Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện 03 chương trình MTQG tại Lào Cai năm 2024
Tham gia Đoàn công tác có đại diện các bộ, ngành Trung ương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thường trực các chương trình MTQG tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan; Lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Sa Pa và các phòng, ban liên quan; Lãnh đạo xã Mường Hoa.
Báo cáo với Đoàn công tác, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách để quản lý, thực hiện theo quy định; hoàn thành giao 100% vốn đầu tư ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024. Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 03 Chương trình MTQG năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024) là gần 2.419 tỷ đồng; trong đó Chương trình Dân tộc miền núi 1.534 tỷ đồng; Chương trình Nông thôn mới 147 tỷ đồng; Chương trình Giảm nghèo bền vững 738 tỷ đồng. Đến ngày 31/7/2024, đã giải ngân hơn 479 tỷ đồng, đạt 19,8% Kế hoạch giao (vốn đầu tư đạt 36% kế hoạch giao, vốn sự nghiệp bằng 7,5% Kế hoạch giao); trong đó Chương trình Dân tộc miền núi đạt 19,83%, Chương trình Nông thôn mới đạt 34,75%, Chương trình Giảm nghèo bền vững đạt 16,78% Kế hoạch.
Đến nay toàn tỉnh có 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng); 63/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nông thôn mới tại 204 thôn kiểu mẫu, 252 thôn nông thôn mới. Hết năm 2023, số hộ nghèo còn lại chiếm 14,94%, hộ cận nghèo 10,25%; ước thực hiện năm 2024 giảm tỷ lệ nghèo 4%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 đạt 5,49%, ước năm 2024 đạt khoảng 6%, bảo đảm mục tiêu đề ra. 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản…
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc.
Thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG; HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết bổ sung một số nội dung về cơ chế thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh và lựa chọn huyện Bắc Hà, Mường Khương để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời chỉ đạo rà soát, đề xuất điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2024 từ các dự án không còn đối tượng thực hiện, khó giải ngân và không thể giải ngân năm 2024 sang các dự án có thể giải ngân để đẩy nhanh tiến độ…
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện các chương trình MTQG và là năm thứ 3 được giao vốn, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, tiểu dự án thành phần (sắp xếp dân cư, hỗ trợ nhà ở, đất ở, dược liệu quý), nhất là nguồn vốn sự nghiệp còn chậm và giải ngân thấp… Dự án 2, Dự án 3 (tiểu dự án 1, 2), Dự án 4, 5, 7, 8 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp vướng mắc. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, một số chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá mới “chạm ngưỡng” đạt chuẩn nên việc duy trì mức độ đạt chuẩn còn hạn chế; việc huy động đóng góp ủng hộ trong xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các xã khu vực III. Thu nhập của hộ nghèo hiện chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống, không có tích lũy vì vậy rất khó để thoát nghèo và các hộ đã thoát nghèo luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo. Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững còn gặp khó khăn trong thực hiện tiểu dự án 1, dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp; nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo…
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thông tin cụ thể hơn về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện các tiểu dự án, dự án thuộc 03 chương trình MTQG.
Tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai đề nghị Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung “riêng đối với thời hạn điều chỉnh dự toán thực hiện các chương trình MTQG ở các cấp địa phương được thực hiện trước thời điểm ngày 31/12” vào Khoản 3 điều 53 Luật Ngân sách Nhà nước. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định số 1719/QĐ-TTg (quy định thống nhất đối tượng được thụ hưởng chính sách của các chương trình MTQG trong cả giai đoạn; đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ địa bàn sắp xếp dân cư xen ghép; bổ sung địa bàn thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quy định về nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các dự án phát triển sản xuất cho các hộ không thuộc đối tượng Chương trình MTQG; quy định về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án phát triển vùng nguyên liệu; điều chỉnh toàn bộ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025). Đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung liên quan, còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo làm rõ hơn và bổ sung một số đề xuất, kiến nghị thực hiện các chương trình MTQG.
Trong 7 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp; các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ. Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiên tai ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng.
Báo cáo về kết quả tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số, đến hết tháng 5/2024 đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thành công Đại hội đại cấp huyện với tổng số 1.346 đại biểu đại diện cho 24 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh và đã bầu được 166 đại biểu tiêu biểu dự Đại hội cấp tỉnh. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai dự kiến được tổ chức trong 02 ngày 22 - 23/8/2024 với 331 đại biểu tham dự.
Năm 2024, tỉnh Lào Cai có 1.117 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó nam chiếm trên 93%, nữ chiếm gần 7%; dân tộc Dao 24,56%, dân tộc Mông 34,64%... Trong 7 tháng đầu năm, cấp tỉnh tổ chức thăm hỏi 03 người có uy tín ốm nằm viện theo quy định; tiếp đón 03 đoàn đại biểu người có uy tín các tỉnh bạn đến thăm quan học tập; đưa, đón 07 đại biểu người có uy tín tiêu biểu dự Chương trình điểm tựa của bản làng; cấp phát 71.488 tờ báo địa phương và 1.117 tờ báo lĩnh vực dân tộc cho 1.117 người có uy tín. Cấp huyện phổ biến, cung cấp thông tin 10 hội nghị với 938 người tham gia; thăm hỏi, tặng quà 1.117 người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, 108 người có uy tín ốm đau, 29 người có uy tín gặp khó khăn; thăm viếng, động viên người có uy tín và thân nhân gia đình người có uy tín qua đời 33 người; tổ chức 05 đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm 05 đoàn với 140 người tham gia.
Nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 392 tỷ đồng, tăng gần 67 tỷ đồng so năm 2023, đạt 223% kế hoạch năm 2024. Tổng dư nợ đến 31/7/2024 đạt hơn 4.682 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,1% tổng dư nợ, giảm 204 triệu đồng so với năm 2023. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho 19.250 hộ nghèo, 11.534 hộ cận nghèo và 3.889 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế; hỗ trợ vốn vay cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 15.819 lao động và tạo điều kiện cho 42 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 12.769 hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh và 17.358 hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn... Tuy nhiên một số chương trình tín dụng vẫn hạn chế đối tượng có nhu cầu tiếp cận vốn vay, mức cho vay chưa thỏa mãn nhu cầu của đối tượng, chưa phù hợp với đối tượng đầu tư. Tỉnh Lào Cai đề xuất nâng mức cho vay để phù hợp với biến động giá cả thị trường và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; mở rộng đối tượng thụ hưởng để tạo động lực, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại diện các bộ, ngành, Văn phòng điều phối Trung ương trao đổi, giải đáp một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lào Cai tại buổi làm việc và gợi ý các giải pháp thực hiện hiệu quả 03 chương trình MTQG.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, Văn phòng điều phối Trung ương các chương trình MTQG đề nghị Lào Cai báo cáo làm rõ nét hơn kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương; trong đó tập trung vào sản phẩm OCOP, thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tiếp tục huy động nguồn lực đảm bảo thực hiện xây dựng nông thôn mới thực chất. Đồng thời bám sát các văn bản, quy định đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sửa đổi để triển khai thực hiện, đặc biệt tìm ra được các mô hình hay, tiêu biểu để nhân rộng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn; các tổ công tác được thành lập tăng cường xuống cơ sở để hướng dẫn, giải đáp cho người dân thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu giảm nghèo; giữ mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo tỉnh đã đề ra, thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo đi đôi với giảm tỷ lệ hộ cận nghèo… Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới được triển khai thực hiện lần đầu nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong các chương trình MTQG; đại diện Văn phòng điều phối Chương trình cho rằng có những nội dung đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lào Cai có thể tiếp thu, điều chỉnh ngay để thực hiện; tuy nhiên có những nội dung cần có sự nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh. Đồng chí cũng đã trao đổi, giải đáp đề xuất về đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ sắp xếp dân cư xen ghép, hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định rõ địa bàn thực hiện, đào tạo lao động…
Đại diện Ngân hàng chính sách xã hội đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục ưu tiên nguồn vốn địa phương ủy thác ngân hàng để cho vay đối với các đối tượng trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết ngoài mục tiêu giải ngân thì Lào Cai sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu tại các chương trình MTQG. Theo đó đến năm 2025 có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 67% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 40,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10,6% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đưa huyện Bắc Hà thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo... Đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục vận dụng hết sức linh hoạt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương nhằm đạt tỷ lệ giải ngân các chương trình MTQG đến hết năm 2024 trên 70%. Đồng chí Chủ tịch mong muốn Ủy ban Dân tộc sau khi kiểm tra, giám sát tại các địa phương sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 để giải quyết, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu tại buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG nhấn mạnh xây dựng được các chương trình MTQG là một kỳ tích; triển khai thực hiện thành công các chương trình MTQG là một chiến tích; có những chính sách mới chưa có tiền lệ, có những nội dung được tích hợp, tình huống thực tế phát sinh đòi hỏi cần phải xây dựng các chính sách đặc thù cũng như sửa đổi, bổ sung, điều chính quy định phù hợp. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá cao tỉnh Lào Cai đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình MTQG; công tác chỉ đạo điều hành rất bài bản, nhịp nhàng, Lào Cai nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao trong cả nước và là điểm sáng để các địa phương học tập kinh nghiệm
Đồng chí cho rằng các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường; vốn tín dụng chính sách xã hội cộng hưởng cùng các chính sách khác đã góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương. Bộ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Lào Cai trong triển khai thực hiện 03 chương trình MTQG.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị tỉnh Lào Cai cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ địa phương, “cầm tay chỉ việc”, đặc biệt là cán bộ cấp xã phụ trách các chương trình MTQG. Học tập kinh nghiệm hay của các tỉnh, thành phố trên cả nước vận dụng vào thực tế tỉnh Lào Cai. Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền, phân cấp của pháp luật cần cụ thể hoá, thực hiện nhanh, hiệu quả các nội dung, dự án chương trình. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các chính sách, công tác dân tộc; quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đến người có uy tín; nâng cao chất lượng chính sách tín dụng, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn cho vay phát huy hiệu quả để cải thiện đời sống, phát triển sản xuất; tiếp tục chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh Lào Cai bổ sung thêm một số nội dung các thành viên Đoàn công tác đã gợi ý để hoàn thiện Báo cáo của địa phương, từ đó Đoàn công tác có căn cứ tổng hợp, đánh giá đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Các bộ, ngành Trung ương tiếp thu đề xuất, kiến nghị của Lào Cai tại buổi làm việc để nghiên cứu, điều chỉnh theo thẩm quyền; nội dung nào vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, kiến nghị với cấp trên kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG.
Trước đó, trong buổi sáng ngày 12/8, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương đã đi khảo sát thực tế và làm việc tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa về thực hiện các chương trình MTQG (ảnh dưới):
Đoàn công tác kiểm tra công trình hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo thôn Bản Pho, xã Mường Hoa.
Kiểm tra mô hình phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng xã Mường Hoa.
Đoàn công tác làm việc với xã Mường Hoa.