Tọa đàm trực tuyến: “Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội"
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vào 9h00 ngày 28/9, Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến giữa các tổ chức, cá nhân với bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về chủ đề “Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Chương trình tọa đàm sẽ tập trung vào các vấn đề:
-Những kết quả về ứng dụng khoa học & công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;
-Những khó khăn trong quá trình triển khai cũng như những tồn tại hạn chế trong ứng dụng khoa học & công nghệ của tỉnh Lào Cai;
-Các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Chương trình tiếp nhận câu hỏi từ ngày 24/09 đến 9h45 ngày 28/09/2018 tại địa: doithoai.laocai.gov.vn; hòm thư: doithoailc@gmail.com; banbientap@laocai.gov.vn hoặc qua số điện thoại: 0214.3828.966
Chương trình Tọa đàm trực tuyến của Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai sẽ được thực hiện trực tuyến tại địa chỉ: doithoai.laocai.gov.vn  vào lúc 9h00 ngày 28/09/2018 và được phát sóng trên sóng phát thanh – truyền hình tỉnh.
Quý tổ chức, cá nhân có thể theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp tại buổi tọa đàm thông qua địa chỉ doithoai.laocai.gov.vn 
Trân trọng thông báo!
  • Người hỏi: Giàng Seo Páo - Phong Niên - Bảo Thắng

    Theo tôi được biết việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm rất phức tạp. Vậy thưa bà, sở Khoa học và Công nghệ có hỗ trợ như thế nào cho cá nhân tổ chức trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm thực hiện theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nộp về Cục Sở hữu trí tuệ. Trong thời gian vừa qua Sở đã hỗ trợ cho tổ chức cá nhân trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm như sau:
    - Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông qua cơ chế, chính sách:  
    +  Tham mưu ban hành Quyết định 88/2016/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ KH&CN) trong đó có nội dung hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với điều kiện và cách thức hỗ trợ thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; 
    + Hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ 27 nhãn hiệu cho trên 30 sản phẩm đặc sản  chủ lực của tỉnh thông qua Dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. 
    - Hỗ trợ thông qua tuyên truyền, đào tạo tập huấn:
    + Thủ tục, quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được Sở KH&CN đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở, để tổ chức cá nhân truy cập và tải quy trình vào mọi lúc mọi nơi;
    + Biên soạn thành các chuyên mục Sở hữu trí tuệ để tuyên truyền trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh (từ năm 2010- 2018 có 78 chuyên mục  SHTT  phát sóng trên Đài PTTH);
    +  Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kiến thức SHTT, quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để cá nhân tổ chức nắm được quy trình đăng ký bảo hộ và tự thực hiện bảo hộ nhãn hiệu.
    - Tư vấn, hướng dẫn trực tiếp:
    + Tư vấn hướng dẫn trực tiếp tại cơ quan và qua điện thoại, Email (mỗi năm hướng dẫn hàng chục đơn vị thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như: HTX rượu Men lá Na Lang Mường Khương; Cơ sở sản xuất thực phẩm sạch An Tâm, cơ sở sản xuát Miến dong Hưng Hiền,...);
    + Hướng dẫn bằng văn bản gửi cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố (trong năm ban hành CV 183/SKHCN-QLCNg  ngày 04/4/2018 đã hưỡng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm);
    + Hỗ trợ xác nhận bản đồ, cấp phép sử dụng địa danh để bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm mang địa danh.
    Từ năm 2010 đến nay, Sở KH & CN đã tư vấn hướng dẫn hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng trăm tổ chức cá nhân. Một số nhãn hiệu được bảo hộ phát triển hiệu quả như mật Ong Thanh Xuân, Tương ớt Mường Khương, mận Bắc Hà, Gạo Séng Cù, Bưởi Múc Bảo Thắng,...  
    Để được hướng dẫn cụ thể quy trình, hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đề nghị tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp đến phòng Quản lý Chuyên ngành  - Sở KH&CN Lào Cai theo số ĐT; 0214 3820 586, hoặc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở KH&CN tại địa chỉ: http://skhcn.laocai.gov.vn vào mục hoạt động quản lý->quản lý chuyên ngành  vào mục sở hữu trí tuệ -> văn bản hướng dẫn./.
      

  • Người hỏi: Trần Ngọc Hùng - tổ 4 - TT Sa pa
    Xin cho hỏi, tôi nghe nói lắp đặt điện mặt trời rất tiết kiệm chi phí, nhưng tôi chưa biết cụ thể cách lắp đặt thế nào, liên hệ ở đâu để lắp đặt đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ. Nếu được cung cấp cho tôi giá thành lắp đặt tại hộ gia đình.
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Về công nghệ hiện nay, tấm pin năng lượng mặt trời chỉ cần hấp thụ ánh sáng đã sản xuất ra điện năng, tuy nhiên nếu giờ nắng nhiều thì điện năng lớn.
    Khi hệ thống điện mặt trời sản xuất đủ lượng điện đáp ứng đủ nhu cầu thì lượng dư thùa được nhập vào lưới điện quốc gia, thậm chí có thể dư thừa bán ngược lại điện lên lưới cho nhà nước. 

