Con đường tình nguyện
Lượt xem: 6834

                                                Lê Minh Thủy

- Cậu định làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp? Về quê chứ?

- Thưa thầy, em chưa nghĩ tới về quê, em tình nguyện đi miền núi một thời gian.

- Miền núi? Cậu đi đâu?

- Em có bạn làm ở bệnh viện huyện Bảo Thắng cách thành phố Lào Cai khoảng 30 cây số thầy ạ!

- À bệnh viện Bảo Thắng, tôi đã lên đó công tác và chuyển giao công nghệ, hiện tại ở đó tôi có học trò, tôi sẽ giới thiệu giúp cậu nếu cậu muốn.

- Dạ! Vâng ạ!

Mẩu đối thoại ngắn ngủi ấy với thầy Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cùng vòng tay bè bạn đã đưa tôi đến với huyện miền núi Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Từ giã quê hương, tạm biệt cha mẹ già và người vợ mới cưới tôi háo hức lên đường ra Hà Nội để từ đó ngược hướng Tây Bắc đi tìm chân lý và hành trang cuộc đời cho mình. Cả đêm vật vã trên chiếc xe đò, lòng bồi hồi khôn tả bởi đây là lần đầu tiên tôi “du ngoạn” lên tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng nổi tiếng cả nước với “đặc sản” là khu nghỉ mát Sa Pa, lại suy nghĩ mông lung về con người và công việc tại môi trường mới của mình? Xe ầm ì leo dốc, tôi gà gật rồi chợp mắt lúc nào không hay. Bỗng. Chiếc xe dừng bánh đột ngột. Tôi choàng tỉnh, trời còn nhá nhem. Tiếng bác tài vang lên:

- Tắc đường, mời bà con xuống xe nghỉ ngơi!

Mọi người lao xao xuống xe. Phía trước là hàng dài xe ô tô các loại đứng chờ không biết từ bao giờ. Đứng bên vệ đường, từng cơn gió lạnh thổi tung mái tóc bờm xờm, luồn hơi lạnh vào lần áo khoác, tôi vừa xuýt xoa lạnh vừa ngắm khung cảnh mờ mờ ảo ảo. Phía trước là sườn núi đang được bạt phẳng, xa xa núi rừng trùng điệp, màu xanh thẫm nhập nhòa trong màn sương giăng giăng...

“Chú à, do tắc đường, theo như bác tài nói là mới qua Phố Ràng 20 cây nên cháu đến muộn, cũng chẳng biết được khi nào thông đường. Chú thông cảm cho cháu.” – Tôi dè dặt gọi điện cho Giám đốc bệnh viện. “Vậy à, ở đâu chú cho xe đến đón” – Hơn một tiếng đồng hồ sau, khi mọi người đang oải mình bởi vụ tắc đường quá lâu, chợt điện thoại rung. Số máy lạ... và sau cuộc gọi của “số máy lạ” ấy chưa đầy 15 phút, một người còn trẻ len lỏi đến bên chiếc xe khách, tìm tôi: ” Anh là Cương -  Phó Giám đốc viện Bảo Thắng. Theo anh ra xe! Anh đi đón chú về theo ý kiến chỉ đạo của Giám đốc!”.

Ngồi trên chiếc xe của bệnh viện, nỗi xúc động ùa về tràn ngập trong tôi. Thịnh tình của Ban Giám đốc đã nhen lên trong lòng tôi một niềm tin lớn lao. Ở đâu biết quan tâm trọng dụng nguồn nhân lực thì nơi đó biết yêu quý và trân trọng con người. Mọi mệt mỏi trong đêm bay biến, tôi hào hứng ngắm cảnh ven đường. Rừng núi xanh thẳm, làng bản thấp thoáng xa xa... bức tranh phong cảnh miền núi thật đặc sắc.

Xe đã về đến Bệnh viện. Tiếp tôi là một người tầm thước, khuôn mặt rắn rỏi đầy nghị lực, mái tóc đã chớm bạc. Điều làm tôi bất ngờ khi người đó giới thiệu:

- Tôi là bác sĩ Hà Duy Bình - Giám đốc bệnh viện, rất hân hạnh và vui mừng vì đồng chí về với đại gia đình chúng tôi".

Chất giọng miền Trung dù đã phai nhòa nhưng để lại trong tôi một nỗi niềm. Không chỉ mình tôi xa quê hương mà còn có những bậc tiền bối đi trước khai sáng. Vậy là mình không lẻ loi. Và như Giám đốc nói, Bệnh viện, cơ quan là một “gia đình”, mình về đây cũng là hòa nhập với đại gia đình đó. Thái độ nhiệt tình của Ban Giám đốc và không khí chân tình cởi mở của cán bộ nhân viên bệnh viện đã làm tôi xúc động. Giám đốc giới thiệu sơ qua với tôi về Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng. Đây là bệnh viện đã đạt danh hiệu Xuất sắc toàn diện trong 13 năm liên tục, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2005) hạng Nhì (2010). Ngoài Bệnh viện trung tâm tại thị trấn Phố Lu còn có ba Phòng khám đa khoa khu vực, trên tổng số 223 cán bộ, trong đó có 22 bác sĩ. Lượng bệnh nhân trung bình là 250, khi cao điểm lên đến 360 bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 140% - 160 %. Trong mục tiêu ngắn, Bệnh viện sẽ phấn đấu là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, mục tiêu xa phấn đấu lên Bệnh viện hạng 2, nếu có thể là một Bệnh viện đa khoa khu vực

Nghe Giám đốc Hà Duy Bình sơ lược vài nét như vậy, tôi chỉ biết lắng nghe và thầm thán phục sự vươn lên vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm của bệnh viện. Thực mục sở thị khoa ngoại, nội, tôi càng thấy cái khó khăn cũng như sức thu hút của bệnh viện. Chỉ những bệnh nhân nặng hay hậu phẫu mới được biên chế 1 người 1 giường, còn lại 2 đến 3 người một giường, cảnh tấp nập như những bệnh viện lớn, người ôm tay, kẻ ôm bụng, người xuýt xoa, thật là muôn hình vạn trạng. Không biết rồi đây mình có hoàn thành công việc được giao không? Sự lo lắng bắt đầu len vào lòng tôi...

Thời gian thấm thoắt qua nhanh. Ngày nối ngày chìm trong bận rộn với bệnh nhân. Môi trường mới cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của anh chị em trong khoa, sự quan tâm của lãnh đạo Bệnh viện đã dần tôi luyện thử thách một chàng đoàn viên thanh niên “kiêm” tân sinh viên y khoa như tôi vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu. Để rồi, sau mỗi ca làm việc, ngắm bệnh nhân thiêm thiếp ngủ, nhìn những nét lo âu của người nhà họ giãn ra, tôi lại thấy mọi căng thẳng bay biến. Niềm vui và hạnh phúc nghề nghiệp dâng trào. Từ con đường tình nguyện ban đầu của tuổi trẻ háo hức đi và khám phá đã dẫn tôi bước hẳn vào cái nghề hết sức nhân văn trị bệnh cứu người này. Và tôi tự nhận thấy mình phải học tập để hoàn thiện, xứng đáng với niềm tin của bệnh viện Bảo Thắng - gia đình thứ hai của tôi!

 

  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1