CTTĐT - Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc Việt
Nam cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 265 km theo đường bộ. Phía đông giáp tỉnh
Hà Giang; phía tây giáp tỉnh Sơn La và Lai Châu; phía nam giáp tỉnh Yên Bái,
phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với hơn 182,086 km đường biên giới (trong đó: Đường biên giới trên sông là 131,654 km và đường biên giới trên đất liền là 50,432 km).
Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa bàn Lào Cai.
Cách ngày nay hơn vạn năm, con người đã có mặt tại địa
bàn Lào Cai.
Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ
Tân Hưng, là một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang - là một trung tâm kinh tế
chính trị lớn ở thượng nguồn sông Hồng. Đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê có biết bao
biến động về địa danh... Đến đời nhà Nguyễn, vùng đất Lào Cai chủ yếu thuộc đất
của châu Thủy Vỹ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ
thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hóa. Đến thời điểm này địa danh Lào Cai chưa
được hình thành.
Vùng đất thị xã Lào Cai ngày nay xưa kia có một khu chợ,
dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng
địa phương được gọi là Lão Nhai (tức Phố Cũ). Sau này người ta mở thêm một phố
chợ khác gọi là Tân Nhai (Phố Mới ngày nay). Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ
Lão Nhai được biến âm thành Lao Cai và được gọi một thời gian khá dài. Khi làm
bản đồ, người Pháp viết Lao Cai thành Lào Kay. Danh từ Lào Kay đã được người
Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu. Nhưng trong giao tiếp và dân gian
người ta vẫn gọi là Lao Cai. Sau ngày tỉnh Lao Cai được giải phóng (11-1950),
đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay. Sau khi đánh chiếm Lào Cai (3
-1886) và khi hoàn thành công cuộc bình định quân sự, thực dân Pháp cai quản địa
hạt Lào Cai theo chế độ quân sự. Ngày 7/01/1899, đạo quan binh IV được thành lập
bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai. Lào Cai là đạo lỵ, thủ
phủ của đạo quan binh IV. Để dễ bề kiểm soát và tiến hành khai thác bóc lột, thực
dân Pháp đã chia lại khu vực hành chính và thay đổi chế độ cai trị. Ngày
12/7/1907, toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai,
chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai.
Từ đây địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam.
Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, địa
lý Lào Cai cũng có nhiều thay đổi. Về địa danh hành chính,qua nhiều lần tách nhập:
- Thành lập tỉnh dân sự Lào Cai (12/7/1907), phần đất
của châu Thủy Vỹ bên hữu ngạn sông Hồng sáp nhập vào Chiêu Tấn, vẫn lấy tên là
châu Thủy Vỹ. Từ đó địa danh Chiêu Tấn không còn. Phần đất của châu Thủy Vỹ bên
tả ngạn sông Hồng được tách ra lập thành châu Bảo Thắng. Tỉnh Lào Cai gồm hai
châu Thủy Vỹ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Phong Thổ, Bát Xát, Bắc Hà
(Pa Kha) và thị xã Lào Cai, trong đó có 855 làng bản, 6.812 hộ, 39.099 nhân khẩu,
với 11 dân tộc chủ yếu: Hmông, Dao, Tày, Giáy... trong đó người H'mông chiếm
26,56%, Dao 22,41%, Tày, Giáy 20,77%, Kinh 4,52%, Nùng 7,33%, Thái 9,25%, U Ní
2,48%, Hoa Kiều 4,44%, còn lại là các dân tộc khác. - Sau khi tỉnh Lào Cai được
giải phóng lần thứ nhất, Lào Cai được chia thành 8 huyện: Bắc Hà, Mường Khương,
Bản Lầu, Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ và thị xã Lào Cai.
- Ngày 7/5/1955, khu tự trị Thái Mèo được thành lập,
huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai chuyển sang khu tự trị Thái Mèo, sau này thuộc
tỉnh Lai Châu.
- Ngày 27/3/1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V đã
nghị quyết hợp nhất ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh mới lấy tên
là Hoàng Liên Sơn.
- Ngày 17/4/1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định hợp
nhất thị xã Lào Cai và Cam Đường thành thị xã Lào Cai trực thuộc tỉnh Hoàng
Liên Sơn.
- Ngày 12/8/1991 kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra
Nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
- Ngày 01/10/1991 tỉnh Lào Cai được tái lập, trên cơ sở
vùng đất Lào Cai (cũ) và bổ sung thêm ba huyện: Bảo Yên, Văn Bàn (thuộc Yên Bái
cũ), Than Uyên (thuộc Nghĩa Lộ cũ) bao gồm 8 huyện, hai thị xã.
- Ngày 9/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng quyết định tách thị
xã Lào Cai thành hai thị xã Lào Cai và Cam Đường.
- Ngày 30/12/2000, huyện Bắc Hà được tách thành hai
huyện Si Ma Cai và Bắc Hà.
- Ngày 31/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định
sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.
- Ngày 1/01/2004, huyện Than Uyên được tách ra thuộc tỉnh
Lai Châu (mới).
- Ngày 30/11/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định
số 195/2004/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai, gồm
thành phố Lào Cai và 8 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường
Khương, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Lào Cai