Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai làm việc với xã Nậm Chày (tháng 10/2023)
Khi thực hiện Nghị quyết 20, huyện Văn Bàn có 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, giao thông xuống cấp, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp bị hạn chế, nhiều người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Trong đó, xã Nậm Chày là một trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Văn Bàn nói riêng; đây là xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Xác định rõ những thách thức trên, Văn Bàn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể với 8 nhiệm vụ, như giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo và tái nghèo; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động... Huyện Văn Bàn cũng chủ trương lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy tối đa nguồn lực, coi trọng việc gắn giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các tổ công tác giúp đỡ các thôn, bản sắp xếp thời gian bám nắm cơ sở tối thiểu 2 lượt/tháng có mặt tại thôn bản được phân công giúp đỡ, tổ chức rà soát và xây dựng kế hoạch, lựa chọn giải pháp hữu hiệu và kịp thời đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững tại địa bàn thôn bản do tổ phụ trách. Phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Nậm Chày tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước, vận động người dân thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hăng say lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu,… Vận động các nguồn lực xã hội hóa để giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống trước tiên là giúp đỡ thực hiện việc chỉnh trang nhà cửa, làm vườn rau, ao cá, nhà vệ sinh, chuồng trại gia súc,… từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động trong độ tuổi lao động ở Nậm Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày - Sùng A Dùng cho biết: hằng năm, xã đã căn cứ vào kế hoạch của huyện để chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi đăng ký tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn tại huyện, hiện đang thực hiện 02 lớp với 70 học viên về kỹ thuật xây dựng. Đồng thời xã cũng đã chuẩn bị các điều kiện triển khai tổ chức thực hiện các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động về Kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng và lớp nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, UBND xã Nậm Chày đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai và doanh nghiệp tổ chức được 1 phiên giao dịch tư vấn giới thiệu việc làm với 58 người tham dự; hỗ trợ giải quyết việc làm cho 81 người, đạt 120% kế hoạch năm.
Đặc biệt, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn xã từ các chương trình MTQG, xác định lợi thế của địa phương, thời gian qua xã đã bắt tay triển khai các dự án chuỗi liên kết măng sặt, dự án kinh tế đồi rừng, dự án trồng khoai sọ bản địa, dự án trồng cây Đương Quy, sau khi có được đầy đủ các hướng dẫn chính thức về hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh sẽ triển khai đồng loạt trên địa bàn xã. Hiện nay, xã đã trồng khảo nghiệm cây Đương Quy với diện tích 2.000 m2, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng từ năm 2022 tổng số 50 con/16 hộ gia đình, đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng bình quân từ 60 - 70kg/con.
Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện đảm bảo các chế độ vay vốn và sử dụng vốn vay hiệu quả đúng mục đíc đối với xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh Lào Cai về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội. Ước tính lũy kế đến hết năm 2023 dư nợ đạt 3.495 triệu đồng với 83 hộ vay vốn.
Về thực hiện các chương trình MTQG, xã đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2023 sát với tình hình thực tế của địa phương. Kết thúc năm 2022, xã đạt 4 tiêu chí (giảm 3 tiêu chí do không đạt so với bộ tiêu chí mới). Năm 2023, xã đăng ký hoàn thành 1 tiêu chí và phấn đấu cuối năm đạt 5/19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Theo Phòng Lao động,- Thương binh và Xã hội huyện, đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đảm bảo đến tận cơ sở, từng hộ. Ông Dương Văn Khu, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đánh giá: Ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn huyện nói chung, xã Nậm Chày nói riêng những năm qua được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc có nhiều hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo.
Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, kết quả giảm nghèo thời gian qua của xã Nậm Chày thể hiện qua những con số cho thấy: nếu như năm 2021, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025: toàn xã có 295 hộ nghèo/535 hộ, chiếm tỷ lệ 55,14%, có 79 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 14,77%; thì đến năm 2023, kết quả rà soát cho thấy Nậm Chày còn 229 hộ nghèo/565 hộ, chiếm tỷ lệ 40,53%, giảm 38 hộ nghèo so năm trước, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 7,64% đạt 111,05% so với kế hoạch giao đầu năm (kế hoạch giao đầu năm giảm 35 hộ nghèo, tỷ lệ giảm hộ nghèo là 6,88%), hộ cận nghèo còn lại là 89 hộ chiếm tỷ lệ 15,75%.
Với kết quả giảm nghèo nêu trên của xã Nậm Chày đã cho thấy sự quan tâm lãnh đạo chỉ, đạo quyết liệt của Huyện ủy Văn Bàn trong triển khai thực hiện Nghị quyết 20 đối với xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện; đảm bảo thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân trên địa bàn tham gia lao động có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cùng với đó cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương xã Nậm Chày luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát huy những tiềm năng, lợi thế có sẵn về kinh tế - xã hội, có giải pháp cải thiện khó khăn tạo niềm tin cho Nhân dân, kích lệ Nhân dân thi đua, tập trung tham gia lao động sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới… làm cơ sở thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong giai đoạn 2021-2025 và năm 2023.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 trên địa bàn huyện Văn Bàn vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế trong triển khai các công trình hạ tầng, mô hình sinh kế, liên kết sản xuất; nhận thức, trình độ kỹ năng lao động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế; người dân vẫn chưa thấy rõ được tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ của Khoa học công nghệ vào sản xuất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm thực hiện; vẫn còn một số phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống, xã hội ảnh hưởng đến tư duy sản xuất của người dân.
Với quyết tâm xóa nghèo nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nghèo trên địa bàn còn dưới 15%, đồng thời hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới huyện Văn Bàn cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn xã Nậm Chày. Các tổ công tác của huyện trên cơ sở nhiệm vụ được phân công tiếp tục bám sát, hỗ trợ xã và các thôn, bản triển khai hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển; cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hạ tầng, giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, giao thương.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền đến người dân các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng. Các sở, ban, ngành và các đơn vị được phân công giúp đỡ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, giúp đỡ người nghèo có sinh kế để sớm thoát nghèo./.