Khoai môn Cốc Mỳ (Bát Xát) hướng tới mục tiêu trở thành sản phẩm OCOP
Sản phẩm khoai môn trên đồng đất Cốc Mỳ
Hưởng ứng chủ trương của xã, gia đình chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng đã chuyển đổi trên 2.000m2 đất trồng ngô hàng năm để trồng cây khoai môn. Sau 8 tháng chăm sóc nay đã cho thu hoạch. Chị Vinh chia sẻ: Cây khoai môn trồng khá dễ, ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt và không mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch cũng nhanh nên khá phù hợp với điều kiện và trình độ sản xuất của người dân. Để khoai môn đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, người trồng chỉ cần chú ý làm sạch cỏ, bón phân đúng thời điểm để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại. Với giá bán củ dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg thu nhập từ trồng khoai môn cao gấp 2 - 3 lần so với trồng sắn, trồng ngô. Nói về hiệu quả kinh tế của cây khoai môn chị Hoàng Thị Vinh, thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ cho biết:“Nương nhà em trước trồng 1 cân giống ngô thu được 1-2 triệu thôi. Năm nay em trồng khoai, hiện tại em đang nhổ được 1 nửa nhưng đã được gần 1 tấn khoai. Với giá bán hiện tại 12 nghìn/kg em đã được 12 triệu. So với trước đây em thấy khoai này rất hiệu quả kinh tế”.

Nhân dân Cốc Mỳ mở rộng diện tích trồng cây khoai môn
Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Chương trình 38 của Huyện ủy Bát Xát, khoai môn là cây trồng được xã Cốc Mỳ xác định là 1 trong 4 cây trồng chủ lực của xã. Hiện, toàn xã có khoảng 17,5 ha cây khoai môn, được trồng chủ yếu tại các thôn Ná Lùng, Vĩ Kẽm; sản lượng trung bình đạt 18 tấn/ha. Dự kiến năm 2024, Cốc Mỳ sẽ mở rộng diện tích lên trên 30ha tại các thôn trên địa bàn xã để tạo vùng nguyên liệu ổn định, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Để hướng sản phẩm khoai môn đạt tiêu chuẩn OCOP xã Cốc Mỳ đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu đến năm 2024 sản phẩm khoai môn Cốc Mỳ sẽ được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Phàn A Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: “Để đưa vào thị trường hiện UBND xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai làm quy trình để được công nhận khoai môn thành sản phẩm OCOP. Trước mắt đã hoàn thiện đến bước thành lập Tổ liên kết sản xuất, giấy chứng nhận kinh doanh và đang thực hiện các bước tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2024 sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP”
Niềm vui của nông dân Cốc Mỳ khi khoai môn được mùa
Để phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát tăng cường các hoạt động tham mưu UBND huyện hỗ trợ xây dựng, nâng cấp sao các sản phẩm OCOP; tập trung sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và chế biến sâu, xây dựng mô hình sản xuất nhỏ và vừa, các Hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP. Tính đến năm 2022 huyện đã có 11 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao. Năm 2023, qua lựa chọn, đánh giá và xác định được 12 sản phẩm để đánh giá sản phẩm OCOP; toàn bộ các sản sản phẩm đã được đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ, các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã làm các quy trình đầy đủ để đánh giá.
Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bát Xát cho biết: “Huyện cũng đã xác định những giải pháp để thực hiện các mục tiêu đã đề ra; trong đó chú trọng đến công tác tuyên truền, định hướng cho các Hợp tác xã và các đơn vị doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 26 của tỉnh cũng như các nguồn vốn lồng ghép xã hội hóa và các Chương trình mục tiêu Quốc gia; sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết; đồng thời hỗ trợ, thuê đơn vị tư vấn xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mã vùng trồng và chuyển đổi số tiến tới đưa toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện lên các sàn thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”
Với sự nỗ lực của các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất khoai môn Cốc Mỳ và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu khoai môn trở thành sản phẩm OCOP sẽ giúp cho củ khoai môn từ sản phẩm bình dân sẽ nâng tầm chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm; tạo sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững./.