Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp
CTTĐT - Để thuận tiện trong nghiên cứu tìm hiểu pháp luật đất đai và triển khai thực hiện các văn bản về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều hành, thực thi pháp luật đất đai được đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả; Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ra mắt “Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp”.
Sổ tay được cấu trúc thành 02 phần chính:
Phần I: Thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp xã.
Phần II. Trình tự, thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Đối với cấp tỉnh: HĐND cấp tỉnh có 6 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp tỉnh có 50 thẩm quyền, nhiệm vụ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có 37 thẩm quyền, nhiệm vụ; Sở Nông nghiệp và Môi trường có 15 thẩm quyền, nhiệm vụ. Đồng thời hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của Văn phòng Đăng ký đất đai và Tổ chức Phát triển quỹ đất.
Đối với cấp xã: HĐND cấp xã có 4 thẩm quyền, nhiệm vụ; UBND cấp xã có 45 thẩm quyền, nhiệm vụ; Chủ tịch UBND cấp xã có 44 thẩm quyền, nhiệm vụ; cơ quan quản lý đất đai cấp xã có 19 thẩm quyền, nhiệm vụ.
Về trình tự, thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, Sổ tay cũng hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện, thời gian giải quyết đối với 08 nội dung:
(1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh/điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất 05 năm của thành phố trực thuộc trung ương; Quy hoạch sử dụng đất cấp xã/điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp xã; Kế hoạch sử dụng đất cấp xã, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp xã.
(2) Thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại Điều 81 Luật Đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe doạ tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng quy định tại khoản 1,2,3 Điều 82 Luật Đất đai; Thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đất đai; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
(3) Giao đất; cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất và giao rừng; cho thuê đất và cho thuê rừng; chuyển hình thức giao đất, cho thuê đất; điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cấp tỉnh, cấp xã.
(4) Giá đất: Xây dựng bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026 và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất hằng năm để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 của năm tiếp theo. Điều chỉnh bảng giá đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai.
(5) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cấp tỉnh, cấp xã.
(6) Cung cấp dữ liệu thông tin, dữ liệu đất đai cấp tỉnh.
(7) Thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất, sử dụng đất đa mục đích.
(8) Giải quyết tranh chấp đất đai cấp tỉnh (thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh); giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã (thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, hoà giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền cấp xã).
Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp giúp người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai.
Xem Sổ tay tại đây:
Tải về