Lào Cai đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp
Lượt xem: 55
CTTĐT - Giai đoạn 2020-2024, tỉnh Lào Cai đã đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, chất lượng lao động của tỉnh Lào Cai ngày một nâng lên đáp ứng yếu cầu hội nhập và phát triển trước mắt cũng như trong thời gian tới.

Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc (cách Thủ đô Hà Nội 250 km), phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang. Diện tích tự nhiên 6.383,7 km2; dân số khoảng 768,4 nghìn người với 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2%. Là tỉnh miền núi nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, có 182,086 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu (đường sắt và đường bộ) với 3 điểm thông quan: Ga quốc tế Lào Cai, cầu đường bộ qua sông Nậm Thi, cầu đường bộ qua sông Hồng với đầy đủ hệ thống dịch vụ của đô thị loại II cũng như các dịch vụ thương mại vận tải, kho bãi, logistics, giám định hàng hóa, cảng ICD…

Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi cùng với những tiềm năng được thiên nhiên ưu đãi, tại Nghị quyết 96 của Chính phủ ngày 1/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã xác định Lào Cai là một trong 5 cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc. Và như vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh Lào Cai xác định là một trong những yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh tin bai

Giờ học của sinh viên Khoa du lịch trường Cao đẳng Lào Cai.

Thực tế là công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của công tác đào tạo nghề chất lượng cao đối với nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại tỉnh. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chế độ, chính sách được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời. Giai đoạn 2020 – 2024, tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 712.160 triệu đồng.

Nhờ vậy, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được rà soát, sắp xếp, phân bố hợp lý. Hiện, toàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường Cao đẳng, 01 Trường trung cấp, 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đều khắp đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với đủ loại hình (công lập, tư thục, doanh nghiệp) và trình độ đào tạo (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên). Trường Cao đẳng Lào Cai được lựa chọn để đầu tư 07 nghề trọng điểm cấp quốc tế, Asean, quốc gia, qua đó góp phần nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

 Đối với công tác tuyển sinh đào tạo, về quy mô được cấp phép tuyển sinh: Toàn tỉnh hiện có 10/14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với quy mô 8.590 người/năm, trong đó chia theo trình độ: Cao đẳng 1275 SV/năm, Trung cấp: 1600 HS/năm, Sơ cấp với 5715 HS/năm; Cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề đào tạo: Đa dạng, với 120 mã ngành, nghề đào tạo (Với 24 mã trình độ cao đẳng, 30 mã trình độ trung cấp, 66 mã trình độ sơ cấp). Trong đó, những mã ngành, nghề thu hút được nhiều người học nhất gồm: Công nghệ ô tô; Hàn; Điện công nghiệp; điện dân dụng; vận hành nhà máy thủy điện; May dân dụng và công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng; Tiếng Trung Quốc; Hướng dẫn viên du lịch; Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn; Nghiệp vụ chế biến món ăn; Lái xe ô tô các hạng…

Từ năm 2021 - 2024 các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 51.270/KH là 58.000 người (cao đẳng: 4.770 người, Trung cấp: 11.830 người; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 34.670 người); Trong đó tập trung đào tạo lao động có tay nghề cao trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 16.600/TS 51.270 người chiếm 32,37%. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,8%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31%.

Tỷ lệ học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai có việc làm sau khi tốt nghiệp, hoàn thành khóa học là 75,2%, trong đó tỷ lệ học sinh tìm kiếm được việc làm phù hợp với nghề đào tạo chiếm khoảng 69,6%. Mức thu nhập học sinh học các nghề trọng điểm từ 7-10 triệu đồng/người/tháng, các nghề còn lại khoảng từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.

anh tin bai

Giờ thực hành tại Khoa Điện – Điện tử Trường Cao đẳng Lào Cai.

Mặc dù đạt được kết quả trên, song công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp còn có một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn một số ngành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội; Đội ngũ giáo viên, giảng viên một số cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; một số ngành nghề có nhu cầu đào tạo cao nhưng cơ sở không đáp ứng được. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp thường yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, thái độ nghề nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm… kỹ năng khởi nghiệp; Một số Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đặc biệt là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Nhận thức rõ những khó khăn hạn chế, thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhận thức đúng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tổ chức đào tạo phù hợp với xu thế; tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu về chương trình đào tạo, phù hợp, tương thích với chương trình đào tạo và tương thích với các công nghệ trong sản xuất; tích cực gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo một phần tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và rèn luyện kỹ năng sản xuất tại doanh nghiệp, để các em học sinh sinh viên có thể hoàn thiện được những kỹ năng nghề nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm bổ sung đội ngũ giáo viên cho GDNN. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên bằng hình thức tiếp nhận họ đến thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng thực hành nghề, tiếp cận công nghệ mới.... Đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chuyên nghiệp; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45%./.

Thùy Linh
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1