Lịch sử xuất xứ và ý nghĩa tên 3 đường, 29 phố của thị trấn Phố Ràng
Ngày 30/7/2015 UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định số 2376/QĐ-UBND Quyết định về việc đặt tên 3 đường, 29 phố và 12 công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Đường Nguyễn Tất Thành – đoạn Quốc lộ 70 kéo dài từ Tổ dân phố 9D đến hết tổ dân phố 2C. Đường Nguyễn Tất Thành là tên gọi khi đi học của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969), tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Tất Thành sinh ra trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến.
Trong cuộc đời cách mạng của mình Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít-Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất”
Đường Võ Nguyên Giáp – là đoạn Quốc lộ 279 từ ngã tư Phố Ràng đến điểm đầu cầu Tân An (đền Bảo Hà). Đường Võ Nguyên Giáp là tên gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn, sinh ra tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đường Ngô Quyền – Đoạn Quốc lộ 279 từ ngã ba cầu Phố Ràng đến hết Tổ dân phố 2A. Ngô Quyền là một vị tướng và sau này là vua Việt Nam, là người sáng lập ra nhà Ngô. Ông sinh năm 898, mất năm 944 quê ở Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội. Năm 938 ông cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam. Mùa xuân năm 939, ông xưng là Ngô vương (tức là Tiền Ngô vương), đóng đô ở Cổ Loa (thuộc thành phố Hà Nội ngày nay). Tuy chỉ xưng vương nhưng ông có thể coi là người có công lớn trong việc giành được độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.
Phố Trần Phú – Đoạn đường từ nhà ông Quỳnh – Vân nối Quốc lộ 70 đến đường Gốc gạo – Cầu Đen (còn gọi là đường Huyện đội). Tên phố là tên gọi của Đồng chí Trần Phú (1/5/1904 - 6/9/1931), quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Phố Lê Quý Đôn – Đoạn đường nối giữa Quốc lộ 279 đến đường Huyện đội đi qua phòng Giáo dục – Đào tạo. Tuyến phố lấy tên của Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 1784). Ông quê ở huyện Diên Hà (nay thuộc thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà) tỉnh Thái Bình, nổi tiếng thần đồng, có trí nhớ lạ lùng, tài ứng đối mau lẹ, 14 tuổi đã học được hầu hết các bộ sách của Nho học. Năm 18 tuổi đỗ giải Nguyên ( đứng đầu kỳ thi Hương). Sau đó đỗ đầu các kỳ thi Hội và thi Đình (còn gọi là Hội nguyên và Đình nguyên). đã để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế chính trị, văn hoá, địa lý, nông học... Trong đó đặc biệt phải kể tới các công trình biên khảo về văn học và sử học. ở lĩnh vực nào, Lê Quý Đôn cũng nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo và ý thức tự tôn - tự cường dân tộc.
Phố Xuân Diệu – Đoạn đường nối giữa Quốc lộ 279 đến đường Huyện đội đi qua Viện Kiểm sát nhân dân. Tuyến phố được tên của nhà thơ Xuân Diệu, Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha sinh tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và lớn lên tại Qui Nhơn. Xuân Diệu là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, đã để lại khoảng 450 bài thơ, một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Thơ Thơ (1938), Gửi Hương Cho Gió (1945), truyện ngắn Phấn Thông Vàng (1939), Ngọn Quốc Kỳ (1945), Một Khối Hồng (1964), Thanh Ca (1982), Tuyển Tập Xuân Diệu (1983).
Phố Chu Văn An - Đoạn đường nối giữa Quốc lộ 279 đến đường Huyện đội đi qua Ban quản lý Rừng phòng hộ. Tuyến phố lấy tên thầy giáo Chu Văn An (1292–1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (Thanh Trì), nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt,huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Một góc thị trấn Phố Ràng
Phố Lương Thế Vinh – Đoạn nối Quốc lộ 70 đi qua Trường Tiểu học số 1 đến Quốc lộ 279. Lương Thế Vinh - Vị Trạng Nguyên đa tài, tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nổi tiếng là thần đồng, thông minh, nhanh trí. Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi, học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí. Chưa đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam.
Năm 23 tuổi, ông đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi. Cuộc đời 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện hàn lâm, thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm. Ông có biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Ngoài ra ông còn dạy học ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục là những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.
Phố Vũ Văn Mật – Đoạn đường nối từ Quốc lộ 70 đi qua các trường học cụm số 2 vào đến Xưởng chế biến giấy (thường gọi là đường Hoa quả). Vũ Văn Mật là công thần giúp nhà Lê chống họ Mạc. Quê gốc: Ba Động, Gia Phúc, nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1527, khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, Vũ Văn Mật cùng anh là Vũ Văn Uyên cát cứ ở Tuyên Quang. Năm 1551, cùng Lê Bá Ly đánh Mạc, đuổi chúa Mạc về Kim Thành (Hải Dương). Sau đó, ông trở về Tuyên Quang xây dựng đất này thành vùng có nông nghiệp và buôn bán phát triển. Được vua Lê phong là Gia quận công, tục gọi là chúa Bầu.
Phố Hoàng Quy – Đoạn đường nối giữa Quốc lộ 279 đi qua khu vực Bản Chom, xã Yên Sơn. Tuyến phố lấy tên đồng chí Hoàng Quy (1926 – 2006) là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính khách Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, khóa VI, Bộ trưởng Tài chính Việt Nam. Ông sinh năm 1926 quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1947 ông là Bí thư tỉnh ủy Lào Cai và đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng cơ sở, căn cứ cách mạng vùng địch hậu những năm 1947 - 1949; lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Lào Cai chiến đấu và giành thắng lợi trong chiến dịch Lê Hồng Phong, giải phóng tỉnh Lào Cai năm 1950. Năm 1951 ông tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai (nhiệm kỳ đến năm 1959), Chính trị viên Tỉnh đội.
Phố Trần Đăng – Đoạn đường nối Quốc lộ 70 (khu vực nhà nghỉ Phố Ràng) đi qua nhà hành Bình Mầu đến Sân vận động.
Phố Tôn Thất Tùng – Đoạn đường từ Quốc lộ 70 (khu bệnh viên) đến hết Tổ dân phố 7B (thường gọi đường 94 cũ). Tuyến phố này lấy tên GS.Tôn Thất Tùng - người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam. Ông sinh ngày 10.2.1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế, một miền đất có truyền thống hiếu học.GS-VS.Tôn Thất Tùng là người đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền Y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam, ông được cả thế giới biết đến với kỹ thuật cắt gan do chính ông nghiên cứu ra. Ngày 7/5/1982 Giáo sư-Viện Sĩ.Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội.
Phố Trần Quốc Toản – Đoạn đường từ Quốc lộ 70 đến nhà ông Chiến Loan. Tuyến phố lấy tên của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản (1267-1285) là một nhân vật lịch sử, sống ở thời kỳ trị vì của vua Trần Nhân Tông. Ông đã có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hi sinh mạng sống vì dân tộc của mình. Khí phách ấy đã được nói rõ trên lá cờ thêu sáu chữ vàng của ông “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Phố Trần Đại Nghĩa – Đoạn đường từ Quốc lộ 70 (khu nhà ông Duyệt – Ngoạt) đi qua nhà máy chè Đại Hưng đến tổ dân phố 8C. Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913–1997) là một kỹ sư quân sự, một nhà khoa học lớn, cũng như một nhà quản lý khoa học kỹ thuật cấp cao, cha đẻ củangành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của ông được quốc tế đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và là nỗi kinh hoàng của quân đội đối phương. Ông tên thật Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988), Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III.
Phố Lương Đình Của – Đoạn đường từ khu tái định cư Tổ dân phố 9A đi qua Tổ dân phố 9C đến Quốc lộ 70. Tuyến phố lấy tên Anh hùng lao động, Bác sỹ nông học Lương Đình Của (1920-1975) tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng là giáo sư tiến sỹ nông học ngành di truyền giống. Thành tựu lớn nhất của giáo sư Lương Định Của là giáo dục đào tạo, đặt nền móng cho nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nghề lúa Việt Nam. Nhiều thế hệ học trò do giáo sư đào tạo đã trở thành cán bộ đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học nông nghiệp với nhiều người xuất sắc. Ông đã lai tạo giống cây trồng mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời và còn được biết đến với kỹ thuật thâm canh lúa.
