Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững
Kết quả bước đầu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Cơ quan chủ trì Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp),trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội; cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh trong triển đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; người dân đã tiếp cận và tham gia thực hiện, thông qua đó tư duy về sản xuất nông nghiệp đã bước đầu thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tư duy về phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn đã và đang được thực hiện, các sản phẩm nông nghiệp được tích hợp đa giá trị.
Việc triển khai 31 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Tiểu Dự án 1, Dự án 3) năm 2023 đã góp phần quan trọng trong kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt được. Cụ thể là: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 9.098 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng 3,18%; đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và một phần cung cấp cho thị trường trong nước như: cây dược liệu 4.105 ha; diện tích cây chè 8.295 ha; diện tích cây chuối 2.355 ha; diện tích cây dứa 2.200 ha; diện tích quế đạt 58.525 ha. Các sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã và đang được tích các giá trị về địa lý, tri thức bản địa truyền thống, lịch sử văn hóa và thương hiệu của sản phẩm, của vùng. Đến nay tỉnh đã có 48 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý; 196 sản phẩm OCOP, thông qua đó giá trị sản phẩm được nâng lên đáng kể.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trọng tâm trong Chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn qua đã cơ bản thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... đồng thời lồng ghép với nguồn lực từ nhiều Chương trình, dự án khác (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh...). Qua đó đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Hết năm 2023 số hộ nghèo còn lại 26.791 hộ/179.305 hộ trên địa bàn, chiếm 14,94%; trong đó, nghèo khu vực thành thị chiếm 3,39%; nghèo khu vực nông thôn chiếm 20%); tỷ lệ nghèo giảm 4,43/4%= 110,75 % kế hoạchTrung ương và tỉnh giao; tương ứng giảm 7.793 hộ nghèo, giảm vượt 768 hộ nghèo. Hộ cận nghèo còn lại 18.375 hộ/179.305 hộ chiếm tỷ lệ 10,25% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 1,92% tương đương giảm 3.357 hộ so năm 2022; trong đó, cận nghèo khu vực thành thị chiếm 3,31%; cận nghèo khu vực nông thôn chiếm 13,29%); giảm tỷ lệ nghèo 4% đạt mục tiêu kế hoạch.
Đồng thời, 4/4 huyện nghèo (Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai) được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.
Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 60 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 100 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, triển khai thực hiện kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2024, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 49 dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 19 dự án liên kết (5 dự án cấp tỉnh, 14 dự án cấp huyện), 30 dự án cộng đồng cấp huyện (15 dự án cấp huyện khởi công mới và 10 dự án liên kết, 14 dự án cộng đồng). Các dự án tập trung vào việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với các cây trồng chủ lực như: cây quế, cây chè, cây chuối, cây dứa, cây dược liệu... Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Huyện Mường Khương tích cực phát triển vùng chè, góp phần thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Là năm thứ 3 thực hiện Chương trình nhưng thực tế đối với Tiểu dự án 1, Dự án 3; tuy nhiên thực tế trong quá trình triển khai vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân nguồn vốn giao và hiệu quả dự án.
Bên cạnh đó, theo Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được sửa, đổi bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 38/2023/NĐ-CP có quy định: ‘‘Các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là các dự án cộng đồng phải có hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong tổ nhóm cộng đồng để dẫn dắt cộng đồng thực hiện dự án; trong khi đó hộ sản xuất giỏi không phải là đối tượng được hỗ trợ của chương trình. Do đó, rất khó để các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia vào dự án.
Bước sang năm 2025, với mục tiêu của Tiểu dự án 1 Dự án 3 là hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Các địa phương trong tỉnh, nhất là 4 huyện nghèo sẽ tập trung vào nội dung tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định; Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; thực hiện đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; đảm bảo điều kiện bố trí và giải ngân kế hoạch vốn theo từng danh mục dự án đã được HĐND tỉnh thông qua.
Theo đó, các ngành Nông nghiệp và cá địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển. Thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình, khuyến khích các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án; hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện nghèo.
Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác giảm nghèo. Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã chia sẻ lợi ích, tăng cường liên kết sản xuất ổn định với nhân dân đặc biệt các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình, khuyến khích các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tiếp theo trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện nghèo./.