CTTĐT – Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn vừa ký ban hành văn bản hỏa tốc số 440/UBND-NLN ngày 21/7/2025 về việc tập trung ứng phó với thiên tai, mưa bão trên địa bàn tỉnh.
Hoàn lưu bão số 3 năm 2024 gây ngập úng, sạt lở, lũ quét tại nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai
Văn bản ghi rõ, thời gian qua, thời tiết tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất, ngập úng... đặc biệt, cơn Bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa bão gây ra, đạt kết quả quan trọng, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang đoàn kết một lòng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa bão, cứu được hàng nghìn người, cứu tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Trong năm 2025, theo nhận định từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, khu vực tỉnh Lào Cai, nhiều khả năng xuất hiện mưa lớn diện rộng, trong đó, có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đáng chú ý, ngày 19/7/2025, cơn bão số 3 năm 2025 có tên quốc tế Wipha đã di chuyển vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025 gây ảnh hưởng đối với nước ta, cường độ đạt cấp 10 - 12, giật cấp 15, từ ngày 21-23/7/2025, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của Bão số 3, khoảng 13h45’ ngày 19/7/2025, trên Vịnh Hạ Long, khu vực đảo Ti Tốp (tỉnh Quảng Ninh) tàu Vịnh Xanh 58, BKS: QN-7105 chở 46 hành khác và 03 thuyền viên bất ngờ bị lật khi đang tham quan tuyến 2 trên Vịnh Hạ Long do gặp giông lốc; tính đến 16h00’ ngày 20/7/2025, lực lượng chức năng đã cứu sống được 10 người, 35 nạn nhân tử vong, 04 nạn nhân mất tích.
Tính đến chiều 20/7/2025, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa vừa, vừa to, kèm theo gió rất mạnh, hậu quả cây cối đổ, gãy, sập nhà, tốc mái ở một số địa phương, cụ thể: Tại xã Nậm Có, cây xanh ven đường liên thôn do ảnh hưởng của gió lớn, bất ngờ đổ ngang, chạm vào đường dây điện. Tại xã Quy Mông, xảy ra mưa lớn, gió giật mạnh khiến 01 nhà gỗ bị sập, 02 nhà bị tốc mái, không có thiệt hại về người.
Trong khoảng 48 giờ đến 72 giờ tiếp theo, dự báo bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới khi vào sâu trong đất liền khu vực Bắc Bộ; tỉnh Lào Cai cũng nằm trong ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3. Từ ngày 21-23/7/2025, sẽ gây gió mạnh, mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ, lượng mưa dự báo trung bình từ 100mm đến 200mm, có nơi trên 300mm. Có khả năng rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá tại các khu vực vùng núi cao, ngập úng trên diện rộng tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng, thấp.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các xã, phường và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Đối với công tác tham mưu, chỉ đạo
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND cấp xã tập trung, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPT), Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm các Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các văn bản chỉ đạo về công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến của bão, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh bão hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra. Khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, khả năng cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, đặc biệt bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo quyết liệt, huy động tối đa lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng tham gia, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn (Thực hiện thường xuyên).
Công tác tuyên truyền
Các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để tuyên truyền đến người dân về tình hình mưa lũ và các biện pháp ứng phó bằng các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, thiết thực, hiệu quả: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền trên mạng, qua các phương tiện thông tin, đại chúng, qua hệ thống Loa phát thanh cơ sở...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bám sát tình hình diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các đơn vị thông tin, truyền thông tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Kịp thời thông tin tình hình mưa lũ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuyên truyền hướng dẫn người dân các kỹ năng nhận biết, phát hiện kịp thời những nơi có dấu hiệu sụt lún, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng… (vết nứt trên bề mặt đất, tường nhà, sườn đồi, cây cối nghiêng ngả rung chuyển, sự thay đổi của dòng chảy, âm thanh lạ trong lòng đất…) để chủ động phòng ngừa và thông báo ngay cho chính quyền cơ sở (Thực hiện thường xuyên).
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên, sinh viên, học sinh các cấp học kiến thức về thiên tai và biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn (Thực hiện thường xuyên).
Sở Xây dựng thực hiện tuyên truyền cho doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chú ý bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông tại những khu vực nguy hiểm, trong điều kiện thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện giao thông; cảnh báo chủ phương tiện phải chủ động kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chú ý rà soát các điểm nguy cơ để cắm biển, căng dây cảnh báo khu vực sạt lở, phối hợp tổ chức cấm đường, điều tiết, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân; bố trí lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tham gia cứu hộ, không để ách tắc giao thông kéo dài (Thực hiện thường xuyên).
Báo và Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai và các cơ quan thông tin tăng cường công tác truyền tin, phổ biến các thông tin dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, các chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (Thực hiện thường xuyên).
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động trong ứng phó với thiên tai; chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống, bảo vệ tài sản của gia đình; tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở (Thực hiện thường xuyên).
UBND các xã, phường chủ động nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai để chủ động cảnh báo, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động ứng phó. Tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân về nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Vận động người dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống bảo vệ tài sản của gia đình. Tuyên truyền hàng ngày trên HỆ THỐNG LOA PHÁT THANH CƠ SỞ LIÊN TỤC với thời lượng 30 phút/lần và tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, trước, trong và sau bão. Chú ý tuyên truyền hướng dẫn Nhân dân các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, chằng chống nhà cửa, nhận biết các dấu hiệu có thể sạt lở đất, lũ quét, lũ ống…; những kỹ năng cần thiết để bảo đảm an toàn (Thực hiện thường xuyên).
Xem chi tiết NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN; PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ TRONG ỨNG PHÓ BÃO SỐ 3; DỰ BÁO MỘT SỐ TÌNH HUỐNG VÀ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ tại đây: