Giai đoạn 2025 - 2027: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động ổn định
Theo Kế hoạch số 363/KH-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh, việc hỗ trợ DNNVV tổ chức triển khai thực hiện một cách cụ thể, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DNNVV là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Trong đó, nêu cao tinh thần đồng hành, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách. Nguyên tắc thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.
Đối tượng hỗ trợ trong năm 2025 và giai đoạn 2025 - 2027 là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.
Hỗ trợ DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ số để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hỗ trợ bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn đổi mới công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV (ưu tiên hình thức đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp); hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực (công nghiệp dệt may, da giày, điện tử, chế biến chế tạo); các ngành có lợi thế, tiềm năng (chế biến thực phẩm, chế biến nông sản). Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng cứng (mặt bằng sản xuất kinh doanh, điện, nước…) và hạ tầng mềm (cơ chế chính sách ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực) để đón đầu các doanh nghiệp trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn và năng lượng mới (hydrogen).
Hỗ trợ DNVV trong các ngành có lợi thế, tiềm năng (chế biến thực phẩm, chế biến nông sản) (Ảnh: LCĐT)
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước với 12 nhiệm vụ, giải pháp chính đó là:
(1) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đổi mới công tác truyền thông để thu hút sự tham gia của các DNNVV có nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.
(2) Hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh giảm lãi suất cho vay, nhất là khoản cho vay mới nhằm góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tham mưu có quy chế tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh.
(3) Hỗ trợ thuế, kế toán, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, phí, lệ phí theo quy định.
(4) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn, tư vấn thông tin đến các DNNVV có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm sản, thủy sản, dược liệu; bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung cho DNNVV phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
(5) Hỗ trợ về công nghệ: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ chế về hỗ trợ thông tin khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ. Triển khai hỗ trợ chính sách khuyến công, trong đó tập trung vào hỗ trợ máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì sản phẩm.
(6) Hỗ trợ chuyển đổi số: Đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số bao trùm, “chuyển đổi kép”. Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Tạo gian hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh (sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương…) lên các sàn Thương mại điện tử trong nước và quốc tế để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
(7) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống kết hợp phương thức điện tử. Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung tổ chức thường niên; Hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản; Hội nghị kết nối giao thương trực tiếp kết hợp với trực tuyến các địa phương của Trung Quốc; tổ chức tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại khác do nước ngoài tổ chức. Thường xuyên trao đổi thông tin với Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh và Hàng Châu (Trung Quốc), kết nối các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của hai bên.
(8) Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý: Tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp và các nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu; tăng cường tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; hướng dẫn, giải quyết các tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp; cung cấp, hướng dẫn thông tin đối với các DNNVV về các thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch, lao động, doanh nghiệp và đất đai, xuất nhập khẩu…
(9) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế…
(10) Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh: Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp; hỗ trợ miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; triển khai cơ chế hỗ trợ miễn lệ phí môn bài cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đối với DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định.
(11) Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo như: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo;…
(12) Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Khuyến khích và hỗ trợ DNNVV đầu tư phát triển sản xuất đối với 06 ngành hàng chủ lực và 02 lĩnh vực theo Nghị quyết số 10-NQ/TU. Nghiên cứu, dự báo, cập nhật thông tin liên quan đến sự biến động của thị trường thế giới và nhu cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Chú trọng phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp. Hướng dẫn các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định pháp luật.
Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2025 - 2027 là gần 9,7 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác./.