Thực hiện tuyển sinh, đào tạo cho 111 lao động, luỹ kế từ năm 2020 đến nay là 505 lao động.

Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thời gian tới huyện Bát Xát tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và người lao động về vai trò của học nghề, lao động việc làm trong xóa đói giám nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác liên kết đào tạo nhằm đa dạng hóa ngành nghề, hình thức, trình độ đào tạo. Thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong các nhà trường THCS, THPT. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp dạy nghề. Ưu tiên triển khai các dự án phát triển sản xuất, nông lâm nghiệp tại các xã nghèo. Kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nguồn lực nhằm thu hút lao động tại địa phương, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, nhân rộng các mô hình giảm nghèo gắn với thực hiện Đề án số 01 “Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”. Tiếp tục phối hợp với các công ty doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm; đặc biệt đẩy mạnh liên kết xuất khẩu lao động. Theo khảo sát, dự kiến từ năm 2024-2026 sẽ có khoảng 4.500 người thuộc các nhóm lao động có nhu cầu đi làm việc trong và ngoài tỉnh. Do đó huyện Bát Xát đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.

anh tin bai

Lao động huyện Bát Xát tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại công ty Brother Hải Dương

Bà Bàn Thanh Thảo, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Để thực hiện tốt việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có hiệu quả, chất lượng với mục tiêu để giảm nghèo bền vững; chúng tôi xác định là phải tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi lao động để họ hiểu rõ về ý nghĩa và hiệu quả khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để có việc làm ổn định. Tăng cường khảo sát các đối tượng có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm, phân loại theo nhóm để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để 100% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được huyện Bát Xát đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện; thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước được cập nhật thường xuyên nhằm giúp cho người lao động kết nối với các doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn những thị trường lao động phù hợp để tham gia. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện và các chính sách trợ giúp xã hội đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển KT - XH tại địa phương./.

Quang Phấn
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1