Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai tháng 12 và cả năm 2023
Lượt xem: 5952

I. Phát triển kinh tế

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn

Năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thời tiết diễn biến cực đoan ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước, mưa lũ; giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, trong khi giá bán sản phẩm thấp và không ổn định,... Tuy nhiên, với việc thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nên tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn duy trì và phát triển khá. Cụ thể kết quả một số lĩnh vực như sau:

a) Trồng trọt:

- Sản xuất lương thực đảm bảo, diện tích, năng suất sản lượng đều đạt kế hoạch giao: Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 330.450 tấn (thóc 189.640 tấn, ngô 140.810 tấn), đạt 101,2% KH và 97,6% CK.

- Các cây trồng chủ lực hàng hóa theo Nghị quyết 10-NQ/TU, cây trồng tiềm năng được quan tâm chỉ đạo phát triển, diện tích, sản lượng đạt kế hoạch đề ra, giá trị từng bước nâng lên. Cây dược liệu: Tổng diện tích duy trì và trồng mới năm 2023 đạt 890 ha đạt 100% KH. Cây chè: Trồng mới lũy kế đạt 798,8 ha đạt 75,7 % KH, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tổng sản lượng thu hoạch chè búp tươi năm 2023 đạt 44.540 tấn, đạt 109,2% KH (40.790 tấn) và 113,6% CK (39.155 tấn). Tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán đạt 8.000đ/kg. Cây dứa: Diện tích dứa năm 2023 ước đạt 2.200 ha, diện tích cho thu hoạch 1.502ha, sản lượng cả năm ước đạt 41.900 tấn. Cây trồng vụ Đông: Tổng giá trị sản xuất các cây trồng vụ Đông toàn tỉnh ước đạt trên 417 tỷ đồng, giá trị bình quân trên ha đất canh tác đạt trên 97 triệu đồng.

b) Chăn nuôi - Thủy sản:

- Chăn nuôi đại gia súc và gia cầm phát triển tương đối ổn định. Sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh. Tổng đàn gia súc thực hiện 610.600 con, đạt 100,43% KH (trong đó đàn lợn 443.000 con); tổng đàn gia cầm lũy kế 5.155 nghìn con, đạt 101,1% KH năm; sản lượng thịt hơi thực hiện lũy kế 72.000 tấn, đạt 103,90% KH.

- Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được quan tâm tập trung chỉ đạo, khoanh vùng dập dịch hạn chế thấp nhất thiệt hại; thực hiện các giải pháp quyết liệt ngăn chặn và chống dịch tích cực đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dại chó.

- Thuỷ sản duy trì tốt cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ thực hiện 2.300 ha, đạt 100% KH năm; sản lượng thủy sản các loại thực hiện lũy kế 12.300 tấn, đạt 100,8% KH năm.

c) Lâm nghiệp:

Kinh tế lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực, thu nhập từ rừng được tăng lên; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tổ chức thường trực 24/24h trong những ngày thời tiết khô hanh kéo dài, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động trong công tác ứng cứu, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất nếu có xảy ra cháy rừng. Từ đầu năm đến nay xảy ra 15 vụ cháy rừng, thiệt hại 45,792 ha (rừng trồng 28,872 ha, rừng tự nhiên 16,92 ha)...

Hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5%. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, rừng được quản lý bảo vệ tốt, chất lượng rừng ngày càng tăng: Cả năm trồng được 5.172,52 ha; trong đó trồng mới rừng sản xuất 3.974,44 ha/3.000 ha (đạt 132,48% KH), trồng rừng thay thế chuyển mục đích 38,09 ha, trồng lại rừng 1.159,99 ha. Trồng cây xanh phân tán: Lũy kế 2.039.198/2.000.000 cây, đạt 101,96% KH. Khai thác gỗ 97.715,4 m3; Khai thác lâm sản khác 45.596,30 tấn.

d) Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới:

- Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay toàn tỉnh có 02/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020). Toàn tỉnh có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 05 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. UBND cấp huyện đã công nhận 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới.

- Phát triển nông thôn: Kết cấu hạ tầng nông thôn được ưu tiên đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm toàn tỉnh thành lập được 30 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh là 296 HTX, tăng 23 HTX so với năm 2022 (trong đó có 213 HTX đang hoạt động, 77 HTX ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động 6 HTX, giải thể 10 HTX). Toàn tỉnh hiện có 336 tổ hợp tác nông nghiệp theo tiêu chí quy định tại Nghị định 77/2019/NĐ-CP. Tổng số trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT là 146 trang trại (trong đó có 139 trang trại chăn nuôi, 04 trang trại nuôi trồng thủy sản và 02 trang trại tổng hợp, 01 trang trại lâm nghiệp); 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thực hiện hiệu quả, đến nay có 197 sản phẩm OCOP, vượt 80% so với KH.

