Lào Cai: Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản năm 2024
Phòng dịch khi chưa có dịch bệnh xảy ra
Điều tra dịch tễ, xác định vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, Dại, Viêm da nổi cục trên trâu, bò và các dịch bệnh khác ở động vật trên cạn, động vật thủy sản trên địa bàn cả nước và của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến cho Nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật. Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và lực lượng ở xã, phường, thị trấn trực tiếp tham gia tiêm phòng, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại cơ sở. Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện sản xuất chăn nuôi an toàn.
Tăng cường hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, từng thôn, bản, tổ dân phố... có địa chỉ để tiếp nhận những thông tin khai báo về tình hình dịch bệnh động vật từ người dân. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra, giám sát sự lưu hành của vi rút gây bệnh: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Dại và bệnh do vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh trên động vật thủy sản (cá hồi, tầm, trắm cỏ, chép, rô phi…); tổ chức các đợt giám sát để xác định mức độ bảo hộ của vắc xin tiêm phòng.
Tổ chức tiêm phòng định kỳ, bổ sung và khẩn cấp các loại vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNN ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phạm vi tiêm phòng tại 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lào Cai. Tổ chức tiêm phòng 02 đợt chính trong năm cho đàn gia súc, gia cầm (đợt 1 vào tháng 3 - 4, đợt 2 vào tháng 9 - 10). Ngoài ra tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc mới mua về.
Vắc xin và chỉ tiêu tiêm phòng.
Phát động trên địa bàn toàn tỉnh 02 đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, thực hiện vào tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10 năm 2024 và các đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khử trùng, tiêu độc khi có ổ dịch phát sinh theo quy định.
Thực hiện kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Tịch thu, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; động vật có biểu hiện bị bệnh hoặc chết do bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y. Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tổ chức kiểm tra các điều kiện buôn bán thuốc thú y của các cơ sở; việc thực hiện các quy định pháp luật về buôn bán thuốc thú y; kiểm tra chất lượng thuốc thú y lưu hành trên thị trường theo quy định.
Tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật cấp xã đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được công nhận. Tùy từng điều kiện thực tế của cơ sở, tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn, Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm, Niu- cát- xơn, Dại động vật. Năm 2024, xây dựng và công nhận 03 vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật cấp xã; đăng ký với Cục Thú y, đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên môn xây dựng vùng an toàn bệnh Dại tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; lấy mẫu, phân tích, kháng sinh đồ đối với các vi khuẩn: Steptococus, Aeromonas, Edwardsiella và nấm trên cá hồi, cá tầm, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi... thực hiện quan trắc môi trường phân tích, xét nghiệm cảnh báo dịch bệnh; dự phòng hóa chất khi dịch bệnh xảy ra hoặc thiên tai bão lũ.
Khi dịch bệnh xảy ra
Công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNN và Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xử lý ổ dịch đối với ổ dịch bệnh động vật trên cạn (Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Viêm da nổi cục trên trâu, bò, Tai xanh ở lợn, Dịch tả lợn cổ điển, Dại động vật); ổ dịch bệnh động vật thủy sản và ổ dịch các loại dịch bệnh khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định liên quan.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xác định phạm vi, đối tượng tổ chức tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra. Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, phương tiện vận chuyển động vật nhiễm bệnh của hộ có động vật bị mắc bệnh, nơi tiêu hủy động vật và khu vực xung quanh, người tham gia tiêu hủy động vật nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y và quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành lập các Chốt kiểm soát tạm thời, Tổ kiểm soát cơ động để kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật mẫn cảm tại các đầu mối giao thông ra, vào ổ dịch. Các địa phương có đường biên giới tổ chức kiểm soát triệt để việc xuất, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn.
Tùy từng dịch bệnh, như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn cổ điển... thực hiện tái đàn chăn nuôi trở lại sau khi hết dịch, đảm bảo nguyên tắc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Cơ chế chính sách phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản.