CTTĐT - Trải qua 115 năm xây dựng, phát triển và hội nhập (12/7/1907 - 12/7/2022), bằng sự năng động, sáng tạo và vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
I. Quá
trình vận động thành lập tỉnh Lào Cai
1. Trước
khi thành lập tỉnh Lào Cai
- Qua kết
quả nghiên cứu khoa học cho thấy từ thời nguyên thuỷ, Lào Cai đã là nơi quần tụ
sinh sống của người Việt cổ. Đến thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai
thuộc bộ Tân Hưng là 1 trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang, trung tâm kinh tế ở
thượng nguồn sông Hồng.
- Từ thế
kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X, nước ta bị các thế lực phong kiến
phương Bắc đô hộ, Lào Cai thuộc quận Tân Hưng, đất Giao Châu.
- Từ thế
kỷ thứ X đất nước giành độc lập, chế độ phong kiến Trung ương tập quyền được
xây dựng, Lào Cai là địa bàn của châu Thuỷ Vĩ, châu Văn Bàn, một phần thuộc
châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng
Hoá.
- Cuối thế
kỷ thứ XIX thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tháng 3 năm 1886, Pháp đánh chiếm
Lào Cai. Sau khi bình định xong khu vực miền núi phía Bắc và hoạch định xong đường
biên giới Việt - Trung, thực dân Pháp đặt ách cai trị ở Lào Cai theo chế độ
quân quản. Địa hạt Lào Cai thuộc đạo Quan binh III của Pháp. Ngày 7/11/1899,
Pháp thành lập đạo Quan binh IV gồm tiểu quân khu Yên Bái và tiểu quân khu Lào
Cai. Lào Cai được chọn làm đạo lỵ và là thủ phủ của đạo Quan binh IV.
- Từ những
năm đầu thế kỷ XX do tác động của chính sách khai thác bóc lột thuộc địa của thực
dân Pháp, đội ngũ công nhân vừa ra đời, tuy số lượng không nhiều nhưng đã anh
dũng đứng dậy đấu tranh chống áp bức, điển hình là phong trào bãi công của công
nhân đường sắt, công nhân mỏ Phấn Trì (tháng 5/1905) phong trào yêu nước của
nhân dân các dân tộc Lào Cai mặc dù diễn ra quyết liệt nhưng do mang tính tự
phát và chưa được tổ chức chặt chẽ nên đều bị thất bại.
2. Tỉnh
Lào Cai được thành lập
- Sau khi
hoàn thành việc bình định quân sự, để dễ kiểm soát và tiến hành khai thác, bóc
lột dân bản địa, thực dân Pháp phân chia lại khu vực hành chính, chuyển chế độ
cai trị quân quản sang cai trị dân sự.
- Ngày
12/7/1907, Thống sứ Bắc Kỳ đã ký Sắc lệnh thành lập tỉnh Lào Cai và chính thức
đặt chế độ cai trị. Từ đó tỉnh Lào Cai có tên trên bản đồ Việt Nam, gồm có hai
châu Thuỷ Vĩ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Bát Xát, Phong Thổ, Bắc Hà,
đặc khu Sa Pa và thị xã Lào Cai với tổng diện tích 5.177 km2 và 6 vạn dân (15
dân tộc).
- Ngay từ
khi thực dân Pháp vừa mới đặt chân lên vùng biên cương này, nhân dân các dân tộc
Lào Cai đã nêu cao truyền thống yêu nước liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống thực
dân Pháp. Các cuộc khởi nghĩa của người Thái, Mông, Dao, Hà Nhì... (mùa thu năm
1918) đã trở thành ngọn cờ cổ vũ phong trào đấu tranh chống thực dân trên vùng
biên giới. Năm 1930, khắp vùng người Thái ở Than Uyên đã dấy lên phong trào
“Chiêu dân tống thẻ” gửi đơn kiện, tố cáo bọn chức dịch bóc lột nhân dân tàn khốc.
II.
Quá trình vận động thành lập Đảng bộ Lào Cai
Ngày
3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt mới cho lịch sử Việt
Nam. Lào Cai là một tỉnh miền núi, mật độ dân cư thấp, cơ sở công nghiệp chưa
phát triển, lực lượng công nhân nhỏ bé nên phong trào cách mạng còn hạn chế.
Tháng
5/1945, Trung ương cử đồng chí Mai Văn Ty, Bí thư chi bộ thị xã Yên Bái lên Lào
Cai xây dựng cơ sở Việt Minh. Dựa vào quan hệ trong ngành đường sắt, đồng chí
đã giác ngộ, vận động thành lập tổ Việt Minh tại ga xe lửa Phố Mới. Tổ Việt
Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền trước hết trong đội ngũ công nhân về đường lối
cách mạng của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân chuẩn bị thời cơ,
phối hợp với cách mạng cả nước đứng lên giành độc lập dân tộc.
Cách mạng
tháng Tám nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi trên cả nước. Ở Lào Cai, tổ Việt
Minh hoạt động tích cực, nhưng do cơ sở cách mạng chưa rộng khắp, đội ngũ cán bộ
cốt cán lại mỏng, thông tin, liên lạc bị bưng bít, đặc biệt theo Hiệp ước đồng
minh, cuối tháng 8/1945, quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào Lào Cai nên trong
tháng 8 và tháng 9/1945, việc giành chính quyền cách mạng ở Lào Cai không thực
hiện được.
Trước
tình hình đó, giữa tháng 10/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh đã cử đoàn
cán bộ do đồng chí Ngô Minh Loan dẫn đầu lên Lào Cai chỉ đạo, vận động nhân dân
xây dựng chính quyền cách mạng. Được đông đảo nhân dân ủng hộ, chỉ trong thời
gian ngắn, trong tình cảnh vô cùng khó khăn, đoàn cán bộ của Trung ương đã vận
động thành lập được chính quyền ở thị xã Lào Cai, Bảo Thắng và Sa Pa. Sau khi
thành lập, chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân thành lập các đội tự vệ,
các tổ chức quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... Các tổ
chức đó đã tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, vận động nhân dân ủng
hộ cách mạng, khắc phục nạn đói, mù chữ, đấu tranh chống lại những hành động
phá hoại của bọn phản động.
Trong lúc
phong trào cách mạng ở Lào Cai đang phát triển thuận lợi thì bọn Việt gian phản
động Quốc dân Đảng núp sau quân đội Tưởng ra sức phá hoại cách mạng. Được quân
Tưởng hỗ trợ, chúng ngang nhiên lôi kéo, tập hợp bọn lưu manh, côn đồ, tiến
hành bắt bớ, khủng bố cán bộ cách mạng, thành lập chính quyền Quốc dân Đảng, tẩy
chay chính quyền của ta. Trước sự khủng bố, đàn áp của Quốc dân Đảng, đầu tháng
12/1945, chính quyền cách mạng ở Lào Cai phải rút vào hoạt động bí mật. Thị xã
Lào Cai trở thành sào huyệt của Quốc dân Đảng. Tháng 3/1946, Hiệp ước Hoa -
Pháp được ký kết. Theo Hiệp ước, Pháp nhường cho chính quyền Tưởng Giới Thạch một
số quyền lợi ở Trung Quốc để Tưởng rút quân khỏi Việt Nam.
Đầu tháng
9/1946, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập gồm ba đồng chí do đồng chí
Ngô Minh Loan làm Trưởng ban và đồng chí Lê Thanh, Đào Đình Bảng là uỷ viên,
đây là tổ chức tiền thân của Tỉnh uỷ Lào Cai, có nhiệm vụ cùng với bộ chỉ huy
các đơn vị vũ trang, lãnh đạo quân và dân Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ dẹp trừ bọn
phản động. Chiến dịch giải phóng Lào Cai diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày
12/11/1946, các cứ điểm phòng thủ của Quốc dân Đảng lần lượt bị đập tan. Ngày
12/11/1946, thị xã Lào Cai được giải phóng.