đ) Sắp xếp dân cư, thủy lợi:

- Sắp xếp dân cư: Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư được các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên tiến độ thực hiện rất chậm. Tính đến thời điểm báo cáo, lũy kế đến nay đã sắp xếp bố trí ổn định được 89 hộ, gồm: Sắp xếp xen ghép 67 hộ, ổn định tại chỗ 22 hộ. Toàn tỉnh hiện có 101.200 máy thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Thủy lợi: Công tác đầu tư cho các công trình thủy lợi mới được ngành nông nghiệp đầu tư có trọng tâm, ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm, cấp thiết, đồng thời đã chú trọng đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy nông, do vậy nhiều công trình được nâng cấp, tu sửa, khôi phục lại để tăng hiệu ích tưới tiêu phục vụ sản xuất kịp thời vụ. Toàn tỉnh hiện có 107 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích hơn 10 triệu m3; tổng chiều dài kênh mương 4.826,84 km các loại, 2.558 đầu mối thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới chủ động cho 98,72% tổng diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp vụ Đông - Xuân năm 2022 - 2023 và tưới chủ động cho 87,5% tổng diện tích vụ Mùa. Toàn tỉnh hiện có 834 công trình các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 96,5%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch ước đạt 45%.

e) Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn:

- Diễn biến thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh phức tạp, khó lường, cực đoan gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của nhân dân. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra tổng số 25 đợt thiên tai (6 đợt rét hại, sương muối kèm theo mưa phùn; 16 đợt dông lốc kèm theo mưa đá, mưa lớn cục bộ; 03 đợt nắng hạn); đặc biệt xảy ra 03 trận mưa rất to gây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng tại các địa bàn huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa... Ngoài ra có các đợt nắng nóng, ít mưa đã gây hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt. Tổng thiệt hại về kinh tế do các đợt thiên tai gây ra 1.119,2 tỷ đồng, tăng 963,363 tỷ so CK năm 2022.

- Công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai được chủ động thực hiện. Các địa phương đã chủ động và tích cực khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, hạn hán; các công trình hạ tầng, nhà ở bị thiệt hại và các thiệt hại khác. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đề xuất cơ chế chung để thống nhất chỉ đạo hỗ trợ nhân dân phần diện tích lúa, ngô bị ảnh hưởng do hạn hán với kinh phí khoảng 6,7 tỷ đồng. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục bằng việc thực hiện lồng ghép trong các chương trình MTQG, kế hoạch đầu tư công của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản

a) Sản xuất công nghiệp:

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào còn ở mức cao; thiếu nguyên liệu sản xuất; một số sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao; Nhà máy gang thép Việt - Trung chưa hoạt động trở lại; một số đơn vị gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thực hiện các dự án,... mặt khác do ảnh hưởng của El-Nino, những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không có mưa lớn nên mực nước ở các hồ chứa xuống thấp không đủ phục vụ các nhà máy thủy điện, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như ngành điện… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp, vì vậy kết quả sản xuất đạt được chưa cao.

Trên địa bàn tỉnh có 72 dự án thủy điện hoàn thành phát điện (tăng 02 dự án so với năm 2022) với tổng công suất lắp máy 1.138,85MW Tính đến thời điểm báo cáo đã triển khai hoàn thành cấp điện cho 85/87 thôn bản, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,6%.

Toàn tỉnh có 06 cụm công nghiệp, trong đó thành phố Lào Cai có 03 cụm công nghiệp hoạt động ổn định; 02 cụm công nghiệp đang được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 01 cụm công nghiệp Bát Xát mới được thành lập và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Tổng số có 146 dự án hoạt động trong các cụm.

Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 12 ước đạt 3.821 tỷ đồng, bằng 106,87% so với CK năm 2022. Lũy kế năm 2023 ước đạt 42.564 tỷ đồng, bằng 83,3% KH, giảm 7,61% so cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tháng 12 ước đạt 373 tỷ đồng, Lũy kế năm 2023 ước đạt 4.481 tỷ đồng, đạt 101,1% so với KH, tăng 12,44% so CK năm 2022.

b) Xây dựng cơ bản:

- Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá xăng dầu luôn bất ổn và giá vật liệu tăng cao, tuy nhiên nhiều hạng mục công trình sử dụng vốn nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, dân cư vẫn được triển khai thực hiện. Hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa; các Quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng đoạn từ đô thị thành phố Lào Cai đến đô thị Phố Lu, Quy hoạch chung xây dựng dọc sông Hồng kết nối đô thị Phố Lu với đô thị Bảo Hà - Tân An, quy hoạch chung đô thị Bảo Nhai, huyện Bắc Hà; các Quy hoạch phân khu xây dựng thuộc khu vực trung tâm thị xã Sa Pa (05 phân khu) và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chất 5 lượng thực hiện các quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm cụ thể hóa các quy hoạch chung được duyệt. Đồng thời, tập trung đôn đốc, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm: Cảng hàng không Sa Pa, Cầu biên giới tại xã Bản Vược; Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; Cầu Làng Giàng...; khởi công một số dự án như: Cầu Phú Thịnh, Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát; Cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến QL70... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 10 tháng năm 2023 ước đạt 37.500 tỷ đồng, đạt 70,8% KH, tăng 19% so với CK; ước cả năm đạt 53.000 tỷ đồng, bằng 100%KH, tăng 17,8% so CK.

- Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo triển khai quyết liệt, nhờ vậy kết quả đạt được khá tích cực: (1) Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo số vốn thực tế đã phân bổ chi tiết cho các dự án đạt: 5.632 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 4.899/5.632 tỷ đồng (tăng 1.245 tỷ đồng và tăng 23 điểm % so với cuộc họp thường kỳ tháng 11/2023), bằng 87%KH. (2) Đối với Kế hoạch vốn năm 2023 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 5.341 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 5.240 tỷ đồng, bằng 98% KH. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước kết quả giải ngân đến hết tháng 12/2023 tỉnh Lào Cai hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với kết quả nêu trên, đến hết năm 2023, Lào Cai đứng thứ 12/63 các tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đến hết tháng 12 đạt 73,5%KH).

3. Thương mại, dịch vụ

a) Hoạt động thương mại:

Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại trong năm diễn ra khá sôi động, hàng hóa được lưu thông, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của đời sống của Nhân dân trong tỉnh, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá ở tất cả các mặt hàng. Với nhiều sự kiện văn hoá, thương mại nổi bật trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Đền Thượng; Lễ hội Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2023; Lễ hội Đền Bảo Hà năm 2023; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè năm 2023; Giải đua ngựa truyền thống mở rộng lần thứ 16; Giải bóng chuyền nữ VTV Cup năm 2023 và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại lớn nên đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến với Lào Cai. Do vậy, mức tăng trưởng lĩnh vực thương mại năm 2023 tăng khá cao so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2023 ước đạt 39.100 tỷ đồng, tăng 13,7% so KH được giao và tăng 21,9% so với CK năm trước. Cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư phát triển và ngày càng được mở rộng: trên địa bàn tỉnh hiện có 71 chợ đang hoạt động; 09 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 94 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 312 cửa hàng kinh doanh khí LPG, cơ sở hạ tầng thương mại đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sản xuất của Nhân dân trong tỉnh.

b) Hoạt động xuất nhập khẩu:

Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù phía Trung Quốc khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu, lối mở biên giới. Bên cạnh đó các ngành chức năng cũng đã cố gắng thường xuyên thực hiện công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tuy nhiên do cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu và hạ tầng giao thông kết nối với các Trung tâm lớn của cửa khẩu cũng như việc áp dụng chính sách cư dân biên giới của Quảng Tây (Trung Quốc) thuận lợi hơn so với Hà Khẩu (Trung Quốc) nên các doanh nghiệp vẫn lựa chọn xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây (thanh long, xoài, mít, dưa hấu, sầu riêng..) qua các cửa khẩu Bằng Tường (Lạng Sơn), Đông Hưng (Quảng Ninh); lưu lượng hàng hóa thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19, giá trị xuất nhập khẩu không đạt KH như kỳ vọng. Các mặt hàng chiếm tỷ lệ lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu như phốt pho vàng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu (từ 5 - 7 lần).

Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 12 ước đạt 213,22 triệu USD, tăng 22 % so với tháng 11/2023, giảm 4,2% so với CK 2022. Luỹ kế hết năm 2023 đạt 2.134,4 triệu USD (giảm 6,8% so với CK 2022), đạt 42,69% so KH được giao.

c) Công tác quản lý thị trường:

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không có diễn biến phức tạp, không phát sinh điểm nóng, vụ việc nổi cộm. Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình thị trường, địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an trong việc trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó đã kịp thời bắt giữ, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm... Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thực phẩm (thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến sẵn), bánh kẹo, dược liệu, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Trong năm, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 1.163 vụ, trong đó số vụ vi phạm, xử lý 900 vụ; tổng giá trị xử lý 12.243 triệu đồng; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 6.892 triệu đồng; tổng trị giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là 1.596 triệu đồng.

d) Du lịch:

Năm 2023, du lịch Lào Cai tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ (lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5, 02/9 của Lào Cai đều xếp top đầu cả nước). Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa bản sắc dân tộc được đưa vào khai thác; các hoạt động sự kiện tiêu biểu được tổ chức như: Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup năm 2023; Giải Marathon vượt núi quốc tế, Giải đua xe đạp, Giải Leo núi, Giải đua xe địa hình Offroad Challenger,... Cùng với đó các hoạt động lễ hội được tổ chức dàn đều trong năm: Lễ hội hoa hồng (Sa Pa), Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lễ hội Đền Bảo Hà (Bảo Yên); Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu”; Lễ hội mùa thu Bát Xát,... Đặc biệt tổ chức thành công Chương trình 120 năm Du lịch Sa Pa đã khẳng định được vị thế của du lịch Sa Pa với bề dày 120 năm phát triển, vị thế của Khu du lịch Quốc gia - trọng điểm du lịch của Việt Nam, qua đó tạo sức hút của Lào Cai đối với du khách.

Công tác quản lý nhà nước được các địa phương quan tâm, nguồn nhân lực du lịch được quan tâm nâng cao chất lương, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Trong tháng 12 tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 344.060 lượt khách (trong đó khách quốc tế 67.762 lượt, khách nội địa 276.298 lượt), giảm 18,8% so với tháng trước (423.525 lượt khách); tổng thu từ khách du lịch tháng 12 đạt khoảng 1.098 tỷ đồng, giảm 15,8% so với tháng trước (1.304 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2023, lượng khách du lịch đạt 7.261.581 lượt; trong đó khách du lịch nội đị 6.722.868 lượt, khách quốc tế 538.713 lượt (khách đi trong ngày là 3.041.412 lượt, khách lưu trú qua đêm là 4.220.168 lượt), tăng 71% so với lũy kế CK năm 2022 (4.238.91 lượt), đạt 121% so với KH năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng đạt 22.244 tỷ đồng, tăng 48,9% so với lũy kế CK năm 2022 (14.940 tỷ đồng), đạt 108,5% so với KH năm 2023.

đ) Hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách:

Năm 2023, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng khá; tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải, hạ tầng giao thông phát triển thuận lợi, các tuyến Quốc lộ trong tỉnh, các tuyến giao thông đường bộ nội tỉnh được nâng cấp, giúp cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ổn định và phát triển; đặc biệt là hoạt động cáp treo Fansipan hoạt động có nhiều khởi sắc, vì vậy hoạt động kinh doanh vận tải đạt mức tăng khá so với năm trước.

Vận tải hành khách (HK): Tháng 12 ước đạt 921 nghìn HK, tăng 0,44% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 42.230 nghìn HK.Km, tăng 5,41%. Tính chung cả năm 2023, vận tải HK đạt 11.718 nghìn HK, tăng 46,22% so với năm trước; luân chuyển đạt 559.778 nghìn HK.Km, tăng 59,53%. Vận tải hàng hóa: Tháng 12 ước đạt 1.542 nghìn tấn, tăng 27,97% so với CK năm trước; luân chuyển đạt 55.986 nghìn tấn.km, tăng 9,56%. Tính chung cả năm 2023, vận tải hàng hóa đạt 15.721 nghìn tấn, tăng 29,93%; luân chuyển đạt 588.435 nghìn tấn.km, tăng 9,56% so với năm 2022.

Doanh thu vận tải: Tổng doanh thu vận tải tháng 12 ước đạt 490,97 tỷ đồng, tăng 12,87% so với CK 2022. Tính chung cả năm 2023, tổng doanh thu vận tải đạt 5.791,59 tỷ đồng, tăng 38,40% so với năm 2022.

e) Dịch vụ bưu chính, viễn thông:

Toàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính chuyển phát (giảm 01 doanh nghiệp so với CK), toàn mạng lưới có 91 bưu cục, 01 đại lý, 128 điểm bưu điện văn hóa xã và 12 điểm phục vụ hình thức khác đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 điểm phục vụ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân. 112 tuyến đường thư, 136/152 xã, phường, thị trấn có báo đến trong ngày (bằng so CK). Đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ bưu chính và đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển phát thư, báo, công văn, tài liệu, bưu phẩm, bưu kiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn mạng bưu chính và an ninh thông tin trong lĩnh vực bưu chính.

Tỉnh Lào Cai Có 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mạng lưới hạ tầng viễn thông, Internet rộng khắp phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân góp phần xóa nhiều vùng lõm sóng, chưa có hạ tầng. Hạ tầng viễn thông, Internet phát triển rộng khắp với 2.936 trạm BTS lắp đặt tại 1.336 vị trí, 956 tuyến truyền dẫn (trong đó có 77 tuyến cáp ngầm; 879 tuyến cáp treo) đảm bảo 1.548/1.562 (~99%) trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G (còn 14 thôn chưa có 3G, 4G, giảm được 38 thôn so với CK); 1.337/1.562 (~85,6%) thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet (còn 225 thôn chưa có hạ tầng cáp quang, giảm được 98 thôn so với CK); đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cho 817.281 thuê bao điện thoại và 634.129 thuê internet băng rộng; 109.135 gia đình ~ 57% tổng số hộ có kết nối Internet cáp quang.

4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường

a) Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 tính đến ngày 31/12/2023: lũy kế đạt 9.399 tỷ đồng, đứng thứ 3/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc (sau các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang), bằng 110% dự toán Trung ương, bằng 78,3% dự toán tỉnh giao, bằng 90,4% CK. Gồm: Thu nội địa 8.201 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán Trung ương, bằng 85% dự toán tỉnh giao, bằng 94,6% CK; Thu từ xuất nhập khẩu 1.198 tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán Trung ương, bằng 51% dự toán tỉnh giao, bằng 69,4% CK.

Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến 31/12/2023 đạt 22.858 tỷ đồng, bằng 146,2% dự toán Trung ương giao, bằng 125,8% dự toán tỉnh giao và bằng 107,8% CK năm 2022.

b) Hoạt động tín dụng:

Huy động vốn trên địa bàn ước đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với 31/12/2022, đạt 115,5% KH tăng trưởng; đáp ứng được 81,1% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Doanh số cho vay tháng 12 ước đạt 9.000 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2023 ước đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2022, doanh số thu nợ ước đạt 89.174 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2022. Tổng dư nợ ước đạt 55.500 tỷ đồng, đạt 120,7% kế hoạch tăng trưởng; Dư nợ cá nhân đạt 37.000 tỷ đồng, chiếm 66,7%; Dư nợ doanh nghiệp đạt 18.500 tỷ đồng, chiếm 33,3%.

Chất lượng tín dụng: Đến 31/12/2023, Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ khoảng 1,19%, tăng 0,26 điểm % so với cuối năm 2022, trong tầm kiểm soát đảm bảo an toàn.

c) Chỉ số giá tiêu dùng:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,11% so với cùng tháng năm trước; bình quân 12 tháng, CPI tăng 0,95% so với bình quân CK năm 2022.

5. Thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế

a) Thu hút dự án đầu tư:

Thu hút đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh, UBND tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư.

- Về thu hút FDI: Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 28 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,84 triệu USD; các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ, các dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, quy mô nhỏ; tập trung chủ yếu tại các Khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn - là các địa phương có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch. UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác mời gọi chuẩn bị đầu tư đối với Dự án đầu tư dự án “Nhà máy điện sinh khối Lào Cai” với công suất lắp đặt 50MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 100 triệu USD.

- Về dự án đầu tư trong nước: Lũy kế đến tháng 12/2023 cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 6.325 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án lớn như: Dự án tổ hợp dịch vụ - thương mại kết hợp nhà ở cao tầng tại đường Hoàng Liên; dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai; dự án Nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội bờ tả sông Hồng; dự án Dự án may mặc Korea vina tại khu công nghiệp Đông Phố mới...

b) Các thành phần kinh tế:

- Kinh tế tư nhân: Tính từ đầu năm đến nay, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 665 doanh nghiệp và 57 đơn vị trực thuộc (tăng 2,5% so với CK); tổng vốn đăng ký đạt 6.525 tỷ đồng; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 569 doanh nghiệp (tăng 23,4% so CK); giải thể 96 doanh nghiệp (tăng 23,1% so với CK); hoạt động trở lại 304 doanh nghiệp. Lũy kế đến thời điểm báo cáo, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.317 doanh nghiệp (tăng 10,2% so với CK) với tổng vốn đăng ký 96.377 tỷ đồng; Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 901 đơn vị trực thuộc (tăng 6,9% so với CK). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.881 doanh nghiệp.

- Kinh tế tập thể: Năm 2023, khu vực KTTT, HTX phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh (số lượng HTX, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của lao động đều tăng hơn năm trước). Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có: 3.958 tổ hợp tác với 47.495 thành viên tham gia và 502 HTX, tăng 6,1% so với CK với 7.483 thành viên, tăng 4,2% so với CK (mới gia nhập 308 thành viên). Mặc dù có đóng góp quan trọng vào GRDP, nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực HTX còn thấp; vai trò lớn nhất của khu vực HTX là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên (chủ yếu khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình). Năm 2023, thành lập mới 01 Liên hiệp HTX với 06 thành viên; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 03 Liên hiệp HTX đang hoạt động với 18 HTX thành viên, đạt 100% so với KH.

- Kinh tế nhà nước: Hiện nay, tỉnh Lào Cai quản lý 05 doanh nghiệp nhà nước; trong đó: 03 Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước; 02 Công ty Cổ phần có vốn nhà nước. Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/202111 và Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/202212 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 như sau: (1) Duy trì Công ty TNHH MTV giai đoạn 2022 - 2025: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Lào Cai (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ); (2) Giữ nguyên phần vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025: Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Lào Cai (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 92,09%); Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị tỉnh Lào Cai (tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 51%); (3) Riêng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn thực hiện theo các quy định khác của Trung ương.

II. Văn hoá, xã hội

1. Hoạt động giáo dục

Công tác giáo dục được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể:

- Quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường lớp tiếp tục cơ bản phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ thống trụ cột của sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

- Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có bước tiến bộ vững chắc, dần được khẳng định và rõ nét cả ở vùng thấp và vùng cao. Chú trọng giáo dục toàn diện, rèn kỹ năng sống, lý tưởng, hoài bão cho học sinh, gắn giáo dục hội nhập với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Công tác phối hợp với các đơn vị ngoài ngành trong công tác xây dựng môi trường giáo dục; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh rất chặt chẽ và đạt hiệu quả. Giáo dục mầm non có nhiểu chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cả ở công lập và tư thục được quan tâm. Giáo dục Tiểu học có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rất rõ rệt. Chất lượng giáo dục THCS, THPT vững chắc hơn; tỷ lệ học sinh chưa đạt chuẩn về kiến thức giảm, học sinh khá, giỏi tăng. Chất lượng thi học sinh giỏi, thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế tiếp tục được duy trì giữ vững và nâng dần chất lượng giải.

- Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh; xây dựng xã hội học tập. Đến nay, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Nhiều trường học vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1%. Tích cực chỉ đạo triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tính đến hết 10 tháng năm 2023 có 398 trường, đạt 66,1% (tăng 8 trường, tăng 2,05% so với năm 2021), ước thực hiện hết năm 2023 đạt 67,2%, đạt 100% KH.

- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục có nhiều đổi mới mạnh mẽ, tương đối sâu sắc và tỏ rõ quyết tâm cao trong quá trình thực hiện.

- Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục của Lào Cai.

2. Hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao

- Lĩnh vực văn hoá: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng Nhân dân trở lại rầm rộ nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Các lễ hội văn hóa dân gian dần được tổ chức thường xuyên trên phạm vi lớn, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh cho nhân dân trong và ngoài tỉnh đồng thời góp phần tăng cường đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của tỉnh. Có thể nói, năm 2023, ghi nhận sự bùng nổ trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai với nhiều chương trình văn hóa ấn tượng. Chiến lược ngoại giao văn hóa đã được cụ thể hóa thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động tham gia các sự kiện văn hóa của trung ương, góp phần quan trọng quảng bá văn hóa, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và phát triển giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh, thành trong cả nước và đều đạt thành tích cao. Tập trung tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được đẩy mạnh; Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Lào Cai hằng năm. Các hoạt động phục vụ văn hóa cơ sở tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện: các đội tuyên truyền lưu động thực hiện được 975/975 buổi, đạt 100% KH; hoạt động thư viện cấp 4.960/4.700 thẻ, đạt 106% KH giao; tổ chức biểu diễn hoạt động chuyên nghiệp 91/70 buổi phục vụ các sự kiện trong, ngoài tỉnh cũng như phục vụ tại cơ sở, đạt 130% KH.

- Hoạt động thể thao: Các hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh được liên tục tổ chức với sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân, số lượng người tham gia các giải thể thao trung bình cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với những năm trước, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, thể lực, tầm vóc con người Việt Nam. Đến 31/12/2023, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt khoảng trên 37%; số hộ gia đình thể thao đạt trên 21%; khoảng trên 1.000 câu lạc bộ thể dục thể thao (trong đó có trên 300 CLB hoạt động nhiều môn)...

Thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư, đạt kết quả tương đối tốt. Tiếp tục duy trì đào tạo đối với 240 VĐV (30 VĐV đội tuyển cấp tỉnh, 75 VĐV đội tuyển trẻ, 135 VĐV đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh). Tính đến thời điểm báo cáo, các VĐV tỉnh Lào Cai đã tham gia 36/36 giải thể thao trong nước và khu vực, đạt 100% KH; giành 206/85 huy chương các loại, đạt 242,3% KH. Đặc biệt, lần đầu tiên Lào Cai đăng cai tổ chức Giải Bóng chuyền nữ Quốc tế VTV Cup - Giải đấu mang quy mô quốc tế, thành công của giải không chỉ tạo thương hiệu để Lào Cai tự tin tiếp tục đăng cai các giải đấu thể thao lớn trong nước và quốc tế, mà còn góp phần tích cực quảng bá hình ảnh Lào Cai tới bạn bè trong và ngoài nước.

3. Y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

- Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19: Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế; quán triệt việc đeo khẩu trang, khử khuẩn đúng qui định; kiểm soát dịch hiệu quả; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch, không để bất ngờ, bị động. Năm 2023 mắc mới: 2.858 ca (tử vong 0), lũy kế ca mắc toàn tỉnh: 189.228 ca (lũy kế tử vong 40). Ngày 19/10/2023 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Vi rút Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Tiêm chủng phòng COVID-19: Tổng số liều vắc xin đã nhận: 2.412.668, tổng số mũi đã tiêm: 2.371.996, trong đó: Trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm 2 mũi 113.561 trẻ (94,5% trẻ); người từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 mũi 85.336 (đạt 98,13%). Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi 481.092 (đạt 99,4%), mũi 3 424.844 người (chiếm 97,87%), mũi 4 248.494 (chiếm 99,52%).

- Quản lý chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, một số bệnh như tiêu chảy, quai bị... xảy ra rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố được giám sát phát hiện, điều trị kịp thời. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đúng kế hoạch, an toàn, không có tai biến xảy ra. Duy trì truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99/152 xã, phường, thị trấn.

- Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Duy trì tốt các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận cho cơ sở kinh doanh. Tính đến hết tháng 12, toàn tỉnh đã kiểm tra đối với 7.844 cơ sở thực phẩm, trong đó 7.581 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 96,6% (đạt 115% KH), xử phạt vi phạm 257 cơ sở, tổng số tiền 775 triệu đồng. Trong năm xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm làm 29 người mắc; tử vong 0 (bình quân 3,7 ca/100.000 người); các vụ ngộ độc thực phẩm đã được điều tra, xử lí theo quy định.

- Công tác khám chữa bệnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo chế độ thường trực cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân. Tổng số khám chữa bệnh chung 1.979.183; khám chữa bệnh BHYT 778.412, công suất sử dụng giường bệnh 106,18 %. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ cho Nhân dân; giá thuốc trên địa bàn tỉnh ổn định.

4. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội

- Công tác giải quyết việc làm mới được các cấp ủy Đảng quan tâm nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân: Trong tháng 12 giải quyết việc làm cho 1.482 lao động, lũy kế năm 2023 giải quyết việc làm cho 15.059 lao động (bằng 98,9% so với CK năm 2022), đạt 114% KH. Thẩm định, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.983 lượt người (tăng 21,5% so với CK năm 2022). Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 465.905 người, tăng 2,7% so với CK năm 2022. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 53,7% năm 2022 xuống còn 52,7% năm 2023.

- Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, đạt KH đã đề ra: Trong tháng 12 các cơ sở GDNN đã tuyển sinh được 1.362 người; lũy kế năm 2023 các cơ sở GDNN tuyển sinh, đào tạo được 15.325 người (bằng 121,6% so với CK năm 2022), đạt 133,3% KH. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ước năm 2023 đạt 67,7%. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 29,3%, đạt 100% KH.

- Công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm, chú trọng, trong đó trọng điểm là triển khai các dự án thành phần của các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, cơ bản các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin và truyền thông… Năm 2023 số hộ nghèo là 26.791 hộ/179.305 hộ, chiếm 14,94 %; tỷ lệ nghèo giảm 4,43 %, đạt 110,8% KH; hộ cận nghèo năm 2023 là 16.062 hộ, chiếm tỷ lệ 8,96 % so với tổng số hộ trên địa bàn.

- Công tác bảo trợ xã hội - Bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao: Thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP hàng tháng cho trên 22.000 đối tượng; ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em tỉnh Lào Cai năm 2023; Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2023. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm còn 1,38% (giảm 2,32% so với CK năm 2022). Tỷ lệ trẻ em sống trong hộ nghèo ước giảm còn dưới 20% (giảm 4,3% so với CK năm 2022). Tỷ lệ trẻ em sống trong hộ cận nghèo ước giảm còn dưới 12% (giảm 3% so với CK năm 2022). Thực hiện đảm bảo các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công và người tham gia kháng chiến; quản lý trên 25.000 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 3.161 người có công, thân nhân người có công với cách mạng hưởng hàng tháng trên địa bàn theo quy định. Tổ chức các hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2023); tổ chức Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023).

- Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH: Ước thực hiện hết ngày 31/12/2023 có 62.127 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 98% KH năm; có 9.323 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 65% KH năm; có 53.999 người tham gia BHTN, đạt 98% KH năm. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,4%. Các chế độ BHXH của người lao động được giải quyết, chi trả kịp thời đảm bảo quyền lợi của người tham gia.

5. Hoạt động Khoa học - Công nghệ

Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 53 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học cấp tỉnh và Trung ương; qua kiểm tra, theo dõi các đề tài, dự án triển khai cơ bản đúng tiến độ được duyệt. Nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn tạo thành công các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Ứng dung tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất, nhân giống và chế biến đối với một số giống cây dược liệu đặc hữu tại địa phương như cây đẳng sâm, đan sâm, bạch chỉ, sâm ngọc linh… các đề tài, dự án được nghiệm thu có kết quả xếp loại đạt trở lên.

Hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ của 03 đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước hoạt động có hiệu quả. Riêng hoạt động của Trung tâm kiểm định và kiểm nghiệm hàng hoá thực hiện dịch vụ kiểm định bao gồm (máy X-quang, phòng máy X-quang và Đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa phân bón nhập khẩu) ước đạt doanh thu cả năm 2023 khoảng 3.800 triệu đồng, bằng 111,76% so với năm trước. Hoạt động dịch vụ của Trạm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thực hiện dịch vụ Kiểm định, hiệu chuẩn được 5.840 phương tiện đo các loại.

Quản lý tốt 54 cơ sở sử dụng thiết bị x-quang, thiết bị bức xạ, lưu giữ và sử dụng nguồn phóng xạ; công tác quản lý nhà nước về công nghệ được tăng cường đẩy mạnh, đối với các dự án xin điều chỉnh dự án đầu tư về công nghệ, thiết bị được đảm bảo đúng quy định. Tăng cường các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các hàng hóa như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử... được thực hiện tốt. Kịp thời phát hiện cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa và đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

III. Tài nguyên và Môi trường

- Công tác quản lý đất đai được tăng cường: thực hiện rà soát các chỉ tiêu sử dụng đất và hoàn thiện tờ trình, hồ sơ kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2021 - 2025) tỉnh Lào Cai; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện đối với 8/9 huyện, thành phố (còn thị xã Sa Pa); phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản - nước được quan tâm chỉ đạo. Ban hành phương án quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt trúng đấu giá quyền khai thác khoáng tại 05 điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; rà soát tổng thể hoạt động từ năm 2010 đến nay các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; việc thu hồi và sử dụng bã sàng sau chế biến cao lanh thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa. Yêu cầu các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý và thực hiện các quy định về quản lý khoáng sản.

- Công tác bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung xử lý sự cố vỡ vỡ cống D2000 hồ thải nhà máy tuyển đồng Tả Phời. Chỉ đạo giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực tài nguyên và môi trường đảm bảo đúng thời gian quy định, giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC chậm muộn trong lĩnh vực đất đai xuống còn dưới 1,5%.

IV. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

- Quốc phòng tiếp tục được củng cố và giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ổn định. Đường biên, mốc giới, cửa khẩu, đoàn ra, đoàn vào được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài.

- An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội: Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn về cơ bản ổn định. Lực lượng công an là nòng cốt đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh các địa bàn có tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra bị động bất ngờ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự; bảo vệ tốt nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh nông thôn, đô thị. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đẩy mạnh, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Hoạt động đối ngoại: Các hoạt động đối ngoại thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn Đại sứ: Ốtxtrâylia; Canada; Hoa Kỳ; Hàn Quốc; Nhật Bản; Philippine; Pakistan; UAE; Phó Đại sứ Ấn Độ; Hoàng hậu Bỉ kiêm Chủ tịch danh dự UNICEF Bỉ; Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA);…. đến thăm, làm việc, chào xã giao lãnh đạo tỉnh.

Các hoạt động nổi bật: Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 giữa Bí thư Tỉnh ủy 5 tỉnh và Phiên họp lần thứ 9 Nhóm Công tác liên hợp các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) tại tỉnh Hà Giang; Tham dự Hội nghị Xúc tiến du lịch do châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội; Tổ chức đón tiếp chu đáo đoàn đại biểu tỉnh Vân Nam - Trung Quốc do đồng chí Phó Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam làm trưởng đoàn sang thăm, làm việc tại tỉnh; Tổ chức Đoàn đại biểu của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đi thăm, làm việc tại Ấn Độ; đoàn do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi thăm, làm việc tại Canada. Tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác đã ký kết giữa tỉnh Lào Cai với Vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp) trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch…; Tổ chức đón tiếp chu đáo đoàn đoàn công tác của Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) do ông Pascal Duforestel - Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế của Vùng làm Trưởng đoàn đến thăm, làm việc tại tỉnh.

Bên cạnh đó, tổ chức thành công chương trình giao lưu Hữu nghị Quốc tế Xuân 2023 tại Lào Cai; tổ chức thành công cuộc họp lần thứ 3 nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại thị xã Sa Pa; tổ chức Ngày Quốc tế Yoga năm 2023 tại thị xã Sa Pa; tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ tại tỉnh Lào Cai; tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn khách quốc tế đến tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa;… Tiếp tục triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác theo 02 nhóm tỉnh và riêng lẻ với 07 địa phương trong nước.

V. Xây dựng chính quyền, Cải cách hành chính

Trong năm 2023, UBND tỉnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Cụ thể, đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với 13 cơ quan, tổ chức hành chính, kết quả giảm 05 phòng thuộc sở, ban, ngành, chi cục; thành lập 01 đơn vị; sắp xếp, kiện toàn 26 đơn vị; kết quả giảm 04 đơn vị trường học cấp huyện; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thực hiện giao tổng số 24.373 chỉ tiêu biên chế năm 2023, cắt giảm 419 chỉ tiêu so với năm 2022; thực hiện tinh giản 147 người; phê duyệt vị trí việc làm, khung năng lực của từng vị trí việc làm đối với 12 cơ quan, đơn vị.

- Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, từng bước gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Năm 2023 đã thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ các chức danh diện Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quản lý nhiệm kỳ 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2026 - 2031; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, điều động, giới thiệu cán bộ đến công tác tại cơ quan đơn vị thuộc khối Đảng, Đoàn thể, tổng số 61 cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp quản lý; thực hiện đúng quy trình tuyển dụng đối với 580 công chức, viên chức; công tác bổ nhiệm vào ngạch, chức danh nghề nghiệp, xét thăng hạng được thực hiện đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm; giải quyết các chế độ chính sách đối với 2.144 cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với 2.787 lượt người; giải quyết chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND cho 866 công chức, viên chức.

- Công tác cải cách hành chính triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, kịp thời tạo nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ số xếp hạng của tỉnh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước được cải thiện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, tỉnh Lào Cai đạt 68,20 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021 (25/63). Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Lào Cai đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm đạt được là 86,93 điểm; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022, tỉnh Lào Cai đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm đạt được là 83,97% điểm, tăng 43 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp hạng thứ 52). Chỉ số PAPI của tỉnh Lào Cai năm 2022 đứng thứ 52/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm đạt được là: 40,397 điểm, giảm 3 bậc so với năm 2021.

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính phục vụ các hoạt động chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) duy trì khai thác sử dụng. Tỷ lệ hệ thống thông tin kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng LGSP tỉnh Lào Cai đạt 32%. Toàn tỉnh có 88 hệ thống thông tin, triển khai tích hợp 18 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH,…với tổng số bản ghi gửi liên thông là 85.442 và nhận liên thông là 103.430; ngoài ra còn có 11 kết nối khác với các CSDL, HTTT của các bộ, ngành nhưng không qua LGSP như các dịch vụ tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường.

Triển khai Thuê dịch vụ Hệ thống thông tin kho dữ liệu, dữ liệu mở tỉnh Lào Cai (giai đoạn 1); hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ứng dụng CNTT, triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp: Tỉnh đã triển khai tích hợp 1.323/1.797 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 73%; 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến 59,44%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 63,79%; tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng là 95,4%; trong đó cấp tỉnh 98,1/95% (vượt 3% so với KH giao), cấp huyện 92,16/95%, cấp xã 96/95% (vượt 1% so với KH giao), tăng 11% so với CK. Vận hành hệ thống Trung tâm mạng thông tin của tỉnh hoạt động ổn định 24/7.

Tiếp tục chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện đưa 139/139 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử (laocaitrade.vn) và lên các sàn thương mại điện tử trong nước, đạt 100%; 100% các doanh nghiệp tham gia sử dụng hóa đơn điện tử tỉnh Lào Cai; 100% trường phổ thông đã bổ sung nội dung phổ biến về chuyển đổi số, kiến thức mới về công nghệ để học sinh được tiếp cận; 100% cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện) đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

- Công tác rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh; công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư qua nhiều kênh khác nhau như phối hợp với Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp thực hiện chương trình tuyên truyền “Lào Cai điểm đến đầu tư”; thiết kế và in ấn tài liệu “Lào Cai lợi thế và động lực phát triển” phục vụ cho công tác xúc tiến trong và ngoài nước bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn, Trung, Nhật... Đặc biệt, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tổ chức thành công chương trình xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tại Ấn Độ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.

Xem Báo cáo tại đây:

Tải về

Tải về

  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1