Theo đó, đối tượng áp dụng là: (1) Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa và (2) Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc quản lý đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; quản lý việc xây dựng và sử dụng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa.
Phạm vi điều chỉnh gồm: (1) Loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi trên đất trồng lúa, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo Điều 6 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ; (2) Diện tích, vị trí, mục đích sử dụng của công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ.
Cây trồng lâu năm được phép chuyển đổi trên đất trồng lúa
Các loại cây trồng lâu năm được phép chuyển đổi trên đất trồng lúa gồm:
Cây ăn quả: Mận, Đào, Lê, Cam, Quýt, Chanh, Bưởi, Ổi, Na, Hồng, Nho, Nhãn, Vải, Thanh Long, Mít, Táo, Xoài, Bơ, Hồng Xiêm.
Cây công nghiệp: Chè.
Cây dược liệu: Tam thất, Đinh lăng.
Cây hoa, cây cảnh: Hoa hồng, Cây đào cảnh, Nhất chi mai.
Công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa
Tổng diện tích xây dựng công trình chiếm tối đa 0,1% diện tích khu đất sản xuất lúa và không vượt quá 1.000 m2. Công trình được xây dựng ở 01 vị trí hoặc nhiều vị trí khác nhau trong khu vực đất sản xuất lúa.
Công trình được sử dụng cho 01 hoặc nhiều mục đích khác nhau: Phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản; kho chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động; trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Công trình sau khi xây dựng và sử dụng, nếu không còn nhu cầu sử dụng hoặc do nguyên nhân khách quan không sử dụng được nữa thì phải thực hiện tháo dỡ, cải tạo và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, đồng thời đảm bảo các điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân lựa chọn cây trồng lâu năm thực hiện chuyển đổi đảm bảo hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa.
Trường hợp các cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 15/2025/QĐ-UBND có sự thay đổi về tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp thẩm quyền thì cơ quan thực hiện là cơ quan hình thành sau sáp nhập.
Ngoài các quy định tại Quy định này, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng lâu năm trên đất trồng lúa và xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa phải đảm bảo các quy định tại Điều 6, Điều 9 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP và quy định pháp luật hiện hành./.