Tuyên án 17 bị cáo trong vụ án hình sự về khai thác quặng apatit trái phép, rửa tiền
CTTĐT - Sau 9 ngày xét xử và nghị án, chiều ngày 29/5, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã tuyên án đối với 17 bị cáo liên quan khai trách trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatít trái phép, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama) bị HĐXX tuyên án 4 năm tù về tội "Rửa tiền" và 3 năm 6 tháng tù cho tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh bị cáo này phải chấp hành là 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) bị HĐXX tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh còn bị áp dụng hình phạt bổ sung, phạt tiền 30 triệu đồng, sung công quỹ nhà nước.
Cùng tội danh trên, bị cáo Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) bị tuyên phạt 4 năm tù, áp dụng hình phạt bổ sung, phạt 40 triệu đồng.
Hai bị cáo Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng (đều là cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) cùng phải nhận mức án 3 năm 3 tháng tù và cùng bị áp dụng hình phạt bổ sung, phạt mỗi bị cáo 25 triệu đồng.
Các bị cáo Mai Đình Định (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) bị tuyên phạt 3 năm tù và áp dụng hình phạt bổ sung, phạt 20 triệu đồng; Phan Văn Cương (cựu Phó giám đốc Sở Công Thương) và Lê Ngọc Dương (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù.
Hai bị cáo Ngô Đức Hoàng (chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh) và Vũ Đình Thủy (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh (hàng hai) và cựu chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng (hàng ba) tại tòa.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 7 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cùng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, gồm: Nguyễn Quang Huy (cựu Tổng giám đốc) bị tuyên phạt 3 năm tù và áp dụng hình phạt bổ sung 50 triệu đồng; Phạm Cao Khiêm (cựu Phó Tổng giám đốc) bị tuyên phạt 2 năm 9 tháng tù; Lương Văn Na (Phó Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên) và Nguyễn Văn Bình (Giám đốc Xí nghiệp khai thác 3) cùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Ngọc Bích (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên) và Cao Văn Tham (nguyên Phó phòng Kế hoạch thị trường) cùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Chung (nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Kỹ thuật, điều độ, sản xuất) bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Những ngày diễn ra phiên tòa, các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh không tranh luận tội danh, song cho rằng mức án đề nghị quá nặng. Họ cho rằng có sai phạm song cũng là cán bộ có công, đóng góp nhiều cho địa phương, tuổi cao nên mong được khoan hồng.
Cựu Bí thư Nguyễn Văn Vịnh nói toàn bộ số khoáng sản được khai thác trái phép không bị tuồn ra ngoài mà được chế biến và cung cấp hàng triệu tấn phân bón, phục vụ địa phương và các vùng lân cận. Đơn vị chế biến, sản xuất số khoáng sản này đã nộp số tiền lớn vào ngân sách.
Cựu Chủ tịch Hưởng phân trần ngay sau ký văn bản liên quan hoạt động thu gom khoáng sản, ông đã ký một văn bản khác để ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể phát sinh sau đó. Song đáng tiếc việc này không được thực hiện nghiêm túc, để xảy ra hậu quả.
Theo bản án, các cựu lãnh đạo tỉnh này "biết rõ những sai phạm về thẩm quyền", song vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đã ký các văn bản, giấy chứng nhận đầu tư, có ý kiến bút phê, chỉ đạo vào các tài liệu khác có liên quan trái quy định.
Tòa xác định, từ năm 2012 đến 2015, các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và một số sở ngành, biết rõ diện tích 3,77 ha tại thôn 2 xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit. Thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhưng các bị cáo vẫn "lợi dụng chức vụ" để ký các văn bản, giấy chứng nhận đầu tư trái quy định, cấp 3,77 ha đất cho Công ty Lilama để xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng.
Khi thi công, Lilama phát hiện có quặng Apatit nên đề nghị Công ty Apatit Việt Nam nhập lại số khoáng sản này.
Công ty LiLama bị cáo buộc lợi dụng giấy chứng nhận đầu tư và các văn bản khác của UBND tỉnh Lào Cai để khai thác tận thu Apatit. Để tiêu thụ, Lilama ký hợp đồng với Apatit Việt Nam để bán toàn bộ số quặng khai thác chui, thu lời bất chính./.