Ngày
30/11/1946, Uỷ ban Quân quản tỉnh Lào Cai được thành lập (đầu năm 1947 đổi
thành Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban Kháng chiến). Cuối tháng 12, Ty Liêm phóng
(Ty Công an) được thành lập, các tổ chức Hội cứu quốc: Phụ nữ, Thanh niên, Nông
hội, Thiếu niên... cũng được kiện toàn. Để nâng cao khả năng lãnh đạo toàn diện
của tổ chức Đảng, nhất là lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
tháng 1/1947 Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Lào Cai thay cho Ban
Cán sự Đảng. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được khai
mạc tại Sở Cẩm (Sở cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu thuộc tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào
Cai do ta giải phóng tiếp quản dùng làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt Minh. Hội nghị
đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm bảy đồng chí, do đồng
chí Lê Thanh làm Bí thư. Ngày 5/3/1947 là ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai.
Đảng bộ tỉnh
Lào Cai được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra bước ngoặt trong phong
trào cách mạng ở Lào Cai. Từ đây, Lào Cai có sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng
bộ. Công cuộc chuẩn bị kháng chiến của Lào Cai đã gắn liền với đường lối kháng
chiến của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng thời phong trào cách mạng ở Lào Cai có
sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ đã chủ động xây dựng lực lượng cách mạng
về mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến.
Cầu Cốc Lếu qua sông Hồng. Ảnh Tư liệu
III.
Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng phát triển tỉnh
Lào Cai
Trải qua
110 năm phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và của
Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã vượt qua bao khó khăn thử thách,
chiến đấu kiên cường và xây dựng tỉnh Lào Cai từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu trở
thành tỉnh phát triển của khu vực phía Bắc.
- Năm
1947 - 1948 tỉnh Lào Cai gặp muôn vàn khó khăn. Dựa vào vũ khí và binh lực mạnh,
thực dân Pháp đã đánh chiếm toàn bộ Lào Cai. Chúng tàn sát đẫm máu đồng bào, bắt
bớ, cướp bóc, tra tấn, tù đày nhân dân nhằm phá vỡ các cơ sở và phong trào cách
mạng ở Lào Cai. Trước tình hình đó, tất cả các cơ quan đầu não của tỉnh sơ tán
về Lục Yên (Yên Bái) để bảo toàn lực lượng và chỉ đạo kháng chiến. Được sự chỉ
đạo và chi viện kịp thời của Trung ương Đảng và Khu uỷ khu 10, Tỉnh uỷ Lào Cai
quyết định tổ chức từng đợt huấn luyện đưa cán bộ và lực lượng vũ trang vào
vùng địch hậu để xây dựng lực lượng vận động nhân dân "bám đất, bám
làng" thực hiện khẩu hiệu "Việt Minh hoá" toàn dân. Nhờ đó,
phong trào cách mạng nhanh chóng hồi phục. Cuối năm 1948, Đảng bộ tỉnh đã phát
động thắng lợi cuộc đấu tranh vũ trang ở 3 xã Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao (Bảo
Thắng), tạo dựng được vùng căn cứ tự do làm bàn đạp phản công kẻ địch và từng
bước mở rộng vùng căn cứ cách mạng.
- Đầu
tháng 1/1950 Trung ương Đảng chỉ đạo mở chiến dịch Tây Bắc (chiến dịch Lê Hồng
Phong) với sự chuẩn bị lực lượng đầy đủ, với khí thế cách mạng được phát động
trong quần chúng, kết hợp với bộ đội chủ lực, chỉ trong thời gian ngắn, quân
dân Lào Cai đã áp đảo được kẻ thù, làm chủ địa bàn toàn tỉnh. Ngày 1/11/1950 tỉnh
Lào Cai được hoàn toàn giải phóng, đây là mốc son đầu tiên chấm dứt 64 năm đô hộ
của thực dân Pháp ở Lào Cai.
