Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Lượt xem: 306
CTTĐT - Sáng ngày 12/4/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu. Đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai; đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại biểu một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng Trung du và miền núi phía Bắc; các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị.

Về phía tỉnh Lào Cai còn có đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo và chuyên viên một số sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nông sản an toàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

anh tin bai

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng mong muốn đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi “vùng trũng” trong phát triển thương mại; thu hẹp dần khoảng cách so với trung bình cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương mong muốn đại diện các tỉnh trong vùng tập trung trao đổi, bàn thảo các giải pháp góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới Đồng thời đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ chia sẻ những nhận định, đánh giá cụ thể, toàn diện về tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; các cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; các hoạt động xúc tiến năm 2024… để có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp với bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thách thức mới.

Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP vùng tăng 8,2%/năm, tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 42,2%/năm. Năm 2022 và 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm 16% cả nước. Tuy nhiên vùng Trung du và miền núi phía Bắc có quy mô kinh tế tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước (đứng thứ 5/6 vùng); tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương; mật độ doanh nghiệp thấp nhất cả nước (bằng 1/3 cả nước), phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ; quy mô sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của vùng còn nhỏ lẻ, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn; lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở một số ít địa phương có thế mạnh; liên kết nội vùng và liên vùng còn hạn chế; phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc… tạo nhiều rào cản cho các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của vùng ra thế giới.

Tham luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ Công Thương và đại diện lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái thảo luận, trao đổi một số nội dung: Khuyến nghị về giải pháp thúc đẩy tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc; thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trong năm 2024 và những năm tới cho vùng Trung du, miền núi phía Bắc; hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024; cơ hội thị trường khu vực châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ cho các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc; xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hóa các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới; xây dựng trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu vùng Tây Bắc; phát huy vai trò điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao; tiềm năng, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông lâm sản chủ lực…

anh tin bai

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) đánh giá tình hình tái cơ cấu ngành công thương và một số khuyến nghị về giải pháp thúc đẩy tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kểt sản xuất hàng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

anh tin bai

Lãnh đạo Vụ thị trường châu Á - châu Phi, châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đề cập đến tiềm năng, cơ hội, thách thức thị trường các khu vực đối với sản phầm vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

anh tin bai

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trình bày thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu trong năm 2024 và những năm tới cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

anh tin bai

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trao đổi về các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024 và đề nghị các tỉnh, thành trong vùng quan tâm hơn đến việc bố trí nguồn lực, nhân lực cho thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương.

Thời gian qua, Bộ Công Thương rất quan tâm và sát sao chỉ đạo các cơ quan tập trung nguồn lực hỗ trợ vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Vùng, tham gia sâu rộng vào hoạt động ngoại thương. 3 nhóm hoạt động chính được tập trung thực hiện và dành nhiều hỗ trợ là: Cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu; tổ chức kết nối giao thương; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu cho doanh nghiệp. Năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại ưu tiên dành một số nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức: Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc - Điện Biên, khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên; Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt (Lào Cai); Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn); tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hoá và dịch vụ có thế mạnh của vùng Tây Bắc, về các sản phẩm OCOP khu vực Đông Bắc đến người tiêu dùng trong nước; tập huấn kỹ năng truyền thông, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai với vị trí là cửa ngõ, cầu nối giao thương kinh tế quốc tế, trong những năm qua đã nỗ lực đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và khu kinh tế cửa khẩu, đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Năng lực kết nối giao thương, phát triển kinh tế cửa khẩu của Lào Cai đã và đang có những thành công nhất định. Giai đoạn 2015 - 2022, giá trị xuất nhập khẩu của Lào Cai tăng trưởng mạnh, bình quân đạt gần 16,5%/năm. Những năm gần đây đã thu hút xuất khẩu được lượng lớn các loại nông sản, trái cây chủ lực; dịch vụ xuất nhập khẩu phát triển đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, các chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy làm gián đoạn giao thương, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Lào Cai.

anh tin bai

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai trao đổi về “Xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hóa các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu, thúc đẩy giao thương biên giới qua tỉnh Lào Cai”.

