Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã nghèo từ 9% trở lên
Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TU; năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, địa phương, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã nghèo. Phấn đấu nâng cấp, hoàn thiện cứng hóa 100% hệ thống đường giao thông liên thôn; triển khai đầu tư các dự án cấp điện cho các thôn bản thuộc xã nghèo chưa có điện lưới Quốc gia, phát triển hệ thống lưới điện cao thế, trung và hạ thế, đảm bảo 100% thôn bản ở các xã nghèo được sử dụng điện lưới.
Năm 2024, tiếp tục ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vào 02 nhóm chính là “giao thông” và “điện lưới” tại các xã nghèo.
Tăng cường đưa thông tin về cơ sở, đầu tư hệ thống Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho các xã đặc biệt khó khăn, xã trên địa bàn huyện nghèo. Cấp huyện sản xuất hoặc cung cấp các sản phẩm báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm nội dung số, các sản phẩm truyền thông khác để ưu tiên phục vụ khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư hạ tầng bưu chính, hạ tầng mạng internet tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo.
Rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, đặc biệt là chức danh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND). Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn cấp huyện thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đến công tác tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã. Giao trách nhiệm, chỉ tiêu thi đua đối với cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên cấp huyện, xã; đặc biệt là người đứng đầu gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Người dân đầu tư mở rộng diện tích trồng chè, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (Ảnh: LCĐT)
Khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chủ lực xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất. Tập trung phát triển sản xuất hàng hóa 07 ngành hàng chủ lực: chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng; phát triển các sản phẩm tiềm năng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường bền vững; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Thực hiện tốt các chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo; đảm bảo huy động trẻ 0 - 2 tuổi từ 30% trở lên; trẻ 3 - 5 tuổi đạt 98,6% (riêng 4, 5 tuổi đạt 99%); trẻ từ 6 - 14 tuổi đạt 99%; duy trì và nâng cao nhất mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở 100% xã. Tiếp tục rà soát, sắp xếp trường lớp, đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu mầm non, phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phổ cập mầm non 4 tuổi. Tích cực triển khai Kế hoạch đầu tư xây dựng phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt.
Đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ các lứa tuổi đến trường tại các xã nghèo.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trong khám, chữa bệnh cho Nhân dân và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Xây dựng kế hoạch luân phiên bác sỹ xuống làm việc tại trạm y tế tối thiểu 02 ngày/tuần. Bảo đảm 100% người dân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tham gia bảo hiểm y tế. Tiếp tục duy trì, đảm bảo 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế.
Tổ chức thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình và đưa vào mục tiêu Nghị quyết HĐND cấp xã; cụ thể hóa các nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào điều khoản trong hương ước, quy ước khu dân cư… xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện và khai thác, phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại cộng đồng dân cư.
Tiếp tục khảo sát, rà soát lao động trong độ tuổi tại các xã chưa có việc làm nhưng có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm mới để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động tại chỗ. Phấn đấu tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 1.500 người là lao động nông thôn tại các xã nghèo. Phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 70 phiên/hội nghị tư vấn, giao dịch việc làm tại các xã (bình quân 01 phiên, hội nghị/xã). Phấn đấu “Mỗi hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực nông thôn có ít nhất một người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm hoặc có thu nhập ổn định”.
Trong năm 2024, các xã nghèo cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án số 01-ĐA/TU, Đề án số 06-ĐA/TU, Đề án số 07-ĐA/TU ngày 11/12/2020 và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 10/10/2022 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát triển các lĩnh vực nông lâm nghiệp, nông thôn mới, y tế, giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm…
UBND các huyện, thị xã có xã nghèo xây dựng Kế hoạch thực hiện năm 2024; xây dựng giải pháp hỗ trợ hộ không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn. Ưu tiên, lồng ghép bố trí vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác cho các xã nghèo. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, trình HĐND cấp huyện quyết định nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công giúp đỡ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị được giao phụ trách xã xây dựng kế hoạch công tác năm, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã để chỉ đạo, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giảm nghèo. UBND các huyện, thị xã, thành phố không có xã nghèo xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các xã nghèo.
- Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019: Có 43 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên.
- Sau 02 năm (2019 - 2020) thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, 43 xã sau sáp nhập còn 37 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên gồm: Huyện Bắc Hà (11 xã: Lùng Cải, Hoàng Thu Phố, Thải Giàng Phố, Tả Củ Tỷ, Cốc Ly, Tả Van Chư, Bản Liền, Lùng Phình, Nậm Lúc, Bản Cái, Nậm Khánh); huyện Mường Khương (10 xã: La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Cao Sơn, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Nấm Lư); huyện Bát Xát (07 xã: Dền Thàng, Pa Cheo, Sàng Ma Sáo, A Lù, Trung Lèng Hồ, Tòng Sành, Y Tý); thị xã Sa Pa (08 xã: Trung Chải, Hoàng Liên, Tả Van, Thanh Bình, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Bo, Mường Hoa, Liên Minh); huyện Văn Bàn (01 xã: Nậm Chày).
- 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh: Xã Lùng Cải, Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà); xã La Pan Tẩn, Tả Thàng, Dìn Chin, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương); xã Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát); xã Nậm Chày (huyện Văn Bàn).
|