    -Hướng dẫn cụ thể về công nghệ và kỹ thuật; hiệu quả kinh , biện pháp thi công lắp đặt, giới thiệu một số cơ sở cung ứng pin ăng lượng mặt trời uy tín, giá rẻ:chúng tôi nêu trong câu trả lời trong cổng TTĐT này, 

    -Còn chi phí bình quân 1KW đầu tư khoảng từ 40-50 triệu đồng, tùy thuộc linh kiện và công nghệ của các quốc gia khác nhau (Nhật, Đức, Trung quốc…). 
    -Một số  cơ sở cung ứng pin ăng lượng mặt trời uy tín, giá rẻ:

    1.  Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ cao – Bộ Quốc Phòng
    Trụ sở chính: Khu Đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà  Nội
    2.  Công ty Cổ phần điện mặt trời Vũ phong: 
    Trụ Sở: 111 Đường 743C, Đồng An 3, Thuận An, Bình Dương với nhiều cơ sở cung cấp sản phẩm (Hồ Chí Minh;  Đà Nẵng; Hà Nội…)
    3. Công  ty TNHH Sản Xuất MEGASUN: là công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng mặt trời dùng trong dân dụng & công nghiệp tại Việt Nam:
    - Ngoài ra bạn có thể tham khảo các địa chỉ tin cậy khác trên mạng Internet để lựa chọn đầu tư cho phù hợp với điều kiện kinh tế./
    ___________________________________________________

    Cụ thể: 
    - Về công nghệ và kỹ thuật: Tấm pin năng lượng mặt trời được đánh giá chất lượng cao khi: Hiệu suất chuyển đổi quang năng thành điện năng cao nhất, như các công nghệ hiện nay ( PV, Mono Crystalline, Poly Crystalline… )  có thể chuyển đổi trung bình từ 14% lên tới 35%, nghĩa là khi năng lượng mặt trời đạt 1000w/m2 (ở điều kiện môi trường tiêu chuẩn) tấm pin sẽ sản xuất ra lượng điện năng tương đương đạt từ 200w/h cho tới 350w/h/m2; Độ bền về lượng điện năng sản xuất ra ổn định suy giảm thấp nhất sau nhiều năm sử dụng, hiện tại trung bình đạt khoảng 80-90% công suất thiết kế sau 25-30 năm sử dụng;

    - Về góc độ kinh tế:
    + Căn cứ vào khả năng đầu tư tài chính và nhu cầu sử dụng điện hàng ngày của dự án để lựa chọn công nghệ và công suất phù hợp. Chủ đầu tư hoàn toàn có thể lên kế hoạch đầu tư bổ xung hàng năm cho hệ thống điện mặt trời theo khả năng tài chính của mình, cho đến khi hệ thống điện mặt trời sản xuất đủ lượng điện đáp ứng đủ nhu cầu, lượng dư thùa được nhập vào lưới điện quốc gia, thậm chí có thể dư thừa bán ngược lại điện lên lưới cho nhà nướ

    + Hệ thống được khấu hao hàng ngày, về độ bền trên thực tế, hầu hết các pin mặt trời lắp đặt cách đây 20 năm về trước vẫn làm việc tốt cho đến nay và đạt hiệu suất  trên 95% với công suất thiết kế  ban đầu.

    + Chi phí bình quân 1KW đầu tư khoảng từ 40-50 triệu đồng, tùy thuộc linh kiện và công nghệ của các quốc gia khác nhau (Nhật, Đức, Trung quốc…). 

    - Biện pháp thi công lắp đặt: 
    + Tấm pin năng lượng mặt trời thường được lắp đặt trên nóc nhà, xây dựng trạm độc lập, cột, vách tường kính … Quan trọng là để tấm pin của bạn nhận được trực tiếp nhiều năng lượng mặt trời nhất từ trái đất có thể trong mọi điều kiện về môi trường, không gian và thời gian. Đảm bảo hệ thống luôn tiếp nhận năng lượng mặt trời được hiệu quả tối đa quanh năm. Dàn năng lượng mặt trời công suất đạt tối đa khi đặt vuông góc với ánh sáng mặt trời trực tiếp dưới mặt trời lúc nắng trưa hè.

    + Loại bỏ tất cả các vật cản ngăn chặn ánh sáng mặt trời tới các tấm pin mặt trời: cây cối, tòa nhà cao tầng…. theo dõi đường đi của mặt trời trên bầu trời để xác định vị trí và hướng tối ưu cho vị trí lắp đặt các tấm pin. Nếu không dàn pin mặt trời của công trình sẽ bị giảm hiệu quả đáng kể.

    + Để làm điều tốt này, cần thiết lập đúng và cài đặt các tấm pin mặt trời của bạn bằng cách theo dõi vị trí của mặt trời trên bầu trời trong suốt năm.

    + Ngoài ra theo định kỳ hàng tháng, quý bảo dưỡng dàn pin mặt trời bằng cách lau rửa các lớp bụi bẩn bám lên bề mặt của tấm pin mặt trời để dàn pin của công trình luôn đạt hiệu suất cao nhất.

    - Các cơ sở cung ứng pin ăng lượng mặt trời uy tín, giá rẻ:
    1.  Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ cao – Bộ Quốc Phòng
    Trụ sở chính: Khu Đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà  Nội
    Tel: 04. 36404859     Fax: 04. 36404855    E-mail: hitaco@hitaco.vn
    2.  Công ty Cổ phần điện mặt trời Vũ phong:
    Trụ Sở: 111 Đường 743C, Đồng An 3, Thuận An, Bình Dương
    VP Hồ Chí Minh: 70 Cao Đức Lân, KĐT An Phú An Khánh, Quận 2
    VP Đà Nẵng: 128 Tiểu La, Hải Châu, Đà Nẵng
    VP Hà Nội: PECO BUILDING 44 Sài Đồng, Long Biên, HN
    Cần Thơ: 03 Nguyễn Văn Cừ, Cồn Khương, Ninh Kiều,
    Tel: 1800 7171 / +84 274 7300300
    Email: vp@vuphong.vn
    3. Công  ty TNHH Sản Xuất MEGASUN: là công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng mặt trời dùng trong dân dụng & công nghiệp tại Việt Nam:
    Địa chỉ: 387-388/5B Xa lộ Hà Nội, Khu phố 5, P. Tân Biên, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam; Showroom Hà Nội: ĐT: (024) 3699 0788; TP Hồ Chí Minh  ĐT: (028) 3511 6118.
    Ngoài ra bạn có thể tham khảo các địa chỉ tin cậy khác trên mạng Internet để lựa chọn đầu tư cho phù hợp với điều kiện kinh tế./


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Từ thực tiễn có thể thấy rằng: Khoa học, công nghệ đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Vậy trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển địa phương được triển khai như thế nào?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    ​Có thể đánh giá, trong thời gian qua ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đã nỗ lực tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể như sau:

    1. Công tác tham mưu định hướng, cụ thể hóa và kiện toàn các chính sách pháp luật về hoạt động khoa học và công nghệ:
    5 năm qua, ngành đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khoa học và công nghệ (trong đó có 15 văn bản Quản lý các nhiệm vụ KH&CN, sở hữu trí tuệ, sáng kiến, An toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn ĐLCL; công nghệ và chuyển giao công nghệ…) và Đề án số 11- ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh Ủy Lào Cai về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, đã tạo được một hệ thống hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. 

