Bảo tồn, phát huy di tích văn hóa gắn với phát triển du lịch ở Lào Cai
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017, của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 25 dân tộc sinh sống. Người dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Và như vậy tiềm năng du lịch văn hóa là rất lớn đồng thời cũng đặt ra bài toán cho công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được tỉnh Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án Phát triển Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Phát triển Văn hoá - Du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/TU. Theo đó, Lào Cai xác định “tầm nhìn” và “Khát vọng phát triển” xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh Lào Cai đã có hơn 54 di tích, di sản văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó có 22 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 32 di tích, danh thắng cấp tỉnh tạo nên những sắc màu văn hoá đa dạng, phong phú, độc đáo và hấp dẫn; trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt quần thể di tích Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Bảo Hà, Đến Phúc Khánh, Đền Ken, Đền Mẫu Sơn,... được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, cùng với Quần thể không gian tâm linh Khu du lịch Cáp treo Fansipan mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương. Các di tích văn hóa lịch sử khác như Bãi đá cổ Sa Pa, dinh thự Hoàng A Tưởng cũng là điểm đến thu hút du khách.
Du khách tham quan, chụp ảnh cánh đồng lúa xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên
Từ việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay trên địa bàn tỉnh hình thành hệ thống các làng du lịch cộng đồng, cụ thể: Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Lao Chải, Tả Phìn (Sa Pa); Bản Liền, Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Van Chư (Bắc Hà) Ý Tý, Choản Thèn, Lao Chải, Mường Hum (Bát Xát)… Thông qua phát triển du lịch cộng đồng nhiều nhà nghỉ lưu trú tại gia đã được hình thành.
Hiện, Lào Cai đã có trên 460 nhà nghỉ lưu trú tại gia (homestay) chủ yếu tập trung tại khu du lịch Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên. Đồng bào tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng đã có mức thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/hộ/năm thông qua thu tiền lưu trú, ẩm thực và bán các mặt hàng thủ công truyền thống, tham gia hướng dẫn du lịch. Việc khám phá các bản làng văn hóa dân tộc trên các tour du lịch cộng đồng của du khách bằng đi bộ (Trekking), đi xe đạp là những tour du lịch đầy hấp dẫn. Sa Pa được các chuyên gia du lịch bình chọn “Top 50 thị trấn đẹp nhất thế giới” theo danh sách công bố của Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller. Sa Pa (tỉnh Lào Cai) của Việt Nam được nền tảng tư vấn du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor bình chọn Giải thưởng Best of the Best năm 2024, đứng thứ 5/7 điểm đến thịnh hành thế giới của Nền tảng tư vấn du lịch lớn nhất thế giới. Ấn phẩm du lịch Times Travel của Ấn Độ đã vinh danh 50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2024, trong đó có Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Làng Du lịch xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), Tà Chải (Bắc Hà), Tả Van Giáy (Sa Pa) được Hiệp hội du lịch Asean công nhận là nhóm Homestay tốt nhất khu vực.
Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển. Qua đó đã sưu tầm hàng nghìn hiện vật chủ yếu là trang phục, các công cụ, dụng cụ của 25 nhóm ngành dân tộc để tổ chức trưng bày tại Bảo tàng tỉnh; bảo tồn, duy trì hơn 40 lễ hội dân gian như: Lễ hội Gầu tào người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ hội tạ ơn trâu (Sử dề pà) của người Bố Y, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội "Gặt Tu Tu", lễ hội “Khô già già” của người Hà Nhì đen ở Ý Tý, (Bát Xát). Các Lễ hội được tái hiện từ địa điểm, thời gian, nghi thức đến đối tượng tham gia góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho loại hình du lịch khám phá. Bên cạnh các Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long hàng năm đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham dự. Đặc biệt, các nghi lễ cấp sắc của người Dao Lào Cai, Lễ hội Gầu tào của người Mông và nghi lễ then của người Tày ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã và đang được khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch, tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu và phát huy bảo tồn các giá trị văn hoá thành các chương trình nghệ thuật (show) diễn thực cảnh như: “The Mông Show, Vũ điệu dưới trăng, Điểm Hẹn, Tái hiện Chợ Tình Sa Pa, Lễ hội Đua ngựa truyền thống, Lễ hội nhảy lửa dân tộc Dao”. Nhiều làng nghề đã tạo thương hiệu uy tín trên thị trường. Sa Pa, Bắc Hà là nơi hội tụ các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Nơi đây, các sản phẩm thêu - dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, nấu rượu… được du khách biết đến như Làng nghề nấu rượu Bản Phố (Bắc Hà), Làng nghề dệt Tả Phìn, nghề làm Trống, thuốc tắm của người Dao đỏ, nghề se lanh dệt vải của người Mông Bản Cát Cát (Sa Pa), đã hình thành lên hàng trăm loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm truyền thống, tranh thổ cẩm, … được khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích.
Du khách Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng tại Sa Pa
Ngoài ra, giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao, ruộng bậc thang được các doanh nghiệp du lịch khai thác thành các chương trình du lịch đặc trưng. Chợ phiên ở vùng cao Lào Cai luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài, nhất là chợ phiên: Mường Hum, Ý Tý (huyện Bát Xát), Cốc Ly, Bắc Hà, Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Cán Cấu (huyện Si Ma Cai), Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Trong đó, sản phẩm du lịch chợ văn hóa Bắc Hà được tạp chí Serendib (Srilanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc, Lào Cai đã phát triển hàng trăm sản phẩm du lịch, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hoá, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn mang đẳng cấp quốc tế. Với việc khai thác hiệu quả các di sản văn hoá trong phát triển du lịch, ngành du lịch Lào Cai đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, Lào Cai đón 7,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 22.000 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Thơm, du khách đến từ Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đến với Lào Cai, tôi đã trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại gia ở Sa Pa, Bắc Hà. Tôi rất ấn tượng với dịch vụ lưu trú tại gia của các địa phương này. Có dịp trở lại nhất định tôi sẽ tiếp tục trải nghiệm loại hình dịch vụ này bởi thông qua trải nghiệm dịch vụ tôi hiểu hơn về văn hóa, con người Lào Cai.
Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 10 triệu lượt khách du lịch. Với quan điểm phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, tin tưởng rằng khát vọng xây dựng Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam sẽ sớm hoàn thành./.