Lào Cai: Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Lượt xem: 796
CTTĐT - Hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh từng bước phục hồi, quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 418/KH-UBND ngày 20/11/2023 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026.

Đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ; hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV.

Trong năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp với tổng kinh phí ngân sách nhà nước đề nghị hỗ trợ DNNVV gần 18 tỷ đồng: (1) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; (2) Hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng; (3) Hỗ trợ thuế, kế toán; (4) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; (5) Hỗ trợ công nghệ; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung và chuyển đổi số; (6) Hỗ trợ mở rộng thị trường; (7) Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; (8) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; (9) Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; (10) Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; (11) Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nhất là các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với DNNVV. Tham mưu quy chế tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh. Thông qua Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn khi có các đề tài nghiên cứu ứng dụng khả thi, có ứng dụng thực tiễn sản xuất cao. Tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai để đầu tư, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, cải tiến công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kết nối với Quỹ phát triển DNNVV nhằm tăng cường cho vay, tài trợ đối với các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị của tỉnh.

Tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho DNNVV các thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán đơn giản. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế như: Khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn thuế điện tử,… nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện các chính sách phí, lệ phí đối với DNNVV theo quy định; điều chỉnh mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh;…

Hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn, tư vấn thông tin đến các DNNVV có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Thí điểm tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và tổ chức thực hiện độc lập để tạo quỹ đất thu hút, kêu gọi đầu tư vào các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản; kinh phí giải phóng mặt bằng do ngân sách tỉnh đảm bảo. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý chất thải, mua thiết bị cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến đảm bảo theo đúng quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung cho DNNVV phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Triển khai chính sách hỗ trợ 100 DNNVV trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế về hỗ trợ thông tin khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ; triển khai hỗ trợ chính sách khuyến công, trong đó tập trung vào hỗ trợ máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, trình diễn kỹ thuật, thiết kế và sản xuất bao bì sản phẩm. Xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi số các mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải truyền thông của doanh nghiệp sang phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.

anh tin bai

Tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống kết hợp phương thức điện tử (Ảnh: LCĐT).

Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử như: Tạo gian hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, đưa sản phẩm hàng hóa của tỉnh lên các sàn Thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số thông qua các Hội nghị xúc tiến thương mại, Hội chợ, Hội nghị kết nối giao thương trực tuyến, chợ online 4.0, Ngày online Friday… Hướng dẫn cho các doanh nghiệp thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu để tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký. Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh kết nối với các đối tác nước ngoài, từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp và các nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu; tăng cường tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử;… Hướng dẫn, giải quyết các tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp. Hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin đối với các DNNVV về các thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quy hoạch, lao động, doanh nghiệp và đất đai, xuất nhập khẩu đối với các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

Thực hiện hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo về: Khởi sự kinh doanh, Quản trị doanh nghiệp, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế… Năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nghề cho khoảng 10.000 lao động, cung ứng khoảng 6.000 lao động làm việc trực tiếp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể tập trung ở các lĩnh vực, ngành nghề: Du lịch - dịch vụ, Điện, Công nghệ ô tô, Chăm sóc sắc đẹp, Điều dưỡng, Nông nghiệp công nghệ cao,… Phối hợp, liên kết khoảng 40 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối, tư vấn giới thiệu giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh. Giai đoạn 2024 - 2026, phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng nghề cho khoảng 30.000 lao động, cung ứng khoảng 25.000 lao động làm việc trực tiếp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh tế tập thể.

Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hỗ trợ miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố triển khai cơ chế hỗ trợ miễn lệ phí môn bài cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo quy định. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định. Thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên, sinh viên.

Khuyến khích và hỗ trợ DNNVV đầu tư phát triển sản xuất đối với 06 ngành hàng chủ lực và 02 lĩnh vực theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Nghiên cứu, dự báo, cập nhật thông tin liên quan đến sự biến động của thị trường thế giới và nhu cầu sản phẩm, số lượng, chất lượng, chủng loại, giá cả, thị hiếu… để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Triển khai chương trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thuộc Chương trình OCOP vào hoạt động tiêu dùng du lịch. Hướng dẫn các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến để được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trong hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật.

Các tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.117 doanh nghiệp (tăng 10,6% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 94.073 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.596 doanh nghiệp.

Thanh Huyền
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
  • GIỚI THIỆU LÀO CAI
    (20/07/2023)
  • XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
    (20/07/2023)
  • PS Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai năm 2022
    (22/12/2022)
  • PS XÃ NGHÈO NỖ LỰC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    (15/12/2022)
  • PS Duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí nông thôn mới
    (20/11/2022)
1 2 3 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1