    2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, đầu tư, tạo dựng, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh:
    Hoạt động này ngành khoa học và công nghệ đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp các sở ban ngành, đồng tình hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, đến các hộ kinh tế tư nhân bước đầu đã vào cuộc và đạt được một số thành tựu nổi bật như sau:
    - Về nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ nói chung đã có sự chuyển biến tích cực ngoài nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh và Trung ương đầu tư. Tại khu vực doanh nghiệp cũng đã  trích lập được các quỹ đầu tư áp dụng khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra các tổ chức hộ kinh tế tư nhân cũng đã dành nguồn lực đáng kể cho hoạt động này để phát triển. 
    - Về hoạt động đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ: Hoạt động đào tạo, chuyển giao, áp dụng công nghệ mới, tiếp cận các chuẩn mực khoa học quốc tế trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cũng có những bước phát triển vượt bậc,  từ năm 2015 đến nay.  cụ thể như việc tiếp cận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001,TQM (hệ thống quản lý chất lượng toàn diện), VietGAP…đã được quan tâm áp dụng hiệu quả tại 670 doanh nghiệp; Trong khu vực cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã trên 90%  đơn vị triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, nhờ đó công tác chung tay cải cách hành chính cũng đã đem lại những thành quả nhất định. công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng có bước tiến mới, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 18 phòng thử nghiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa (trong đó có 08 phòng thử nghiệm được công nhận VILAS- phòng thử nghiệm cấp quốc gia); Có 10 tổ chức cung ứng dịch vụ công về kiểm định, đo lường, thử nghiệm đánh giá sự phù hợp. 

    - Ngoài ra hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng có bước phát triển vượt trội đóng góp vào thành quả chung của hoạt động khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong 5 năm qua Hội đồng sáng kiến của tỉnh đã họp đánh giá tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh cho hơn 600 sáng kiến cấp tỉnh. Trong đó có đến 35% là sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế hàng chục tỷ đồng, điển hình là các sáng kiến trong hoạt động tuyển khoáng của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, sáng kiến nâng cao năng suất chất lượng của công ty TNHH MTV xăng dầu Lào Cai...
    Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN và sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

    5 năm qua, với 72 đề tài, dự án cấp tỉnh cấp Bộ KH&CN được triển khai: đã nghiên cứu, khảo nghiệp bổ sung được 22 giống cây trồng, vật nuôi vào cơ cấu giống của tỉnh (như một số giống lúa, ngô, rau, hoa mới năng suất cao, gà đông tảo lai, cá Bỗng, cá chép lai...)  và hơn 30 tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được chuyển giao và ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao như: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất và nhân giống; áp dụng hệ thống nhà lưới hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp...
    Lĩnh vực y tế: Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh như: Ứng dụng kết quả nghiên cứu phẫu thuật thay khớp háng bằng vật liệu nhân tạo (bán phần và toàn phần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai); Áp dụng công nghệ khử trùng tiên tiến để chống nhiễm khuẩn, lây chéo tại Bệnh viện của tỉnh Lào Cai; giải pháp giảm thiểu bệnh đái tháo đường... 
    Trong công nghiệp: đã nghiên cứu tận thu khoáng sản, tạo các sản phẩm mới, cải thiện chất lượng môi trường (như công nghệ chế biến quặng Apatit loại 2 thành các chế phẩm theo phương pháp hóa học thân thiện với môi trường, Chế biến xỉ phốt pho làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng...)
    Đặc biệt là các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn đã có những đóng góp thiết thực giúp cho tỉnh trong việc hoạch định chiến lược, định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

    - Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực kinh tế tư nhân cũng đã và đang có xu hướng tăng cao như hoạt động cải tiến nông cụ, áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất nông nghiệp, trong cơ khí chế tạo, khai thác vật liệu xây dựng, sản xuất gạch, bê tông đúc sẵn…điển hình như Nhà máy gạch tuynel Đức Tiến (Bát Xát) đã đi đầu đổi mới công nghệ sản xuất gạch tuynel với dây chuyền sản xuất của nhà máy có công suất 35 triệu viên/năm được đầu tư theo hình thức tự động hóa, gồm 2 rô bốt xếp gạch tự động, lò tuynel trần bằng, hệ thống băng tải gạch tự động, hệ thống xe nâng xếp hàng.
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Lào Cai được đánh giá là địa phương thích hợp cho phát triển các loại rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả ôn đới… xin bà cho biết ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất đối với những cây trồng trên như thế nào?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Trong những năm qua, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong sản xuất nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đạt 1.229,7 ha ( trong đó 282 ha rau; 105,3 ha hoa; 176 ha dược liệu; 124 ha cây ăn quả....); sản xuất ứng dụng một phần công nghệ cao là 7.765ha.

    Công nghệ áp dụng: Hệ thống nhà lưới, nhà kính; canh tác trên luống đất có che phủ ni-lông; tưới tiết kiệm điều kiện tự động hoặc bán tự động; sản xuất theo quy trình (VietGAP, GlobalGAP); quy trình kỹ thuật GACP-WHO; bảo quản, đóng gói sản phẩm sau thu hoạch bằng công nghệ tiên tiến, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, để vận chuyển tiêu thụ sản phẩm tới các thị trường ngoài tỉnh.

