Một số kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị được đầu tư, hoàn thiện đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế. Qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trong đầu năm 2021 cho thấy  việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tính đến tháng 3/2021 toàn tỉnh đã có 535 tuyến đường, phố được đặt tên theo quy định, trong đó 83 tuyến đường, 452 tuyến phố và 24 công trình công cộng. Tên đường, phố được lựa chọn trên cơ sở tên các nhân vật lịch sử của dân tộc từ thời dựng nước đến nay đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận công lao “bao gồm tên các vị vua, các vị lãnh tụ, các nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu, danh tướng, danh sĩ, danh nhân, anh hùng lực lượng vũ trang...”; tên địa danh đã quen dùng từ xa xưa, địa danh có ý nghĩa, giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của địa phương; tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, tên di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của đất nước và địa phương; tên các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội…Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị và giao dịch của Nhân dân. Điển hình như: Năm 2017, sau khi Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND có hiệu lực, UBND tỉnh, UBND huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo phòng chuyên môn chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị và UBND thị trấn Phố Lu triển khai thực hiện các bước gắn biển tên đường, phố theo quy định đảm bảo cho việc quản lý hành chính của địa phương và thuận tiện trong việc giao dịch cho Nhân dân; năm 2018, sau khi Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND có hiệu lực, UBND tỉnh, UBND huyện Văn Bàn đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị và UBND thị trấn Khánh Yên triển khai thực hiện các bước gắn biển tên đường, phố theo đúng quy định; năm 2020, Nghị quyết 36/2020/NQ-HĐND có hiệu lực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Bát Xát đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tuyên truyền việc đặt tên đường phố trên địa bàn thị trấn Bát Xát, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục chuẩn bị và đầu tư thi công lắp đặt và cắm biển theo quy định. Đối với thành phố Lào Cai từ năm 1993 đến năm 2017 đã thực hiện đặt tên, đổi tên là 390 tuyến đường, phố, 3 công trình công cộng. Các tuyến đường, phố trên được cơ quan chức năng gắn đặt biển tên đường, phố; gắn biển số nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của địa phương và việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh cũng còn một số bất cập cụ thể: Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng chưa quy định cụ thể tiêu chí để xác định công trình công cộng có quy mô lớn, ý nghĩa quan trọng; chưa hướng dẫn cụ thể về khoảng cách, độ dài của đường, phố; đối với việc phân đoạn đường để đặt tên; quy định cụ thể về đặt tên danh nhân cho đường, phố…; ngoài ra, thực tế rà soát văn bản quy định về việc đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng từ năm 1993 đến nay cho thấy quy trình triển khai thực hiện đặt tên đường phố, công trình công cộng và việc cắm biển tên đường phố còn bất cập dẫn đến tình trạng một số tuyến phố có tên nhưng không có đường; có tuyến phố chưa có đường nhưng đã có tên; một số tuyến phố chưa được cấp có thẩm quyền đặt tên nhưng đã được cắm biển tên; một số tuyến phố cùng một địa bàn trùng tên; một số tuyến phố quá ngắn vẫn đặt tên; cùng một tuyến đường song việc đánh số nhà không đảm bảo theo quy định. Điển hình như: Thị xã Sa Pa chưa thống kê rà soát các tên đường, phố đã được đặt tên, hồ sơ việc đặt tên các tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn lưu giữ thiếu khoa học. Huyện Si Ma Cai thị trấn Si Ma Cai được thành lập theo Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14 ngày 11/2/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã song đến nay việc hoàn tất các thủ tục, quy trình để đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng chưa được triển khai, thực hiện kịp thời; thành phố Lào Cai có nhiều tuyến đường, phố đặt trùng tên (Lê Trọng Tấn, Lương Văn Can, Đặng Trần Côn, Nguyễn Hữu Thọ); một số tuyến phố đã được đặt tên theo các Quyết định trước đây nhưng nay không xác định được như: Phố Âu Cơ, Đồng Tâm, Nguyễn Thi, Nguyễn Hiền; có tuyến phố do bị thay đổi quy hoạch nhưng chưa được thay đổi, thu hồi chuyển địa điểm khác như: Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Sơn Hà, Nguyễn Quang Bích; một số tuyến phố chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đã cắm biển tên; trên 20 tiểu công viên chưa được đặt tên, 107 tuyến đường, phố đã đặt tên không phù hợp với thực tế; 15 tên đường, phố chưa xác định được vị trí; nhiều tuyến đường, phố thay đổi do điều chỉnh quy hoạch nên đã được kéo dài hoặc rút ngắn; ngoài ra, việc tham mưu ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh và tham mưu xây dựng, ban hành ngân hàng tên đường phố còn bất cập. Công tác phối hợp và nghiên cứu chỉ đạo, triển khai thực hiện quy trình đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời.

Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế thông qua việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đoàn giám sát đề nghị Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tại địa phương để kịp thời đề nghị cơ quan chuyên môn có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng; UBND tỉnh chỉ đạo sở chuyên ngành tham mưu xây dựng và ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn toàn tỉnh; sớm ban hành ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng; sở ngành chuyên môn tăng cường công tác phối hợp thực hiện rà soát tổng thể các tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn toàn tỉnh để làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung hoặc đề xuất đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng theo đúng quy định.                                                  

   Lưu Thị Hiên

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Tin khác




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập