Lào Cai quan tâm, dành sự ưu tiên đặc biệt cho phát triển giáo dục – đào tạo
Lượt xem: 526

CTTĐT – Chiều ngày 26/02/2024, Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về tổng kết công tác PCGD, xóa mù chữ, thí điểm PCGD mầm non cho trẻ 4 tuổi và hoạt động của BCĐ năm 2023; thống nhất giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục năm 2024.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự có đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo công tác GD&ĐT tỉnh; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh.

Điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố tham dự có: Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố.  Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố…

anh tin bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến trụ sở UBND tỉnh

Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Bích Nguyệt cho biết: Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 600 trường MN, PT và 10 TTGDNN -GDTX, 8.288 lớp, với 234.972 học sinh (so với năm học 2022-2023, giảm 02 trường, tăng 111 lớp, 5.477 học sinh), chia ra: Mầm non 198 trường, 2.349 nhóm/lớp, 57.144 trẻ (so với năm học 2022-2023 tăng 01 trường); Tiểu học 176 trường, 3.406 lớp, 85.409 học sinh (so với năm học 2022-2023, giảm 05 trường); THCS 187 trường, 1.822 lớp, 63.953 học sinh (so với năm học 2022-2023, tăng 77 lớp, 3.478 học sinh); THPT 39 trường, 606 lớp, 24.212 học sinh (so với năm học 2022-2023 tăng 03 trường (trường TH, THCS&THPT Quốc tế Canada, trường THCS&THPT Bắc Hà, trường THPT Hoàng Liên), tăng 34 lớp, 1.552 học sinh); Trung tâm GDNN&GDTX 10 trung tâm, 105 lớp, 4.193 học viên (tăng 06 lớp, 128 học viên).

Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc và rõ rệt. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMNT 5 tuổi ở 152/152 đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện, đạt 100% kế hoạch; hoàn thành thí điểm thực hiện PCGDMNT 4 tuổi ở 133/152 đơn vị cấp xã, đạt 87,5%. Duy trì ổn định tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,99%; 98% tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; 96% tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. 152/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD Tiểu học mức độ 3; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGDTH MĐ3. 94,11% tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS (tăng 1,13% so với năm 2022); 68,1% tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình GDPT hoặc GDTX cấp THPT hoặc GDNN.

Năm 2023, thực hiện xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 56 lớp cho 1155 học viên (nghiệm thu 1128 học viên; bỏ 27 học viên gồm Bắc Hà: 25, Văn Bàn: 02). Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: 99,5%.Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: 98,64%. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: 99%.Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: 96,32%. Tỷ lệ người biết chữ toàn tỉnh trong độ tuổi 15-60 (mức độ 1 và mức độ 2): 94,47%. Số xã đạt chuẩn XMC mức độ 2: 152/152 xã. Số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD XMC mức độ 2: 9/9.

Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1%, ước kinh phí đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 là 4.035 tỷ đồng, xây dựng 1.926 phòng học, 1.186 phòng bán trú và công vụ giáo viên, nhà đa năng, các hạng mục khác ..., trong đó, kinh phí mua sắm thiết bị là 849 tỷ đồng; có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, đặc biệt chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn để thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục.

anh tin bai

Quang cảnh các điểm cầu trong tỉnh

Cán bộ QLGD và giáo viên được tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, tâm huyết và trách nhiệm; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục có nhiều đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT và được ngành GD&ĐT triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục và hợp tác, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục của Lào Cai.

Tuy nhiên, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Một số quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn lớn mà thực tiễn đang đặt ra; Nhận thức về yêu cầu, bản chất đổi mới giáo dục của một số ít cấp ủy, chính quyền các cấp, CBQL, giáo viên còn chưa thực sự sâu sắc, còn có CBQL, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục; Một số xã vùng cao tại một số thời điểm tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần đã được nâng lên nhưng vẫn còn chưa cao, còn có học sinh bỏ học; tảo hôn vẫn chưa có biện pháp để khắc phục triệt để; Biên chế làm việc tại phòng GD&Đ còn thấp, tiền lương, thu nhập, đặc biệt các nhà giáo, nhân viên công tác ở vùng cao gặp nhiều khó khăn...