    * Đối với cây rau, hoa: 
    - Tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao rau hoa có giá trị kinh tế cao, thực hành sản xuất theo quy trình VietGap tại huyện trong tỉnh Lào Cai. Gồm: cà chua và dưa lưới; dưa Kim Hoàng Hậu, cải bắp chịu nhiệt cà chua giống mới của Nhật. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong sản xuất, nhân giống hoa, hoa cúc, Địa lan thơm tại Bắc Hà và Bảo Thắng.

    * Đối với cây dược liệu: 
    Tiến hành nghiên cứu sản xuất các giống cây dược liệu như: cây tam thất, đương quy, Đan sâm, Cát cánh; độc hoạt mộc hương; Bạch Chỉ, Huyền Sâm, Tục đoạn...Quy mô 6,5ha tại hai huyện Sa pa và Bắc Hà, huyện Bát Xát theo tiêu chuẩn GACP-WHO từng bước chủ động nguồn giống phục vụ mục tiêu trồng 1.200 ha theo quy hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh đến năm 2020. 

    * Cây ăn quả: Nghiên cứu quy trình nhân giống, sản xuất và thâm canh nâng cao chất lượng vùng Bưởi; Na; Đại táo, Thanh long ruột đỏ nhằm cải tạo và nâng cao giá trị các giống cây ăn quả của địa phương, đồng thời bổ sung những giống mới vào cơ cấu giống của tỉnh. 
    Để nâng cao giá trị các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, và phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành KH&CN đã tham mưu hỗ trợ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm rau, hoa cây ăn quả như: rau an toàn Sa Pa, rau Bắc Hà, hoa Sa Pa, Su Su Sa Pa;  nhãn hiệu Lê Lào Cai, Bưởi Múc Bảo Thắng, Quả Bảo Thắng, Mận Bắc Hà, Quýt Mường Khương; nhãn hiệu Dược liệu Bắc Hà, Đương quy Bát Xát, Xuyên Khung Bát Xát...
  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Thực tế cho thấy thời gian qua, người dân phải đối mặt với việc chuối, dứa… và một số sản phẩm nông sản khác giá cả không ổn định, khó tiêu thụ. Đây là thực trạng diễn ra nhiều năm, không chỉ trong năm nay. Vậy xin bà cho biết, hiệu quả của nghiên cứu khoa học phục vụ cho tiêu thụ và chế biến nông sản thời gian qua như thế nào?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    ​Sản phẩm chuối, dứa nói riêng và một số sản phẩm nông sản khác nói chung trong thời gian qua giá cả không ổn định, khó tiêu thụ do nhiều yếu tố như: Giống, chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường tiêu thụ, việc cung cấp sản phẩm mang tính chất nhỏ lẻ, không có quy mô công nghiệp....Riêng chuối và dứa thì giống và thị trường hầu như phụ thuộc chủ yếu vào nước bạn Trung Quốc. 

    Nắm bắt tình hình đó, ngành KH&CN đã tham mưu cho tỉnh tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống chuối tạo nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh phục vụ cho sản xuất, hoàn thiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tham mưu cho tỉnh đặt hàng Bộ KHCN, Bộ KH&CN  đang hỗ trợ doanh nghiệp (công ty Hoàng Lan) phát triển cây chuối trên đất dốc đạt chất lượng xuất khẩu; hỗ trợ ứng dụng TBKHCN phát triển nhân giống, trồng và chế biến một số cây dược liệu như thạch hộc tía, lan kim tuyến, cát sâm, đương quy... Tuy nhiên chưa có kết quả nghiên cứu phục vụ cho chế biến nông sản đặc biệt là đối với chuối, dứa, dược liệu.

    Đồng thời, Ngành tham mưu tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng bảo hộ nhãn hiệu Chuối, Dứa, một số nông sản khác...gắn với địa danh thương hiệu của vùng địa lý nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu làm tăng giá trị, nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm. 

    Để thúc đẩy quá trình tiêu thụ và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương các doanh nghiệp và người dân, các cơ quan ban ngành trong việc sản xuất chế biến đa dạng hóa các sản phẩm nông sản nói chung (chuối, dứa nói riêng) theo chuỗi giá trị bao gồm: 
    - Tiến hành sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm;
    - Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ  chuối, dứa đồng thời phải bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu các sản phẩm chế biến từ nông sản đó;
    - Liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

    * KHCN tiếp tục triển khai các nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về giống, bảo quản và chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản để tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại. Đồng thời sẽ giúp đỡ các tổ chức cá nhân bảo hộ nhãn hiệu thương hiệu các sản phẩm chế biến từ nông sản đó.




  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    Có ý kiến cho rằng hằng năm ngân sách đều dành kinh phí không nhỏ cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong khi đó có không ít đề tài nghiên cứu khoa học chỉ là nghiên cứu mà không có giá trị thực tiễn. Bà có bình luận gì về vấn đề này? Xin bà cho biết giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    ​Theo Luật KH&CN nguồn chi cho hoạt động KH&CN hàng năm của địa phương phải đạt 2% tổng chi ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2010 – 2015, mặc dù tỉnh rất quan tâm phát triển KH&CN nhưng kinh phí chi cho hoạt động KH&CN còn hạn hẹp, mới đạt gần 0,5%, trong đó, chi cho thực hiện các đề tài, dự án NCKH cấp tỉnh hàng năm khoảng gần 10 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018 kinh phí có tăng hơn nhưng chưa đạt 1%, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
    Kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã được bàn giao cho các ngành, địa phương ứng dụng vào thực tiễn, tuy nhiên vẫn còn một số đề tài, dự án NCKH triển khai ứng dụng chưa thực sự hiệu quả. 
    Từ năm 2016 đến nay, để nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, ngành KH&CN đã tham mưu cho tỉnh:

    - Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về KH&CN. Thực hiện cơ chế đặt hàng các đề tài, dự án NCKH gắn với địa chỉ ứng dụng trong thực tiễn. Lựa chọn các đề tài dự án ứng dụng có trọng tâm trọng điểm theo định hướng của tỉnh và có đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là mấu chốt căn bản để các kết quả nghiên cứu triển khai vào thực tiễn đạt hiệu quả. Ngoài ra tỉnh Ban hành chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh  để thu hút các cá nhân tổ chức đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh. 

     - Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp; coi nhiệm vụ ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ là một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành và địa phương.

    - Tích cực tuyên truyền các tiến bộ KH&CN trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận và áp dụng. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo gắn kết 4 nhà để nhà nông, nhà khoa học nhà nước và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ cùng phát triển

    - Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất của người dân và doanh nghiệp. 

    Đến nay, trên 80% kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án đã được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả qua đó đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.




  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Thực tế là trên địa bàn tỉnh có một số dự án kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và có một điểm chung là cơ bản các dự án này thì đều có công nghệ cũ, lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Rõ ràng là đã có một kẽ hở khá lớn trong công tác quản lý để các công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường này nhập khẩu hoặc là thông qua các dự án được nhập khẩu vào nước ta,” Vậy đề nghị Giám đốc Sở KH&CN cho biết về những khiếm khuyết, kẽ hở là gì và cơ quan chức năng đã xử lý vấn đề này như thế nào? Và liệu tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra hay không?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    1.   Một số kẽ hở và khiếm khuyết chính trong công tác quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ: Thời gian trước đây,
    - Thứ nhất, hành lang pháp lý về công tác quản lý công nghệ chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập, nhiều nội dung chưa phù hợp tình hình thực tế, trùng chéo, mâu thuẫn. Do đó khi tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn, cụ thể: Luật KH&CN 2000; Luật đầu tư 2005; Luật chuyển giao công nghệ 2006; Luật KH&CN 2013; Luật đầu tư 2014..., điển hình như: (Luật KH&CN 2013 quy định các Dự án đầu tư phải đăng ký đầu tư phải được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.., trong khi đó Luật đầu tư 2014 chỉ quy định phải đánh giá về công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao có sử dụng trong dự án đầu tư...). Từ các bất cập trên, sẽ đẫn đến một số các dự án đầu tư sẽ không được thẩm định về công nghệ, hệ lụy sẽ không thể kiểm soát được công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, sự cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường …
    - Thứ hai, sự phối hợp giữa các ngành có liên quan còn chưa thực sự chặt chẽ, một số dự án đầu tư không được tham gia ý kiến về công nghệ.

    2. Biện pháp quản lý, khắc phục tình trạng:
    Trước tình trạng trên, 
    - Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015, theo đó kể từ ngày 01/07/2016 việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có quy định: Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm, Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường... Trong trường hợp đặc biệt, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá 10 năm nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, căn cứ hồ sơ và kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, Ngành xem xét, quyết định;

    - Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ 01/7/2018, đã quy định cụ thể về thẩm định dự án đầu tư (dự án có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; dự án trong giai đoạn quyết định đầu tư; dự án điều chỉnh bổ sung... ) phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ;

    - Đối với tỉnh Lào Cai, để không còn tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sở KH&CN đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản quản lý về lĩnh vực này như: 

    + Các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phải được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ, kiên quyết loại bỏ những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả ảnh hưởng đến môi trường... 

    + Các ngành phối hợp tốt kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện đầu tư công nghệ đúng dự án được phê duyệt, trường hợp nhà máy đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cần báo cáo về Sở KH&CN để thẩm định bổ sung.

    + Phê duyệt dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ, giao cho ngành: tổ chức đánh giá trình độ công nghệ các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh, mục đích để làm căn cứ phân loại cụ thể công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, .., làm cơ sở yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện lộ trình đổi mới, cải tiến, loại bỏ hoặc thay thế bằng những công nghệ thiết bị tiên tiến, phù hợp. Đồng thời sở KHCN  tham mưu lựa chọn 11 doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và xem xét hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu. Vậy, ngành khoa & công nghệ đã chủ động triển khai những gì để tỉnh Lào Cai không bị lạc nhịp?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    - Thứ nhất, Ngày 29/6/2017, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề “cách mạng công nghiệp 4.0”  trực tuyến trên toàn tỉnh, cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp về nhận thức cuộc CMCN 4.0, các cơ hội và thách thức để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

    - Thứ hai, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ngành, địa phương về việc đăng ký hoạt động, nhiệm vụ sẽ triển khai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ;

    - Thứ ba, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tiếp cận CMCN 4.0 tỉnh Lào Cai, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cụ thể:

    + Xác định các nội dung trọng tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cho các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động tận dụng tối đa các lợi thế (như thực hiện thí điểm về đô thị thông minh; du lịch thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh…), đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
    + Tạo sự bứt phá thực sự về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường khởi nghiệp sáng tạo và thị trường khoa học công nghệ của tỉnh nhằm chủ động tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

    - Thứ tư,  Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025.

    - Thứ năm, Ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới (triển khai nghiên cứu giải mã công nghệ mô hình điện năng lượng mặt trời có nối lưới đối công sở, bệnh viện, trường học).

    - Thứ sáu, Kết nối các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển tài sản trí tuệ; đổi mới thiết bị, công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020. (Phối hợp Cty Hitaco Bộ quốc phòng triển khai ứng dụng máy tạo nước từ không khí cho trường học vùng cao, đồn biên phòng… ).


  • Người hỏi: facebook nick name Tuấn Hồ
    ​Thưa bà ! Qua trang mạng xã hội của UBND tỉnh Lào Cai trên mạng xã hội facebook nick name Tuấn Hồ gửi đến bà câu hỏi như sau: Lào Cai có bố trí kinh phí để cho vay khởi nghiệp không? Nếu có vay đầu tư kinh doanh như thế nào, có dễ dàng không ạ?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    - Tỉnh Lào Cai đã triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án 844 của Chính phủ về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh, cụ thể: đã ban hành Kế hoạch số 274/KH-UBND, ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 238/KH-UBND, ngày 8/8/2018 của UBND tỉnh về triển khai có hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lào Cai..., cụ thể:

    Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn nếu có nhu cầu vốn vay, đối tượng: Các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã,...Các tổ chức có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, các cá nhân đang xây dựng phương án kinh doanh; Các cá nhân, tổ chức có giải thưởng trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai;... , từ các nguồn vốn: Quỹ đầu tư và Phát triển tỉnh; Quỹ phát triển KHCN Quốc gia - bộ KHCN; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - bộ KH&ĐT; Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm từ các tổ chức tín dụng...

    Ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ tổ chức các khoá đào tạo cho các bạn trẻ, cá nhân mong muốn khởi nghiệp và có khả năng trở thành một người khởi nghiệp. Nhằm giúp những đối tượng này phát triển tư duy về khởi nghiệp và làm sao để sản phẩm có thể tiếp cận đến khách hàng. Đào tạo “Hướng dẫn kỹ năng lập dự án kinh doanh”: Giúp các đối tượng từ ý tưởng kinh doanh của mình có thể lập thành một dự án kinh doanh khả thi.

    - Với các chính sách hỗ trợ trên, các tổ chức/cá nhân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ phải đảm bảo các điều kiện theo các quy định của từng loại nguồn vốn như đã nêu trên thì sẽ được xem xét hỗ trợ thuận tiện, nhanh gọn đảm bảo theo quy định.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Theo tôi được biết hiện nay Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của đất nước ta nói chung. Xin Bà cho biết Sở KH&CN Lào Cai đã có những giải pháp gì trong việc thúc đẩy phát triển hoạt động SHTT của tỉnh Lào Cai?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Để thúc đẩy phát triển hoạt động SHTT của tỉnh Lào Cai, chúng tôi có 3 giải pháp chính: 

    - Giải pháp về cơ chế, chính sách: 
    + Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu tích cực cho tỉnh ban hành các quy định, chính sách về hoạt động sở hữu trí tuệ (Quyết định 13/2012/QĐ-UBND ngày 17/4/2012) đưa hoạt động sở hữu trí tuệ vào nề nếp hiệu quả.
    + Xây dựng dự án Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2013 – 2015 và 2016 - 2020. Trong đó tham mưu hỗ trợ bảo hộ các nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc hữu của tỉnh Lào Cai
    - Về tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ:
     + Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức SHTT, vai trò của việc bảo hộ nhãn hiệu, quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; hướng dẫn bằng văn bản cụ thể gửi cho các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố; 

    +  Sở KH&CN tích cực tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trực tiếp tại cơ quan, cơ sở; qua điện thoại, Email,..; trên cổng thông tin điện tử Sở KH&CN; trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh thông qua các chuyên mục về SHTT (Từ năm 2010- đến nay tuyên truyền 78 chuyên mục SHTT); 

    - Giải pháp về nguồn lực: 
    + Ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu của tỉnh, Sở đã tích cực đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng bảo hộ phát triển nhãn hiệu sản phẩm (mận Bắc Hà, Su su Sa Pa, Lợn đen Mường Khương);  
    +  Tuyên truyền , khuyến khích chính quyền địa phương (UBND các huyện, thành phố) và người dân tham gia đầu tư kinh phí xây dựng nhãn hiệu.

    - Kết quả:
    + Nhận thức của bà con về sở hữu trí tuệ được nâng lên; nhiều tổ chức, cá nhân tự thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên thúc đẩy tăng nhanh số lượng nhãn hiệu tỉnh. Năm 2010 có khoảng hơn 100 văn bằng đến năm 2018, số nhãn hiệu của tỉnh tăng lên 197 văn bằng, tăng gấp gần hai lần giai đoạn trước. 
    Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí bảo hộ 27 nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh Lào Cai (NH tập thể, NH chứng nhận)  và 01 chỉ dẫn địa lý cho trên 30 sản phẩm đặc hữu chủ lực của tỉnh;
     Các sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường, giá trị sản phẩm được nâng lên như Mật ong Thanh Xuân, chè Shan Bắc Hà xuất bán ra nhiều nước; Su su Sa Pa, Mận Bắc Hà, Quýt Mường Khương, Tương ớt Mường Khương, .. đã đưa vào các siêu thị tại các thành phố lớn và mang lại giá trị kinh tế cho địa phương (tính lãi ròng do chênh lệch giá bán nhờ thương hiệu mang lại  mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
    Qua đó, hoạt động bảo hộ Sở hữu trí tuệ được triển khai thực hiện là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế xã hội, tăng giá bán, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh


  • Người hỏi: Vũ Văn Tuấn - Phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương
    Kính gửi bà Giám đốc sở: xin bà cung cấp Danh mục hàng hoá phải công bố chất lượng sản phẩm? 
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Trả lời:
    Về câu hỏi danh mục sản phẩm hàng hóa phải công bố chất lượng của thính giả Vũ Văn Tuấn - Hải Dương. Theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007. Về nguyên tắc tất cả các loại sản phẩm hàng hóa đều phải thực hiện công bố chất lượng (hay nói một cách khác là hành vi minh bạch chất lượng của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm của sản phẩm hàng hóa đối với người tiêu dùng, các cơ quan quản lý). Việc công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa được thưc hiện dưới các nội dung quy định dưới đây:
    Một là: Đối với hàng hóa không có nguy cơ gây mất an toàn được gọi là hàng hóa nhóm 1 thì việc công bố định mức chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trên nguyên tắc tự nguyện. hình thức công bố mức chất lượng trên nhãn hàng hóa, tài liệu đính kèm hàng hóa. Hiện hệ thống tiêu chuẩn ở Việt Nam gồm có: tiêu chuẩn cơ sở ký hiệu là TCCS do doanh nghiệp xây dựng định mức chỉ tiêu kỹ thuật cho sản phẩm hàng hóa. Tiêu chuẩn Quốc gia ký hiệu là TCVN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, tiêu chuẩn nước ngoài. Nguyên tắc áp dụng của tiêu chuẩn là nguyên tắc tự nguyện (hay nói cách khác là tự chấp nhận). Vì vậy tổ chức, Doanh nghiệp công bố sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng nhóm 1 là: có quyền tự quyết cho việc lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa. 
    Hai là: Đối với hàng hóa thuộc nhóm 2 - có nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sản xuất vận chuyển sử dụng đối với động vât, thực vật, con người, môi trường thì việc công bố chất lượng hợp quy chuẩn kỹ thuật là bắt buộc và phải thể hiện tem dấu hợp quy CR trên nhãn hoặc sản phẩm hàng hóa. Quy chuẩn kỹ thuật quốc giá ký hiệu là QCVN do các Bộ quản lý chuyên ngành quyết định ban hành. Danh mục hàng hóa nhóm 2 cũng do các Bộ ban hành dưới dạng văn bản quy phạm như Thông tư, Quyết định,..Nguyên tắc áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp khi sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng hàng hóa nhóm 2 nêu trên .
  • Người hỏi: Nick name Tuấn Hồ
    ​Nick name Tuấn Hồ gửi câu hỏi qua trang mạng xã hội của UBND tỉnh trên mạng xã hội facebook như sau: Lào Cai đã có cuộc thi nào về sáng tạo công nghệ và robot trong học sinh phổ thông và tiểu học chưa?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Về Cuộc thi  với chủ đề chuyên sâu “sáng tạo Công nghệ và Robot” trong học sinh phổ thông và tiểu học thì Lào Cai chưa có. Muốn tham gia thi nội dung này, chúng ta có thể tham gia  02 cuộc thi UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hằng năm. Cụ thể:

    - Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (1 năm /1 lần) cho Học sinh phổ thông, do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức, gồm nhiều nội dung: Hệ thống nhúng, hóa học, sinh học; khoa học: động vật, môi trường, thực vật, trái đất và môi trường; kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, phần mềm hệ thống, robot và máy thông minh, y khoa, khoa học sức khỏe… 
    Tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2018, tỉnh Lào Cai có 5 dự án đạt giải cấp quốc gia ( 2 giải nhì, 3 giải 3), trong đó có dự án về công nghệ như: Hệ thống kiểm soát dưỡng khí trên ô tô;  kết hợp công nghệ Plasma lạnh và phản ứng Fenton đồng thể trong hệ thống xử lý nước thải y tế.

    - Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (1 năm/1 lần) do LHKHKT tỉnh chủ trì, thuộc 5 lĩnh vực như sau: Đồ dùng dành cho học tập; Dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em.; Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế. Sản phẩm thân thiện với môi trường. Phần mềm tin học.
    Cuộc thi lần thứ 13 năm 2018 , đã có sản phẩm về robot đạt giải như: “Robot nông dân”- đạt giải khuyến khích cấp tỉnh của 2 bạn học sinh trường tiểu học Sín Chéng, Si ma Cai (lĩnh vực đồ chơi trẻ em); “Robot hái quả” - đạt giải Ba cấp tỉh của bạn Vũ Hoàng Long học sinh lớp 11A2 trường THPT số 1 Lào Cai ;
    Về sản phẩm công nghệ: “ Máy học tiếng anh thông minh” - đạt giải đặc biệt cấp tỉnh của bạn Phạm Trung Hiếu học sinh lớp 11A6 Trường THPT số 1 Bảo Thắng …

    Chúng ta cũng đã có giải Huy chương Bạc châu Á và được Wipo cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm “Máy xử lý rác” thuộc lĩnh vực Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

    Để được hướng dẫn cụ thể, đề nghị tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp đến phòng Quản lý Chuyên ngành – Sở KH&CN Lào Cai theo số ĐT; 0214 3820 586, hoặc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở KH&CN tại địa chỉ: http://skhcn.laocai.gov.vn vào mục hoạt động quản lý->quản lý chuyên ngành  vào mục sở hữu trí tuệ -> văn bản hướng dẫn./.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Thưa Bà! được biết hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, tổ chức thực hiện công tác Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Chính phủ trên địa bàn tỉnh vậy xin bà cho biết ý nghĩa của Giải thưởng này đối với các doanh nghiệp?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (Giải thưởng) xuất phát từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, có từ năm 1995, do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã phát động phong trào năng suất Chất lượng. Năm 1996, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được chính thức ban hành. 

    Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế - thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award – GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization – APQO). Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm của mình.

    Tóm lại: Giải thưởng này không chỉ đơn thuần là một giải thưởng mà là công cụ để giúp cho doanh nghiệp quản lý, vận hành để sao cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời có năng suất, chất lượng và giá thành hợp lý để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

    Với 7 tiêu chí của Giải thưởng sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và cải tiến quá trình sản xuất, dịch vụ. Doanh nghiệp có cam kết về định hướng hoạt động, định hướng chất lượng một cách nghiêm túc thì họ sẽ xác định được chiến lược chính sách với khách hàng, tiêu chí của sản phẩm hàng hóa là gì, mức độ đáp ứng, giá thành ra sao để từ đó thiết kế được sản phẩm phù hợp với yêu cầu. Với định hướng khách hàng như vậy, doanh nghiệp sẽ quản lý nhân lực, đầu vào đầu ra để đạt yêu cầu. Cuối cùng, kết quả của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng có phù hợp hay không doanh nghiệp lại phân tích, đánh giá, xác định điểm mạnh, điểm yếu để cải tiến quy trình và sản phẩm.


