Địa điểm chiến thắng Đồn Coóc được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
CTTĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 1835/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đồn Coóc, thuộc tổ dân phố số 6, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Di tích lịch sử chiến thắng Đồn Coóc tại thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn là một trong những nơi ghi dấu ấn lịch sử chiến thắng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lăng của quân và dân ta tại huyện Văn Bàn. Địa điểm chiến thắng Đồn Coóc là bằng chứng về sách lược chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều của Đảng bộ, quân và dân Văn Bàn lập lên chiến thắng, Văn Bàn giải phóng 16/11/1950.
Đồn Coóc có một vị trí chiến lược quan trọng của thực dân Pháp tại Văn Bàn, là một thiết chế chỉ huy quân sự quan trọng của thực dân Pháp, chúng lấy đó để chi phối toàn bộ một khu vực rộng lớn nhưng âm mưu đó đã không thành hiện thực. Với nhận định rõ về vị trí và vai trò của Đồn Coóc trong chiến dịch giải phóng Văn Bàn, Đảng ta đã lãnh chỉ đạo quân và nhân dân Văn Bàn, cùng với bộ đội Việt Minh đã vây giáp, đánh chặn các ngả đường tiến lui, các tiền đồn,… từ đó buộc chúng phải co cụm tại Đồn Coóc sau đó tháo lui về tuyến sau. Chúng đã thất thủ bởi sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và tinh thần yêu nước của quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn (này là tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái) nói chung và huyện Văn Bàn nói riêng. Chiếm được đồn Coóc là thắng lợi lớn để đi đến thắng lợi quyết định giải phóng Văn Bàn. Với tinh thần cách mạng cao cả quân và dân ta càng đánh càng mạnh, vì từ thực tế đã rút ra được bài học kinh nghiệm, tạo nên bước trưởng thành vượt bậc… Từ chiến thắng đồn Coóc Văn Bàn được giải phóng, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, đời sống nhân dân được cải thiện, không khí cách mạng lan tỏa khắp các thôn, bản.
Chiến thắng đồn Coóc là cả kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ đầy sáng tạo của quân và dân Văn Bàn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp là Huyện ủy Văn Bàn. Với chiến thuật chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân trở thành thế mạnh mà quân và dân nơi đây áp dụng và phát huy có hiệu quả, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước.
“Di tích lịch sử Chiến thắng đồn Coóc” tại Văn Bàn là di tích gắn liền và là dấu tích đại diện cho lịch sử hình thành, phát triển lớn mạnh của Đảng bộ huyện Văn Bàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông Vi Văn Khang - Nguyên Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng, giai đoạn 1990-2015 cho biết thông tin về lịch sử của di tích Đồn Coóc là khu đất mà nhiều thế hệ gia đình nhà ông khai phá canh tác sau khi Văn Bàn được giải phóng. Ông Khang cho biết bố ông kể lại cho ông nghe về đồn Coóc như sau: “Đồn có quy mô lớn được chia thành nhiều khu vực, gồm Khu quan Pháp, khu lính khố đỏ, khu lính khố xanh, khu kho lương thực, thực phẩm, kho chứa vũ khí đạn dược. Khác với đồn khác đồn Coóc có hệ thống hào bao quanh, có hầm chỉ huy và các vật liệu hoàn toàn bằng gỗ.
Ông Chu Văn Trường - Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Thượng giai đoạn1968-1985 cũng cho biết: Bản thân ông là người bản địa sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này ông chứng kiến những sự kiện và biến đổi của Đồn Coóc và ông còn là người bị bắt phu làm sân bay phục vụ đồn Coóc, ông cùng dân làng phải vận chuyển đá bao quanh sân bay, để có mặt bằng cho máy bay hạ cánh và chuyển lương thực như bột mỳ, mỳ hạt, quân trang quân dụng chúng bắt phu lèn đất trộn đá cho vào các thùng phi chúa luyn làm mặt bằng cho sân bay, mỗi ngày phu phải lao động khoảng 10 – 12 giờ. Ông cho biết thêm, trong đồn Coóc thường xuyên có 3 quan pháp chỉ huy đó là quan 3, quan 2 và quan quản. Đặc biệt trong đồn Coóc có cả nhà giam chúng chỉ cần nghi ngờ ai có quan hệ với cán bộ cách mạng là bắt nhốt tra tấn dã man. Sự kiện chúng bắt 5 người trong đó có đồng chí Quý, người Lăng Thíp- Văn Yên, đã khoét ngạch vào kho lấy vũ khí của địch và trốn thoát.
Trong Đồn nhà ở toàn bộ bằng gỗ, mỗi nhà dài khoảng 50m – 60m giữa là sân cột cờ, nay là nền nhà văn hóa tổ 6, thị trấn Khánh Yên, hầm chỉ huy cũng được lát bằng gỗ và là nơi chứa đựng vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc. Theo nhận xét của ông thì Đồn Coóc có vai trò rất quan trọng, chi phối cả vùng rộng lớn và là nơi cung cấp quân lính cũng như quân trang quân dung cho các đồn khác nên chủ trương của chiến dịch là tiến đánh đồn Coóc khi đó là rất đúng đắn và cấp bách.
Việc xếp hạng di tích lịch sử
địa điểm Chiến thắng Đồn Coóc là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là cần thiết
nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa
phương, đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống về lịch sử cách mạng cho các thế hệ hôm nay và
mai sau.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Văn Bàn xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, tu bổ và sử dụng di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đồn Coóc theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
Nguyễn Hằng