Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình NTM
Quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình NTM theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã):
Việc điều chỉnh cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình NTM theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình NTM trên toàn tỉnh theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng: Chấm dứt hoạt động của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện và Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện. Kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp tỉnh và các xã hình thành mới sau sáp nhập (nếu cần thiết). Phân công lại nhiệm vụ do cấp huyện đảm nhiệm phù hợp cho cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM ở cấp tỉnh hoặc UBND xã tùy theo nội dung, tính chất và điều kiện thực hiện.
Cho đến khi chấm dứt hoạt động, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG cấp huyện và Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện có trách nhiệm sắp xếp và bàn giao nguyên trạng, đầy đủ hồ sơ, tài liệu của Chương trình NTM về cơ quan tiếp nhận, đảm bảo phục vụ được hoạt động của cơ quan mới được tiếp nối liên tục, không gián đoạn.
Đối với các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại:
Việc thực hiện chế độ, chính sách theo Chương trình NTM, thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, cụ thể như sau:
- Trường hợp các xã cùng hưởng chế độ, chính sách của Chương trình NTM sáp nhập với nhau: Tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách theo Chương trình NTM như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn thực hiện của Chương trình NTM.
- Trường hợp các xã đang hưởng chế độ, chính sách sáp nhập với xã không thuộc đối tượng hưởng chế độ, chính sách của Chương trình NTM: Tại khu vực đang hưởng chế độ, chính sách theo Chương trình NTM, tiếp tục được hưởng như trước thời điểm sắp xếp cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn thực hiện của Chương trình NTM.
Trường hợp các xã thay đổi tên gọi sau sắp xếp: Sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách như trước khi thực hiện sắp xếp.
Quản lý và sử dụng vốn ngân sách trung ương được giao thực hiện Chương trình NTM năm 2025
Nguyên tắc xử lý tài chính, ngân sách nhà nước của Chương trình NTM khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: Thực hiện theo các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và hướng dẫn tại văn bản số 4205/BTC-NSNN ngày 02/4/2025 của Bộ Tài chính.
Về việc phân bổ vốn ngân sách trung ương (vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển) thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, năm 2025 (bao gồm cả vốn của các năm trước chuyển sang thực hiện năm 2025): Căn cứ khoản 2 Điều 6 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tùy theo điều kiện thực tế, UBND cấp tỉnh chủ động rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh, phân bổ vốn ngân sách trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định, bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp (tỉnh, xã).
Về việc chuyển tiếp quản lý các nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp: Thực hiện theo các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và các hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Quản lý, sử dụng tài sản công được hình thành từ Chương trình NTM
Quản lý, sử dụng tài sản công được hình thành từ Chương trình NTM khi thực hiện tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp: Thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Công nhận đạt chuẩn NTM
Trước thời điểm các đơn vị hành chính được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tổ chức lại: Tiếp tục tổ chức xét, công nhận cấp tỉnh hoàn nhiệm vụ xây dựng NTM; cấp huyện đạt chuẩn NTM/NTM nâng cao/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; xã đạt chuẩn NTM/NTM nâng cao/NTM kiểu mẫu (đạt chuẩn NTM) giai đoạn 2021 - 2025 đối với các địa phương có hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024) cho đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện sắp xếp, tổ chức lại, cụ thể:
- Đối với các xã: UBND cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy trình xét, thẩm định các hồ sơ, công nhận với những địa phương đủ điều kiện; đảm bảo hoàn thành trước khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có hiệu lực.
- Đối với cấp tỉnh, cấp huyện: Đề nghị UBND cấp tỉnh gửi hồ sơ xét, công nhận về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) trước ngày 30/4/2025 để triển khai quy trình thẩm định theo quy định.
Sau thời điểm nêu trên, dừng thực hiện việc xét, công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đối với cấp tỉnh, xã cho đến khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan tiến hành rà soát, triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp bối cảnh và thực tiễn mới.
Thực hiện các Chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM
Về tổ chức thực hiện các mô hình thí điểm:
- Đối với các mô hình giao UBND cấp huyện thẩm tra, làm cơ sở để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt mô hình, thì UBND cấp tỉnh rà soát, xây dựng phương án điều chỉnh theo hướng giao đơn vị chuyên môn cấp tỉnh chủ trì thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt mô hình.
- Trường hợp các xã thay đổi tên gọi sau sắp xếp và không còn cấp huyện: Rà soát phạm vi, địa bàn của mô hình, sử dụng tên gọi mới của đơn vị hành chính để tiếp tục tổ chức thực hiện các chính sách như trước khi thực hiện sắp xếp.
Về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025:
UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện công tác đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện (3 sao) và cấp tỉnh (4 sao, tiềm năng 5 sao), cụ thể như sau:
- UBND cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể nộp hồ sơ đăng ký, đánh giá, phân hạng ở cấp huyện chậm nhất là ngày 31/5/2025. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác đánh giá, phân hạng và ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đề nghị UBND cấp tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm 4 sao trước ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định không còn cấp huyện (dự kiến trước 30/6/2025), không để tồn đọng hồ sơ đăng ký chưa được xử lý.
- Hoàn thành công tác tổ chức đánh giá, phân hạng và ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (cấp tỉnh) trước ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định sáp nhập cấp tỉnh (dự kiến trước ngày 30/8/2025), không để tồn đọng hồ sơ đăng ký chưa được xử lý.
- Để tạo điều kiện, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể, UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn các chủ thể nộp hồ sơ và tổ chức đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP trước thời hạn, nếu chủ thể có nhu cầu (đặc biệt là các sản phẩm phân cấp cho cấp huyện đánh giá, công nhận và sản phẩm do cấp tỉnh công nhận sẽ hết thời hạn từ 01/7/2025 đến 31/12/2025).
- Hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối với các hồ sơ sử dụng địa chỉ (xã, huyện, tỉnh), đề nghị gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/5/2025. Đối với các hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia chịu ảnh hưởng của việc sáp nhập đơn vị cấp tỉnh, đề nghị gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/7/2025 (đối với hồ sơ sử dụng địa chỉ xã, tỉnh và tên tỉnh trước khi sáp nhập).
Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, dự kiến phương án đề xuất là tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm ở 02 cấp (cấp trung ương và cấp tỉnh). Đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện chuẩn bị, sắp xếp hồ sơ (hồ sơ sản phẩm và hồ sơ họp Hội đồng OCOP cấp huyện do huyện phụ trách thời gian qua) để bàn giao cho đơn vị quản lý OCOP cấp tỉnh, đặc biệt là các hồ sơ sản phẩm OCOP 3 sao còn thời hạn, do UBND cấp huyện đánh giá, công nhận.
Xem văn bản tại đây:
Tải về