Phố Văn Cao – Đoạn đường nối từ Quốc lộ 70 đi vào Nhà Văn hóa Tổ dân phố 7C. Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong nền âm nhạc Việt Nam mọi thời đại. Ông chính là tác giả của bài Quốc Ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao (1923 – 1995), ông sinh tại Lạch Tray, Hải Phòng, xuất thân trong một gia đình viên chức. Cuộc đời Văn Cao gắn bó với toàn bộ sinh hoạt văn nghệ Việt Nam trước kháng chiến, trong kháng chiến và sau kháng chiến. Văn Cao ở trong cả ba bộ môn: thơ, nhạc, họa, cho nên được giới nghệ thuật ba ngành kính phục.
Phố Vũ Văn Uyên – Đoạn đường nối đường Ao cá Bác Hồ (đường Xưởng ngói cũ) đến đường Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng. Vũ Văn Uyên quê ở làng Ba Động, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông vốn là một võ võ sĩ gan dạ, cường tráng. Do mang trọng tội, ông phải lánh nạn lên Tuyên Quang. Tại đây, ông đã chạm trán với tù trưởng Đại Đồng, một tù trưởng tham lam, khiến nhân dân oán hận. Uyên bèn tập hợp lực lượng, tiêu diệt tù trưởng, ổn định tình hình, thu phục lòng dân rồi chiếm Đại Đồng, làm chủ cả một vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang ngày nay. Lúc đó,nhà Lê đang trên bờ vực sụp đổ,hoạ giặc giã nổi lên khắp nơi. Ở Thăng Long,các quyền thần như Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân cũng nổi lên làm phản. Vua Lê Chiêu Tông đang rối ren ở kinh kỳ,phong cho Vũ Văn Uyên làm Khánh Bá Hầu,cho phép Vũ Văn Uyên đóng căn cứ ở Nghị Lang.
Phố Lưu Bách Thụ - Đoạn đường nối từ trước cửa trụ sở Tòa án nhân dân đi qua phía sau Trụ sở UBND thị trấn Phố Ràng. Nhạc sĩ Lưu Bách Thụ (1914 – 1979) – tác giả ca khúc Giải phóng Lào Cai, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên công tác Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Các tác phẩm chính: Biết ơn Cụ Hồ, Giải phóng Lao Cai, Tây Bắc chiến thắng, Tay em kén chọn, Cô thợ nề Thủ đô, Bài ca Lê Thị Hồng Gấm, Em làm kế hoạch nhỏ (bài hát thiếu nhi, lời Phạm Tuyên), Vâng lời Bác Hồ(bài hát thiếu nhi).
Phố Nguyễn Chí Thanh – Đường bờ kè bên phải suối Ràng thuộc Tổ dấn phố 4B từ cầu Đen xuống hướng cầu Phố Ràng. Tuyến phố lấy tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967) tên thật là Nguyễn Vịnh sinh ngày 01/01/1914, quê làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và được nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất và Huân chương Quân công hạng nhất.