- Thực
dân Pháp thất bại ở Lào Cai nhưng vẫn thực hiện âm mưu xâm lược trở lại. Chúng
nuôi dưỡng lực lượng gián điệp, thổ phỉ nhằm phá hoại thành quả cách mạng. Nhân
dân các dân tộc Lào Cai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tiếp tục bước vào thực hiện
nhiệm vụ "trừ gian, tiễu phỉ". Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền giáo
dục, vận động cảm hoá địch, kết hợp với đấu tranh vũ trang, trong 5 năm (1950 -
1955) quân và dân các dân tộc Lào Cai đã đập tan 5 lần nổi phỉ, góp phần phá
tan âm mưu gây phỉ ở miền Bắc của đế quốc, thực dân và bè lũ tay sai của chúng,
đồng thời cùng quân dân cả nước tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ đánh bại chủ
nghĩa thực dân cũ, giành độc lập tự do cho dân tộc, cùng nhân dân miền Bắc nước
ta bước vào cải tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Thời kỳ
1955 - 1975, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiều
cuộc vận động lớn như: Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đón
nhận đồng bào các tỉnh miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế miền
núi, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh; vừa sản xuất vừa chiến đấu
chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Thời kỳ
1976 - 1991, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng
Liên Sơn. 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hoàng Liên Sơn, nhân dân các dân
tộc khu vực Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng phòng tuyến biên
giới và đã giành thắng lợi trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
- Tháng
10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự
lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã bắt tay vào khắc phục
hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế - xã hội với một tinh thần
quyết tâm cao độ.
Khi tái lập,
tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 8.044 km2; Dân số có 582.000 người, bao gồm
27 dân tộc; đơn vị hành chính của tỉnh gồm 8 huyện (Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo
Yên, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát, Than Uyên), 2 thị xã (Lào Cai, Cam
Đường) với 180 xã, phường, thị trấn, tỉnh lỵ là thị xã Lào Cai. Trước những yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố hệ thống chính trị, tháng 8/2000
Trung ương đã ban hành Nghị định tách huyện Bắc Hà thành 2 huyện Bắc Hà và Si
Ma Cai; tháng 1/2002 sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã
Lào Cai; tháng 1/2004 Trung ương quyết định chuyển huyện Than Uyên của tỉnh Lào
Cai về tỉnh Lai Châu. Tháng 11/2004 Chính phủ ra Nghị định công nhận thị xã Lào
Cai là thành phố Lào Cai (thành phố loại III). Từ tháng 11/2004, tỉnh Lào Cai
có 8 huyện và 1 thành phố (Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà,
Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai); gồm 164 xã, phường, thị trấn;
diện tích 6.364 km2; Dân số toàn tỉnh theo thống kê đến hết năm 2016 là 684.295
người, bao gồm 25 dân tộc.
Lào Cai
những ngày đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức; hậu quả nặng nề của chiến
tranh biên giới năm 1979 để lại (109/180 xã, phường, thị trấn của Lào Cai khi
đó là xã vùng cao đặc biệt khó khăn; có tới 150 xã chưa có đường đến trung tâm
và các thôn, bản); thị xã tỉnh lỵ, trung tâm các huyện: Bát Xát, Sa Pa, Mường
Khương và toàn bộ các xã, phường biên giới phải xây dựng mới hoàn toàn. Nền
kinh tế nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp; tỷ lệ hộ nghèo trên 60% (trong đó
vùng cao trên 90%). Công nghiệp chưa phát triển, chưa có kinh tế cửa khẩu, du lịch.
Thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới y tế chưa đáp ứng được yêu cầu
khám, chữa bệnh của nhân dân. Trình độ dân trí thấp, có tới 52% dân số các xã
vùng cao mù chữ, còn 14 xã trắng về giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ
đạt 36% - 40%. Phần lớn cán bộ cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ; trên 30% cán bộ thôn, bản mù chữ. Ở cấp xã, số lượng đảng viên còn
ít.
Thành phố Lào Cai hôm nay.
Trước những
khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai
đã nỗ lực vươn lên; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; đoàn kết
thống nhất, chủ động, sáng tạo, trên cơ sở xác định đúng mục tiêu phát triển, lộ
trình, giải pháp phù hợp. Từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng
viên và nhân dân, các ngành, các cấp dành hết tâm sức để xây dựng Lào Cai. Sau
hơn 30 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước ổn định và phát triển vững
chắc, từ điểm xuất phát kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự
cấp là chủ yếu, Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực:
Phát triển
kinh tế - xã hội tăng trưởng cao, ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 30
năm gần đây luôn duy trì ở mức cao, trên 10%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh
tế, xã hội được đầu tư nâng cấp, đặc biệt tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai
hoàn thành từ năm 2015 đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và chuyển biến về các
mặt xã hội của tỉnh. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng
giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp,
xây dựng, dịch vụ. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập tring
nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ. Các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát
triển, từng bước hình thành các vùng kinh tố động lực. Tiềm năng, lợi thế được
khai thác hiệu quả; liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh và giữa các ngành,
lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu; liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc được
tăng cường. Hợp tác với các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai
– Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, các tỉnh, thành phố trong khu vực và trong cả
nước. Kết cấu hạ tầng đô thị, du lịch, cửa khẩu tiếp tục được đầu tư, toàn tỉnh
có 09 đô thị, gồm 01 đô thị loại II, 01 đô thị loại IV, 07 đô thị loại V và
tương đương; hoàn thành nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa
Lào Cai
có bước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển giao ứng dụng
các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, năng suất và sản lượng
lương thực tăng nhanh (năm 2020 đạt 340.000 tấn). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,82%.
Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn
nông thôn mới; 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% xã, thôn bản có đường
giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước
sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản các hộ đã xóa được nhà tạm.
Kinh tế
công nghiệp, xuất, nhập khẩu, du lịch có nhiều đột phá. Kết thúc năm 2021: Giá
trị sản xuất công nghiệp đạt đạt 41.206 tỷ đồng tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất,
nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD; khách du lịch đạt 1.400 nghìn lượt khách, (do ảnh hưởng
của dịch Covid-19), doanh thu đạt 4.447 tỷ đồng (gấp hàng nghìn lần năm 1995).
Thu ngân sách nhà nước trên 9.939 tỷ đồng (năm 1992 là 39 tỷ đồng); GDP bình
quân đầu người trên 82,68 triệu đồng.
Khoa học
và công nghệ được đẩy mạnh, gắn nghiên cứu với ứng dụng, đổi mới mạnh mẽ cơ chế
quản lý, các nhiệm vụ khoa học được triển khai theo cơ chế đặt hàng. Công nghệ
thông tin phát triển mạnh mẽ là công cụ quan trọng trong cải cách hành chính và
phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng thông tin được đầu
tư tương đối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng
rãi trong quản lý, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của
tỉnh (ICT Index) luôn xếp ở thứ hạng cao (top 10) trên cả nước.
Sự nghiệp
giáo dục, đào tạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, vượt bậc, nếu như ngày đầu
tái lập, 60% số trẻ em trong độ tuổi chưa được đến trường, thì đến năm 2000 Lào
Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ, năm 2007 phổ cập giáo dục
trung học cơ sở, năm 2013 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Mạng lưới
trường lớp được rà soát, sắp xếp theo hướng thực chất, cơ bản đã xóa được nhà lớp
học tạm; hệ thống nhà ở nội trú, bán trú, nhà ở cho giáo viên cơ bản đáp ứng được
yêu cầu thực tế.
Công tác
xóa đói, giảm nghèo tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ đạt kết quả
cao. Đề án giảm nghèo bền vững và nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội được
quan tâm, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Chính sách bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm;
các chính sách dân tộc phát huy hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân
dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sĩ/vạn dân; 9 bệnh viện tuyến huyện,
152 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 03 bệnh viện tuyến tỉnh và 01 bệnh viện đa
khoa tỉnh quy mô 700 giường bệnh. Đặc biệt trong những năm gần đây khi đại dịch
bùng nổ, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ nên dịch bệnh Covid -19 đã
được kiểm soát tốt. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 54,8% (1991) xuống còn 5,31%
(2021), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Việc chăm sóc người có
công, gia đình chính sách, cứu trợ xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, tín
ngưỡng được bảo đảm; thu nhập và mức sống người dân được nâng lên, tỷ lệ người
dân được hưởng dịch vụ công ngày càng cao.