anh tin bai

Đại biểu địa phương tham gia ý kiến thảo luận tại điểm cầu trực tuyến

Tại hội nghị, đại biểu tại các địa phương, các ngành đã báo cáo thực trạng, khó khăn, vướng mắc, giải pháp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục năm 2024; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương…

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Giáo dục vùng cao là nền tảng, trường PTDT nội trú và bán trú là nòng cốt, trường chuyên là mũi nhọn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của Ngành Giáo dục và các địa phương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trong những năm qua, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; và cũng khẳng định rằng, trong những năm qua tỉnh đã hết sức quan tâm, dành sự ưu tiên đặc biệt cho phát triển giáo dục từ đầu tư đến cơ chế chính sách và biên chế, con người...

Trước những yêu cầu mới, để sự nghiệp giáo dục tiếp tục đổi mới theo Nghị quyết 29, có những bứt phá, cách làm mới , sáng tạo, hiệu quả, giáo dục phải đi trước phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu cần xác định quan điểm lấy giáo dục vùng cao là nền tảng, lấy trường PTDT nội trú và bán trú là nòng cốt, trường chuyên là mũi nhọn, các trường có sức cạnh tranh với nhau để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Lấy chuyển đổi số là phương thức thực hiện, lấy chất lượng đầu ra là thước đo cho giáo dục tỉnh.

Đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương, tiếp tục có các giải pháp để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Đề án 06 của Tỉnh ủy đảm bảo thực chất. Ngành giáo dục tập trung phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nghiên cứu nội dung phù hợp với địa phương Lào Cai; các huyện thực hiện mua sắm trang thiết bị; có kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên và nhân viên đạt chuẩn, có kế hoạch phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên. Sở Giáo dục – Đào tạo khẩn trương ban hành kế hoạch định mức học sinh trong các trường, nhất là học sinh tại khu vực thành phố (trường cấp 2 Bắc Cường số lượng học sinh/lớp quá đông).... Đối với chỉ tiêu học sinh đạt chuẩn và phân luồng, nghiên cứu chính sách đầu ra cho học sinh tốt nghiệp THPT, quan tâm đến các trường GDTX, dạy nghề cấp huyện, tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực giáo dục.

Tiếp tục rà soát thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo theo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát chi tiết, cụ thể nhu cầu đầu tư công đến tận trường, điểm trường đảm bảo số liệu chính xác, tranh thừa, thiếu, lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục.

anh tin bai

Đ/c Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt những nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh

Thay mặt lãnh đạo Ban Chỉ đạo công tác GD&ĐT tỉnh, đồng chí Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các ý kiến phát biểu thảo luận của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.

Để tạo sự thống nhất, tập trung chỉ đạo công tác giáo dục, công tác PCGD, XMC và thí điểm PCGD MNT4T năm 2024 đạt các mục tiêu đặt ra, phấn đấu hoàn thành để đạt 68% trường học đạt chuẩn quốc gia, 80% thanh niên có trình độ tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đây là 2 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục và đào tạo tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt những nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với sự nghiệp GD&ĐT, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác GD&ĐT các cấp. Duy trì, nâng cao kết quả PCGD, XMC, thí điểm PCGDMN cho trẻ em 4 tuổi. Thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định các chính sách, hỗ trợ cho học sinh. Triển khai các nhiệm vụ đột phá trong ngành GD&ĐT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp và dạy nghề, giải pháp khắc phục tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không học lên THPT hoặc học nghề. Chủ động, tích cực tham mưu các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, đảm bảo các điều kiện về giáo viên, đặc biệt giáo viên chuyên biệt. Chỉ đạo chuẩn bị tốt, tổ chức các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu đảm bảo an toàn, nghiêm túc, có chất lượng và tác dụng thúc đẩy phong trào dạy học. Tổng kết, đánh giá các mô hình giáo dục các cấp học có hiệu quả, để triển khai nhân rộng toàn tỉnh, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Đề nghị các đồng chí thành viên BCĐ công tác giáo dục tỉnh, các đồng chí lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, cụ thể hóa bám sát tình hình thực tiễn để tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Linh Vũ

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • Phim tài liệu: Lào Cai - Yên Bái: Cùng nhau bước đi, chạm tay đến ước mơ
    (19/04/2025)
  • PS ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀO CAI 2024
    (25/06/2024)
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
1 2 3 4 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1