Phố Quang Trung – Đường bờ kè bên trái suối Ràng thuộc tổ dân phố 2B từ Cầu Đen xuống hướng cầu Phố Ràng. Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh vua Quang Trung tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân, Quang Trung đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc – tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh – góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Quang Trung đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc. Năm 1753 – Sinh ra tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ngày 15/9/1792 – Quang Trung đột ngột qua đời, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi cho lớp lớp những thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Phố Kim Đồng – Đoạn đường từ nhà ông Đức – Cầu đi qua tổ dân phố 6A1, 6A2 đến đầu cầu Lự 1. Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1928, dân tộc Nùng, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc (Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay). Rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 15 tuổi, anh đã nêu tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và mọi người Việt Nam noi theo. Ngày 23 tháng 9 năm 1997, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phố Nguyễn Viết Xuân - Đoạn đường từ Quốc lộ 70 đi vào Tổ dân phố 8A. “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” khẩu lệnh của anh hung liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành bất diệt. Khẩu lệnh tấn công ấy đã từng làm bạt vía kinh hồn lũ giặc lái Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc của Tổ quốc thân yêu. Nguyễn Viết Xuân (1934 - 1964) xuất thân trong một gia đình nghèo ở xã Ngũ Kiên huyện Vĩnh Tường( Vĩnh Phúc). Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Nguyễn Viết Xuân được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngoài 03 đường và 19 phố đặt tên theo các nhân vật lịch sử, các liệt sỹ, nhà hoạt động cách mạng thời hiện đại, các danh nhân văn nghệ sỹ, nhà khoa học nổi tiếng thời hiện đại và các tướng lĩnh vủa Quân đội nhân dân Việt Nam, UBND tỉnh quyết định đặt tên 10 tuyến phố theo tên địa danh cổ, cũ và tên đơn vị quân đội:
Phố Nghị Lang – Đoạn đường nối giữa Quốc lộ 279 đến đường Huyện đội đi qua Ban quản lý Rừng phòng hộ.
Phố Gốc Gạo – Đoạn đường nối từ ngã ba Vật tư thuộc Quốc lộ 279 đến ngã ba Cầu đen thuộc Quốc lộ 70.
Phố Phủ Thông – Đoạn đường từ ngã tư Phố Ràng đi qua Tổ dân phố 6B1, 6B2 đến Quốc lộ 70 (khu vực cổng Trường THCS số 1)
Phố Phúc Khánh – Đoạn đường nối từ Quốc lộ 279 đi qua đầu Ao cá Bác Hồ đến đường Trường tiểu học số 1
Phố Soi Bầu – Đoạn đường từ tổ dân phố 1A theo Tỉnh lộ 160 đến hết Tổ dân phố 1C, giáp xã Xuân Thượng
Phố Hoa Ban – Đoạn đường từ Ngã ba đầu Cầu Đen đi qua vùng Hồ Thủy điện, thuộc Tổ dân phố 3A
Phố Bản Lầu - Đoạn đường nối Quốc lộ 70 từ đầu Cầu Trắng đến hết Tổ dân phố 2D, giáp xã Tân Dương
Phố Bẫy Sậy – Đoạn đường nối từ Quốc lộ 70 (khu vực phía sau Chợ Phố Ràng) đến đường Ao cá Bác Hồ
Phố Lương Thực – Đoạn đường từ cổng Kho lương thực cũ đi qua Tổ dân phố 9A ra Quốc lộ 70 (khu vực nhà ông Phái – Cúc)
Phố Vườn Cam – Đoạn đường nối Quốc lộ 70 từ kho xăn dầu Quân đội đi qua Tổ dân phố 9C ra bờ Sông chảy nối vào Quốc lộ 70.
Ngoài 03 đường và 29 tuyến phố, UBND tỉnh quyết định gắn tên 12 công trình công cộng: Nhà văn hóa huyện Bảo Yên (nằm trong khu vực Tổ dân phố 6B1), Sân Quảng trường huyện Bảo Yên (thuộc tổ dân phố 6B1), Sân vận động huyện Bảo Yên (thuộc Tổ dân phố 6B2), Chợ Phố Ràng (thuộc Tổ dân phố 5B), Cầu Hạnh phúc (Bắc qua sông Chảy, song song với cầu treo cũ), Cầu Phố Ràng (nằm trên Quốc lộ bắc qua suối Giàng, thuộc Tổ dân phố 6B1), Cầu Lự 1 (nằm trên Quốc lộ 70, thuộc tổ dân phố 7A, 6B2) Cậu Lự 2 (nằm trên Quốc lộ 70, thuộc tổ dân phố 8B), Cầu Trắng (nằm trên Quốc lộ 70 thuộc Tổ dân phố 2C), Cầu Mác (nằm trến Quốc lộ 70, thuộc Tổ dân phố 9D), Cầu Đen ( thuộc tổ dân phố 3A), Cầu treo Phố Ràng (thuộc Tổ dân phố 1A, 2A).
A.Lìn