Quốc
phòng, chủ quyền biên giới quốc gia luôn đảm bảo, giữ vững. Kết hợp chặt chẽ giữa
phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng và xây dựng khu vực
phòng thủ vững chắc. Bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các
sự kiện chính trị trên địa bàn. Đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động tuyên
truyền tôn giáo trái pháp luật, hoạt động lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện vi phạm
pháp luật. Không để hình thành các “điểm nóng”, an ninh biên giới, an ninh
chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin,
an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước được bảo đảm. Đấu tranh có hiệu quả, kiềm
chế sự gia tăng tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội; Công tác điều tra, xử lý tội
phạm không để oan, sai và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Hoạt động
đối ngoại được mở rộng, hợp tác quốc tế được tăng cường toàn diện trên các lĩnh
vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội. Phương châm “đa
phương hóa, đa dạng hóa” các quan hệ, hợp tác quốc tế trở thành định hướng đối
ngoại của tỉnh. Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung
Quốc) được nâng lên, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; hợp tác với vùng
Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), quan hệ với các địa phương nước ngoài, các
vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế được mở rộng, là đối tác tin cậy của các nhà đầu
tư và các nhà tài trợ quốc tế. Hợp tác với các địa phương trong nước được đẩy mạnh.
Cùng với
những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng được thực
hiện toàn diện. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được coi trọng,
tăng cường. Công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống, sơ kết, tổng
kết các nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc từ cơ sở. Công tác bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai
trái thù địch ngày càng hiệu quả; việc nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời phản
ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm thường
xuyên; công tác đối thoại với nhân dân được triển khai kịp thời,…tạo đồng thuận
cao trong đảng và toàn xã hội. Triển khai nghị quyết tiếp tục được đổi mới về nội
dung, hình thức, phương pháp học tập. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết
bảo đảm khoa học, sát với tình hình thực tiễn. Cơ sở vật chất, kiện toàn bộ máy
tổ chức, cán bộ, giảng viên lý luận chính trị Trường Chính trị tỉnh, trung tâm
chính trị cấp huyện được quan tâm. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh có nhiều đổi mới, sáng tạo, nền nếp trở thành nhiệm vụ thường
xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên.
Bộ máy từ
tỉnh đến cơ sở được sắp xếp ngày một tinh gọn, công tác cán bộ có chuyển biến
tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị được củng cố, kiện
toàn, gắn với việc thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và
kiêm nhiệm chức danh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
được nâng lên. Duy trì nền nếp, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng được coi trọng, dân chủ trong Đảng
được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được coi trọng, thực
hiện toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo trong kiểm
tra, giám sát của Đảng và thanh tra, giám sát của Nhà nước.
Đoàn đại
biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền
lực của Nhà nước ở địa phương, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân
dân. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp được nâng cao, bảo
đảm tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của cấp ủy, Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân các cấp. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tinh gọn,
nâng cao hiệu quả hoạt động; chính quyền cơ sở được kiện toàn, đội ngũ cán bộ
công chức cấp xã được chuẩn hóa; người hoạt động không chuyên trách được rà
soát giảm số người, nâng cao chất lượng, chế độ, chính sách được bảo đảm.
Sức mạnh
đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của
Nhân dân được bảo đảm. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên
trong tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia các cuộc vận
động, các phong trào thi đua đem lại hiệu quả thiết thực. Phương thức hoạt động,
tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền được tích cực đổi mới. Huy động được sự vào cuộc của các tổ
chức, cá nhân tham gia các chương trình xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp
nghĩa mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác
dân vận đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Công tác tuyên vận gắn với
phong trào thi đua “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được triển khai
thực hiện nền nếp, hiệu quả ở các xã, phường, thị trấn. Công tác dân vận chính
quyền các cấp có bước chuyển biến mạnh, triển khai hiệu quả trong cơ quan hành
chính nhà nước các cấp. Các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài được
tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, duy trì tốt công tác tiếp công dân, giải
quyết khiếu nại, tố cáo.
Trải qua
115 năm xây dựng và trưởng thành, để ghi nhận những thành tích đã đạt được,
trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân
các dân tộc Lào Cai đã nhiều lần được Đảng và Nhà nước tặng các danh hiệu, phần
thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc
lập Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động các hạng và rất nhiều Cờ thi đua và Bằng
khen vì có thành tích xuất sắc; nhiều tập thể đã vinh dự được nhận danh hiệu
Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; nhiều tập thể, cá nhân đã được Nhà nước
phong tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý như: Thầy thuốc nhân
dân, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú, Chiến sỹ thi đua toàn quốc
và Huân chương, Huy chương, Bằng khen các loại; đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 25
năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vinh dự được đón
nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao
tặng.