Năm 2024 và những năm tiếp theo, xu hướng triển khai đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối liên quốc gia, liên vùng, kết nối đến hệ thống các cửa khẩu, biên giới sẽ là chủ đạo; các tuyến hành lang kinh tế kết nối giữa Trung Quốc với Đông Nam Á và Nam Á đang được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, nhiều tuyến cho thấy tiềm năng rất lớn trong kết nối giao thương. Trong đó vùng Tây Nam được Chính phủ Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển; có nhu cầu tiêu dùng lớn đối với hàng thủy sản tươi, đông lạnh, khô, gạo, một số loại hoa quả nhiệt đới. Trong bối cảnh đó, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, một trung tâm logistics hiện đại, đúng tầm là trung tâm kết nối giao thương, khu trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển kha thực hiện: tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết, xây dựng hạ tầng các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải; xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tiếp tục thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung; phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các bộ, ngành Trung ương tích cực nghiên cứu và xây dựng các khu cửa khẩu, khu công nghiệp, các mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tạo quỹ đất sạch để thu hút sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.

anh tin bai

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, UBND tỉnh Yên Bái trao đổi về hoạt động chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, Công ty Tiktok Việt Nam, Sàn thương mại điện tử Alibaba.com trình bày các hoạt động, kết quả hợp tác với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm vùng Trung du, miền núi phía Bắc trên nền tảng Tiktok, thương mại điện tử Alibaba.com.

anh tin bai

Đại diện Công ty Tiktok Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng các ý kiến đưa ra tại Hội nghị ngày hôm nay rất cụ thể, thẳng thắn, đi sâu vào những tiềm năng, thế mạnh cũng như những bất cập và hạn chế gây cản trở phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Có thể thấy tiềm năng của Vùng là rất lớn cho phát triển các ngành nghề sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại. Trong đó thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm từ công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, thiết bị điện, công nghiệp cơ khí, chế biến nông sản (chè, cà phê, mắc ca, rau củ quả), lâm sản (gỗ, bột giấy), dược liệu, chế biến sâu khoáng sản, hoá chất, vật liệu mới… Thúc đẩy xuất khẩu, với lợi thế một số tỉnh trong vùng có các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc và Cộng hoà dân chủ Lào là hết sức quan trọng.

anh tin bai

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu kết luận Hội nghị và nhấn mạnh Bộ Công Thương luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu.

Để hỗ trợ, thúc đẩy vùng Trung du và miền núi phía Bắc có sự chuyển mình, khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành trong Vùng cần tính toán, liên kết với nhau để thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trọng tâm cho từng giai đoạn, từng khu vực thị trường mục tiêu. Các doanh nghiệp trong Vùng cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp; tích cực tìm hiểu các ưu đãi đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia để xác định các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đa dạng hóa thị trường; nghiên cứu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đầu tư xác đáng cho việc bồi dưỡng kiến thức, năng lực nhân sự tham gia thương mại quốc tế, cập nhật các xu hướng công nghệ, thương mại điện tử từ đó có thể mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Với vai trò là cơ quan quản lý kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Cục, Vụ và toàn bộ hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể, tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc nâng cao năng lực tham gia thương mại quốc tế, nâng cao nhận thức về sản phẩm, thương hiệu và thị trường, xây dựng định hướng phát triển phù hợp và nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội thị trường.

Bên lề Hội nghị còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của một số tỉnh, thành vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng (ảnh dưới):

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai
Đại biểu Bộ Công Thương, tỉnh Lào Cai, các ngành, đơn vị... tham quan các gian hàng trưng bày của một số tỉnh, thành vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
anh tin bai
anh tin bai
Một trong các gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Lào Cai.
Thanh Huyền
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1