Tuyên truyền vận động bà con không duy trì hủ tục
Một nghi thức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với dòng họ Giàng nơi đây chính là, nghi thức mổ trâu trong tổ chức đám tang của dòng họ Giàng. Tương truyền từ xa xưa, tại một gia đình người dân tộc Mông họ Giàng, do bạo bệnh nên người cha qua đời. Để tỏ lòng sót thương, đền đáp công ơn cha, do nhà không có trâu nên gia đình này đã cử một người con trai đi tìm mua trâu về để mổ, cúng cho cha mang đi làm vật nuôi. Sau 7 ngày chờ đợi mà không thấy người con mua được trâu mang về, những thành viên khác trong gia đình và làng xóm quyết định đưa người cha đi chôn cất. Sau khi khiêng áo quan người cha ra khỏi nhà một đoạn đường thì gặp người con trai dắt trâu về. Lúc này, họ quyết định đặt áo quan người cha tại đó để thực hiện nghi lễ mổ trâu cúng cho người cha, rồi mới đưa đi chôn cất. Kể từ đó nghi lễ mổ trâu được thực hiện ở bên ngoài nhà người chết được duy trì cho đến ngày nay. Ông Giàng A Lao, Người có uy tín trong dòng hộ Giàng cho biết: Phong tục tập quán lạc hậu của người Mông, đến nay đã được dòng họ chúng tôi lược bỏ rất nhiều. Cái nào cần thiết và phù hợp với thời đại hiện nay thì chúng tôi giữ lại, những cái nào không cần thiết, rườm rà, tốn kém thì chúng tôi đã bỏ.
Việc mổ trâu không phải là nghi lễ mang tính bắt buộc mà tùy theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để quyết định có mổ hay không mổ. Tuy là việc làm có ý nghĩa nhân văn song nghi thức này có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với nếp sống văn minh chung của cộng đồng, sự phát triển của xã hội hiện nay trong việc tổ chức tang lễ. Nếu thực hiện nghi thức mổ trâu thì thời gian đám tang thường kéo dài từ 03 ngày đến 05 ngày, thậm chí lâu hơn. Trước khi làm nghi lễ mổ trâu phải đưa áo quan của người chết ra khỏi nhà, cách nhà từ 50m đến 200m tùy địa thế vào thời điểm từ 03 đến 04 giờ sáng. Từ khi đưa ra vị trí làm lễ này, áo quan đã niệm người chết sẽ phải phơi nắng, phơi mưa cho đến khi làm lễ xong, thường vào khoảng 14 giờ đến 15 giờ cùng ngày mới đưa đi chôn cất. Việc làm này không chỉ vất vả cho những người tham gia làm nghi lễ, gia đình tang quyến mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề vệ sinh môi trường như thời gian mai táng lâu, điều kiện thời tiết ngoài trời tác động đến sự phân hủy của người chết. Ông Giàng A Tếnh, Trưởng dòng hộ giàng cho biết thêm: Ngày xưa nếu có người mất, trước khi đem đia chôn cất thì phải đem đi phơi nắng vài ngày, và phải mổ trâu. Nhưng từ khi thnahf lập dòng họ, và đến thời điểm này, thì chúng tôi thấy phong tục này không còn phù hợp nữa, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất, sẽ loại bỏ phong tục này, và đưa vào quy ước của dòng họ. Nếu nhà nào không thực hiện, không nghe theo dòng họ, tổ chức thời gian lâu, thì anh em trong dòng họ sẽ không hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tổ chức đám tang nữa.
Nhận thức rõ điều này, những người con của dòng họ Giàng thuộc xã Cán Cấu, đã rất trăn trở, cùng nhau vận động Trưởng dòng họ, những người có uy tín của dòng họ, để bàn bạc và thống nhất loại bỏ những hủ tục không còn phù hợp. Thống nhất điều chỉnh nghi thức mổ trâu phù hợp hơn như: Không đưa người chết ra khỏi nhà để thực hiện nghi lễ, mà tổ chức nghi lễ tại nhà, rút ngắn thời gian tổ chức đám tang từ nhiều ngày xuống còn 02 ngày theo quy định chung của Nhà nước, để đảm bảo vệ sinh, mỹ quan trong quá trình tổ chức đám tang, không ăn uống kéo dài. Sau quá trình nhiều năm quyết tâm vận động, thuyết phục, đã dần làm thay đổi nhận thức và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của những người có vai trò quan trọng trong dòng họ về vấn đề này.
Họp họ bàn xây dựng hương ước.
Đây là một cuộc họp của dòng họ Giàng để thống nhất, đưa nội dung này bàn bạc với các hộ trong dòng họ, ông Giàng A Lềnh đã triển khai phân tích, đánh giá những vấn đề tích cực cần tiếp tục phát huy, những vấn đề lạc hậu, không còn phù hợp cần chỉnh sửa, để thay đổi tập quán trong việc tổ chức đám tang. Qua bàn bạc thống nhất, mặc dù vẫn còn một số ít ý kiến đề nghị giữ nguyên nghi thức truyền thống đã thực hiện từ xưa đến nay, nhưng đại bộ phận các hộ trong dòng họ đã nhất trí cao về những thay đổi nghi thức tổ chức đám tang cho phù hợp. Anh Giàng A Sủ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cán Cấu cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân, cải tạo phục tục tập quán lạc hậu. Tuy nhiên đến nay, dòng họ Giàng vẫn thực hiện tập tục khi có tang ma vẫn đem người chết ra đồng phơi nắng và mổ trâu, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân. Chính vì vậy chúng tôi đã cố gắng, tuyên truyền các cụ trong dòng họ Giàng, loại bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Cho đến thời điểm này, về cơ bản nhân dân cũng đồng tình ủng hộ.
Qua sự việc này cho thấy, việc thay đổi các phong tục tập quán, đặc biệt với những tập tục đã lạc hậu trong đồng bào người Mông nói chung gặp rất nhiều khó khăn, vì những nghi thức này đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Vì vậy, nhìn từ hình thức bên ngoài chúng ta thấy việc thay đổi nghi thức mổ trâu trong đám tang của dòng họ Giàng thôn Cốc Phà, thôn Mù Tráng Phìn thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chưa có sự thay đổi lớn đáng kể, nhưng xét về nội dung, ý nghĩa bản chất và sự tiến bộ trong việc thay đổi nghi thức đám tang của dòng họ Giàng này là một thành quả đáng ghi nhận. Sự thay đổi tích cực này sẽ tạo tiền đề, động lực, để triển khai các hoạt động tiếp theo trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt đối với những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang cũng như các hiện tượng mê tín dị đoan khác.
Mặt khác, từ sự thay đổi này cũng có thể là cách làm hay, để các dòng họ khác trên địa bàn nghiên cứu, vận dụng làm theo, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh của đồng bào dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung ngày càng tiến bộ, phát triển./.