1.
Tài nguyên thiên nhiên
* Đất: Lào Cai có diện tích tự nhiên rộng 6.383,88 km2, độ phì
nhiêu cao, rất màu mỡ, đa dạng bao gồm 10 nhóm đất với 30 loại đất chính, phù hợp
với nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp có 135.527,45
ha, đất lâm nghiệp 358747,69 ha, đất chuyên dùng 17.975,66 ha, đất ở 4.888,66
ha.
* Nước: hệ thống sông suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa
bàn tỉnh với 2 con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy bắt nguồn Trung
Quốc và hàng nghìn sông, suối lớn nhỏ. Đây là điều kiện thuận lợi cho Lào Cai
phát triển các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Trên địa bàn tỉnh có bốn nguồn
nước khoáng, nước nóng có nhiệt độ khoảng 40C và nguồn nước siêu nhạt ở huyện
Sa Pa, hiện chưa được khai thác, sử dụng.
* Rừng: Tổng trữ lượng tài nguyên rừng toàn tỉnh có 51.905 m3 gỗ
(trong đó, rừng tự nhiên 225 m3; gỗ rừng trồng 51.680 m3, gỗ nguyên liệu giấy
15.580m3); 1.196.000 cây tre, vầu các loại. Diện tích quy hoạch cho đất lâm
nghiệp 358.747,69 ha, chiếm 56,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) với hệ sinh thái tự nhiên rất
phong phú (có có 2.024 loài thực vật thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong
sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách
xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùngv.v… động vật có 66
loài thú trong đó có 16 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam chim, thú, bò sát, rất
nhiều loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm, có kho tàng quỹ gen thực vật quý
hiếm chiếm 50% số loài thực vật quý hiếm của Việt Nam).
* Khoáng sản: Lào Cai là một trong những tỉnh giàu tài nguyên
khoáng sản nhất Việt Nam với 35 loại khoáng sản khác nhau và trên 150 điểm mỏ.
Trong đó có nhiều loại khoáng sản như apatít, đồng, sắt, graphít, nguyên liệu
cho gốm, sứ, thuỷ tinh,… với trữ lượng lớn nhất cả nước. Một số mỏ có trữ lượng
lớn dễ khai thác, dễ vận chuyển và đang có thị trường quốc tế đã tạo thuận lợi
cho phát triển công nghiệp chế biến các loại khoáng sản ở địa phương.
2.
Tiềm năng kinh tế
* Tiềm năng công nghiệp:
- Lào Cai là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, có trên 35 loại
khoáng sản khác nhau, với 150 điểm mỏ có giá trị, trong đó có nhiều loại chất
lượng cao, trữ lượng lớn, điển hình: Apatit (2,1- 2,5 tỷ tấn), sắt (137 triệu tấn),
đồng, vàng gốc, graphít, đất hiếm,
fenpat, nguyên liệu gốm, sứ thủy tinh…
- Nhiều loại khoáng sản đang được khai thác phục vụ chế biến sâu tại
Lào Cai như tuyển quặng apatít, đồng.
- Lào Cai có tiềm năng lớn về thủy điện.
* Tiềm năng phát triển nông
- lâm nghiệp
Lào Cai có địa hình khá phong phú, phân tầng độ cao thấp rõ rệt,
khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm hai vùng: Vùng cao, nhiệt độ trung bình từ 15 độ C – 20 độ C, với
đặc điểm khí hậu á nhiệt đới, mát mẻ về mùa hè, lạnh giá về mùa đông rất phù hợp
với các loại cây trồng ôn đới như táo, lê, đào, mận, hoa hồng, hoa ly, địa lan,
cây dược liệu, rau trái vụ, nuôi cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm, các sản phẩm
của vùng này đều mang tính đặc sản mà các tỉnh vùng thấp không có được, đây
chính là một tiềm năng, thế mạnh riêng của tỉnh Lào Cai; Vùng thấp nhiệt độ
trung bình từ 23 độ C – 29 độ C gồm các
xã nằm dọc theo sông Hồng và một phần sông Chảy mang đặc trưng của khí hậu nhiệt
đới nóng ẩm, phù hợp với phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới như dứa, chuối,
cam, quýt....đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu chế biến chè, thuốc lá...
Đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ấm (cá chiên, cá
lăng chấm, tôm càng xanh…).
Lào Cai còn có tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, diện tích đất rừng
sản xuất chiếm 45% đất nông nghiệp.
* Tiềm năng thương mại – kinh tế cửa khẩu:
Lào Cai có cặp cửa khẩu Quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu (đường sắt và đường
bộ) với 3 điểm thông quan: Ga quốc tế Lào Cai, cầu đường bộ qua sông Nậm Thi, cầu
đường bộ qua sông Hồng (là điểm nối giữa đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai (Việt
Nam) với đường cao tốc Hà Khẩu - Côn Minh (Trung Quốc) là cầu nối quan trọng
trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Là cửa
ngõ của Việt Nam và các nước ASEAN. Trung tâm của Hành lang Bắc Nam trong hợp
tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) với thị trường Tây Nam –
Trung Quốc. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm
trong lòng một thành phố trực thuộc tỉnh, có đầy đủ hệ thống dịch vụ của đô thị
loại III cũng như các dịch vụ thưng mại vận tải, kho bãi, logicstics, giám định
hàng hóa, cảng ICD…
Từ năm 2001 đến nay, hội chợ thương mại biên giới được luân phiên
hàng năm giữa Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc), thu hút
đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
* Tiềm năng du lịch:
Lào Cai là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng,
mang những nét đặc trưng độc đáo như: có đỉnh Phan xi păng cao nhất Đông
Dương; một số nơi khí hậu quanh năm mát
mẻ như Bắc Hà, Sa Pa; có bãi đá cổ huyền bí; có các di tích lịch sử được xếp hạng;
có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng từ chữ viết,
trang phục, kiểu dáng nhà ở, văn hóa ẩm thực, tâm linh… Tỉnh Lào Cai có vai trò
là một trung tâm du lịch tiểu vùng miền núi tây Bắc và cũng là tỉnh biên giới cửa
ngõ, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam – một tỉnh du lịch đầy tiềm năng của Trung Quốc,
đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Lào Cai phát triển kinh tế du lịch.
Từ những lợi thế về địa lý, tài nguyên du lịch đã giúp cho Lào Cai phát triển
nhiều loại hình du lịch như: Du lịch Văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh
thái, du lịch tham quan, du lịch thể thao, du lịch nghiên cứu khoa học.
(Các số liệu về diện tích rừng, đất tổng hợp từ
số liệu Cục Thống kế tỉnh tính đến ngày 01/01/2015)