UBND tỉnh Lào Cai và thành phố Đà Nẵng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số
Quang cảnh buổi làm việc.
Tham gia Đoàn công tác tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đỗ Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lào Cai; Sùng A Lềnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai, phía thành phố Đà Nẵng có các đồng chí: Lê Trung Chính, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thị Thắng Lợi - Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu; Trần Tường Vân - Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Thanh Khê; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại buổi làm việc.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số, đồng chí Lê Trung Chính, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố Đà Nẵng xác định chuyển đổi số “là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến xây dựng thành phố Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Cả hệ thống chính trị tham gia triển khai chuyển đổi số. Theo đó, Đà Nẵng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác chuyển đổi số.
Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đặt ra trong năm 2023, bao gồm 39 chỉ tiêu (trong đó 26 chỉ tiêu theo Kế hoạch của quốc gia và 13 chỉ tiêu là tiêu chí riêng, đặc thù của thành phố), bao gồm 08 chỉ tiêu Dữ liệu số, 13 chỉ tiêu Chính quyền số, 06 chỉ tiêu Kinh tế số, 12 chỉ tiêu Xã hội số; và 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai (bao gồm 10 nhiệm vụ chung của các địa phương theo Kế hoạch của quốc gia; 01 nhiệm vụ giao riêng thành phố Đà Nẵng về Triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình, toàn diện trên 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và 24 nhiệm vụ riêng của Thành phố). Trong đó nổi bật là, từ ngày 14/8/2023, thành phố Đà Nẵng chính thức đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh (IOC) và các Trung tâm điều hành quận huyện (OC). Trung tâm IOC thành phố có vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận, huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng… nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp về tình hình hoạt động của thành phố để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ triển khai chính quyền đô thị. 100% TTHC đủ điều kiện đã được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình với tổng số 1.797 DVCTT, chiếm tỷ lệ 93,54% tổng số TTHC (trung bình toàn quốc là 43,67%); có 1,9% DVCTT một phần (trung bình toàn quốc là 27,33%) và có 4,5% DVC không cung cấp trực tuyến do vướng các quy định (trung bình toàn quốc là 29%). Tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 80%, vượt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 95%); tỷ lệ hồ sơ DVCTT đạt 80% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 60%; đạt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 80%).
Kinh tế số đã có đóng góp đáng kể vào cơ cấu GRDP thành phố (tính đến năm 2021 chiếm 12,57% GRDP thành phố, năm 2022 chiếm tỷ trọng 19,67% GRDP thành phố, năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP, hoàn thành sớm và vượt chỉ tiêu đề ra 2025 là 20%). Ngành công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân trên 10%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố.
Từ ngày 01/01/2023, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.v.v…
Thành phố Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Lào Cai trao đổi kinh nghiệm tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lào Cai đã trao đổi với các sở, ngành thành phố Đà Nẵng về công tác xây dựng cơ chế, triển khai chính sách trong thực hiện chuyển đổi số. Kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng trong phát triển hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số, an toàn thông tin; việc phát huy hiệu quả hoạt động Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực số; việc xây dựng các mô hình chuyển đổi số điển hình...
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ ấn tượng đối với công tác chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng, yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan của thành phố Đà Nẵng, thường xuyên trao đổi thông tin, học tập những kinh nghiệm để tham mưu UBND tỉnh trong thời gian tới.
Tiếp đó, Đoàn công tác tỉnh Lào Cai tham quan thực tế Trung tâm IOC thành phố Đà Nẵng.