Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo
Lượt xem: 336
CTTĐT - Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi để 04 huyện nghèo Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai phát triển. Từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Chung tay giảm nghèo

Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Ngay khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tỉnh Lào Cai đã tập trung triển khai thực hiện và đạt một số kết quả nổi bật. Đó là hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 ở các cấp; ban hành các văn bản, hướng dẫn, quy định thuộc thẩm quyền của địa phương; việc phân bổ, giao dự toán, thực hiện kế hoạch hàng năm và 5 năm được triển khai kịp thời, đúng các quy định của Chương trình và các quy định liên quan khác.

Đồng thời, Lào Cai ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyên đề để tập trung nguồn lực vật lực cho vùng “lõi nghèo”. Đó là Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với 37 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030 và Kế hoạch của UBND tỉnh phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã phân công các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phụ trách, giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh (năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 10 xã 72%). Phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần thuộc các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; thành lập Tổ Giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn và mục tiêu nhiệm vụ, UBND tỉnh đã kịp thời giao cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan thường trực Chương trình MTQG, UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng dựng kế hoạch, tổ chức thẩm định và tham mưu, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch vốn. Tổng huy động vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 là 2.313.713 triệu đồng; trong đó ngân sách trung ương 1.797.729 triệu đồng; ngân sách tỉnh 296.681 triệu đồng, ngân sách huyện 6.000 triệu đồng, huy động từ cộng đồng và doanh nghiệp khoảng 196.303 triệu đồng, vốn tín dụng khoảng 17.000 triệu đồng.

Để đảm bảo đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ở 04 huyện nghèo đạt hiệu quả, các huyện đã rà soát, xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung thực hiện của từng dự án từ cuối năm 2021. Cơ bản các danh mục đầu tư của 04 huyện nghèo đã được UBND tỉnh giao để thực hiện nghiên cứu chuẩn bị đầu tư; vì vậy khi có vốn, các địa phương chỉ rà soát và cập nhật vào kế hoạch cho đúng quy định, giúp cho công tác lập, thẩm định kế hoạch được thuận lợi. Với kinh phí trên 900 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2022 - 2023 đầu tư đường liên xã 16 công trình và 02 cầu; trường học 03 công trình; thủy lợi 03 công trình; y tế 01 công trình; văn hóa 01 công trình; cấp nước 01 công trình.

anh tin bai

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều gia đình tại các xã nghèo đã xây được nhà khang trang (Ảnh: baolaocai.vn)

Cùng với việc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, 04 huyện nghèo thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác này. Kết quả rà soát đến hết năm 2023 cho thấy số hộ nghèo còn lại 26.791 hộ/179.305 hộ, chiếm 14,94% (trong đó nghèo khu vực thành thị chiếm 3,39%; nghèo khu vực nông thôn chiếm 20%); tỷ lệ nghèo giảm 4,43/4%, đạt 110,75% kế hoạch Trung ương và tỉnh giao; tương ứng giảm 7.793 hộ nghèo, giảm vượt 768 hộ nghèo. Hộ cận nghèo còn lại 18.375/179.305 hộ, chiếm 10,25% tổng số hộ trên địa bàn, giảm 1,92%, tương đương giảm 3.357 hộ so với năm 2022.

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,43%, đạt 107,74% kế hoạch tỉnh và vượt 23,9% kế hoạchTrung ương giao; tương đương giảm 3.929 hộ nghèo. Trong đó Bắc Hà giảm 9,17%, Si Ma Cai giảm 7,35%, Mường Khương giảm 6,56%, Bát Xát giảm 6,82%. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của các huyện nghèo tính đến hết năm 2023 là 37,17 triệu đồng/năm, đạt 101,84% kế hoạch.

Bắc Hà phấn đấu thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Xác định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc đưa huyện Bắc Hà thoát khỏi huyện nghèo đến 2025; Huyện ủy Bắc Hà ban hành Nghị quyết số 58-NQ/HU ngày 14/03/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững và triển khai thực hiện Đề án và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong đó huyện tập trung thực hiện 04 nhóm giải pháp chính gồm: (1) Chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, giáo dục thực hiện mục tiêu giảm nghèo; (2) Cơ chế chính sách, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; (3) Bảo đảm việc làm, tăng thu nhập của người nghèo, hộ nghèo; (4) Quản lý, phát triển đột phá thể thao và du lịch, dịch vụ, thương mại.

Theo đó, huyện Bắc Hà tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đồng bộ, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững; tập trung đầu tư các lĩnh vực hạ tầng trọng điểm then chốt, ưu tiên các dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn đảm bảo hạ tầng giao thông nông thôn.

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội của Bắc Hà đã có những chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; giá trị kinh tế trên 01 ha canh tác đạt gần 70 triệu đồng. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh và vượt mục tiêu đề ra, bình quân hằng năm đạt trên 8,43%; trong đó hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 9,7%/năm.

anh tin bai

Thị trấn Bắc Hà ngày nay (ảnh: baolaocai.vn)

Đặc biệt, năm 2023, huyện giảm được 1.268 hộ nghèo, đạt 9,16% và là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh. Thu nhập bình quân người dân trên địa bàn đạt 45,38 triệu đồng/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lao động được giới thiệu, giải quyết việc làm mới của huyện là gần 5.800 người; trong đó hỗ trợ gần 2.700 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Thời gian thực hiện chỉ tiêu để huyện Bắc Hà thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn không còn nhiều; vừa qua huyện Bắc Hà chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ bão số 3 (Yagi), một số chỉ tiêu có thể phải sang giai đoạn 2026 - 2030 mới thực hiện được như: thu nhập bình quân đầu người của hộ dân đạt 65 triệu đồng/người/năm; nâng cấp đường ô tô đến trung tâm xã đạt tối thiếu đường cấp VI miền núi; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt trên 60%; phát triển đô thị số, thông minh...

Khó khăn, thách thức còn nhiều, song cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà vẫn quyết tâm sớm đưa địa phương thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Để làm được điều này, Bắc Hà xác định cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; phân công đảng viên ở chi bộ thôn, bản, tổ dân phố giúp đỡ hộ nghèo; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển, nguồn lực cho giảm nghèo khu vực nông thôn; triển khai có hiệu quả các hợp phần của các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng./.

Hồng Minh
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1