  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Bà có thể cho biết những thành tựu nổi bật về quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hóa thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    ​Thành tựu nổi bật là việc đã tổ chức, triển khai tốt 03 bộ luật gồm:  Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007; Luật Đo lường năm 2011 và hệ thống các văn bản quy phạm lĩnh vực  tiêu chuẩn,quy chuẩn, đo lường, chất lượng, ghi nhãn, mã số mã vạch, Giải thưởng chất lượng Quốc gia…đi vào cuộc sống tạo những giá trị lớn cho việc thúc đẩy năng suất, chất lượng, đảm bảo công bằng, an toàn, đáp ứng các chuẩn quốc tế về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, ghi nhãn, mã số, mã vạch.

    Nhờ đó hoạt động tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực lĩnh vực tiêu chuẩn,quy chuẩn, đo lường,chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hóa đã được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, trong nhiều năm không có vụ việc nổi cộm, phức tạp xảy ra.

    Từ năm 2015 đến nay: 
    - Duy trì định kỳ hàng năm đều tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định pháp luật lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, hỏi-đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
    - Phổ biến, hướng dẫn cho 530 lượt doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Quốc gia, ghi nhãn cho hàng sản phẩm, hàng hóa.
    - Kiểm tra đo lường, chất lượng, ghi nhãn sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường ước khoảng hơn 1.600 lô hàng hóa thiết yếu như: xăng, dầu, Khi đốt hóa lỏng (LPG), đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, thiết bị điện- điện tử có khả năng gây mất an toàn.
    - Có 04 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tặng Giải thưởng chất lượng Quốc gia.

  • Người hỏi: Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh
    ​Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là hàng loạt các Hiệp định sẽ được thực thi như: TTP, FTA,... vấn đề (NSCL) là một trong những vấn đề đang được xã hội rất quan tâm. Ngành KH&CN Lào Cai đã làm gì thúc đẩy tốt hơn vấn đề này? 
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    ​Thời gian qua, Sở KH&CN Lào Cai đã đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng gồm: Đề án số 11- ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh Ủy Lào Cai Đề án phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2020.  Tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 của Chính phủ về việc thành lập ban hành quy chế  tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Cụ thể bằng các đề án, dự án như Đề án nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn; dự án Năng suất chất lượng cho các danh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai; dự án Thông báo hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại…. Cụ thể, việc nâng cao NSCL là vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, vai trò của nhà nước chỉ mang tính “hỗ trợ”, tạo nền tảng ban đầu cho các DN. Do vậy, các DN của tỉnh cần chủ động, tích cực học hỏi, thực hiện có hiệu quả các dự án cải tiến NSCL; xây dựng, áp dụng thực chất các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng như ISO 9001, TQM, hay mô hình GTCLQG của Chính phủ.

    Triển khai thực hiện tạo dựng phong trào năng suất, chất lượng cho cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai có cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẵn sàng hội nhập CPTTP-Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương,  FTA- Hiệp định thương mại tự do…. 
    Ngành khoa học và công nghệ Lào Cai đã tổ chức đào tạo cho 250 lượt cán bộ chủ chốt doanh nghiệp các kiến thức về tiêu chuẩn hóa, quản trị chất lượng tiên tiến. Hướng dẫn 70 doanh nghiệp xây dựng dự án năng suất- chất lượng áp dụng tại doanh nghiệp. Phổ biến 156 cảnh báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng hóa nông sản, thực phẩm, hóa chất…của các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

  • Người hỏi: Nguyễn Vân Anh - Kim Tân, TP Lào Cai
    Gia đình tôi đang kinh doanh thuốc nam gia truyền do gia đình tự sản xuất. Xin bà hươngs dẫn trình tự và thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?
    Bà Phạm Hồng Loan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
    Sản phẩm của gia đình bạn là thuốc nam gia truyền do vậy thuộc đối tượng bảo hộ nhãn hiệu thông thường
    Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thủ tục, trình tự đăng ký như sau:
    1. Hồ sơ đăng ký gồm:
    + 02 bản tờ khai đăng ký nhãn hiệu thông thường (theo mẫu 04-NH quy định tại Phụ lục A Thông tư  số 01/2007/TT-BKCN ngày 14/02/2007)
    + 10 mẫu (01 mẫu gắn trên tờ khai và 09 mẫu kèm theo tờ khai). Kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8 mm. Tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm và  in, gắn trên Tờ khai;
    + Danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
    + Và các tài liệu khác kèm theo đơn (nếu có) như: Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (chứng nhận thừa kế, chứng nhận hoặc thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, Hợp đồng giao việc hoặc hợp đồng lao động...);Bản gốc Giấy uỷ quyền (nếu đơn đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá, nông, lâm sản  được uỷ quyền cho người khác đăng ký); Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có công chứng),...
    2. Trình tự, nơi nhận 
    - Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nộp tại Cục sở hữu trí tuệ, 386 Nguyễn Trãi Thanh Xuân Hà Nội
    Để được hướng dẫn cụ thể, đề nghị tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp đến phòng Quản lý Chuyên ngành – Sở KH&CN theo số ĐT; 0214 3820 586, hoặc truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Sở KH&CN tại địa chỉ: http://skhcn.laocai.gov.vn vào mục hoạt động quản lý->quản lý chuyên ngành  vào mục sở hữu trí tuệ -> văn bản hướng dẫn
    3. Phí và lệ phí 
    Mức phí cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC .

  • Người hỏi:
     
    Ban Biên tập xin trân trọng cảm ơn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lào Cai đã phối hợp thực hiện chương trình. Cảm ơn quý đọc giải đã quan tâm theo dõi và gửi câu hỏi đến chương trình.
     
  1 2 
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1