Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt
Công văn nêu, hiện nay, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra mưa lớn và thời tiết xấu dẫn đến tình trạng lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... trên địa bàn tỉnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân và môi trường sống, là điều kiện thuận lợi có thể gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh.
Nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm từ chất thải và giám sát phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân; Thực hiện Công văn số 5400/BYT-DP ngày 12/9/2024 của Bộ Y tế về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Sở Y tế: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 5022/UBND-VX ngày 11/9/2024 về việc tăng cường đảm bảo công tác y tế ứng phó mưa lũ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, công trình cấp nước tập trung và tại các hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.
Đảm bảo cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mùa mưa lũ và ngập lụt.
Thực hiện hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện các biện pháp đảm bảo nước sạch sinh hoạt, khuyến cáo người dân tích trữ nước sạch dự phòng.
Chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát tất cả các hạng mục công trình (khu vực khai thác sử dụng nguồn nước sản xuất, khu vực sản xuất, hệ thống cấp nước, hoá chất sử dụng). Kịp thời khắc phục, sửa chữa các công trình nước sạch nông thôn bị hư hỏng, sớm cung cấp lại nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Xây dựng phương án và giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí (trong ngân sách hằng năm) cho việc thực hiện nội kiểm chất lượng nước theo quy định, đảm bảo lượng nước và chất lượng nước cấp cho người dân trong thời gian tới.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp nước tại các công trình cấp nước thuộc thẩm quyền quản lý.
Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất và dự toán kinh phí cho việc thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đề nghị và khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định dự toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định.
Sở Xây dựng: Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực cấp
nước đô thị và khu công nghiệp; phối hợp với Sở Y tế thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành khi có yêu cầu, đề xuất.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường trong công tác bảo vệ môi trường sau mưa bão. Đôn đốc, chỉ đạo việc thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây nhiễm cho con người.
Chỉ đạo thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình, hợp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, dọn sạch bùn, đất, rác thải tràn ngập ngay sau khi nước rút… Nước rút đến đâu, các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư làm vệ sinh nhà cửa và vệ sinh môi trường xung quanh đến đó.
Tổ chức cập nhật tình tình các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ thải, bãi thải trên địa bàn toàn tỉnh, đôn đốc các chủ hồ thải có biện pháp kiểm tra, khơi thông mương rãnh, gia cố, bảo đảm thoát nước mưa, nước mặt của các khu vực hồ thải, bãi thải; tham mưu biện pháp xử lý, phòng chống sự cố có thể xảy ra, theo dõi giám sát đơn vị chủ đập, hồ thải khắc phục hậu quả về môi trường sau sự cố (nếu có).
Kiểm tra hiện trạng toàn bộ hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc bãi lưu giữ chất thải của cơ sở và có phương án và biện pháp khắc phục cụ thể.
Thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, quy trình vận hành hồ chứa (đối với các thuỷ điện) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước theo phân cấp, kiểm kê, thống kê, lưu trữ hồ sơ tài nguyên nước trên địa bàn, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nội tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục rà soát thống kê, đánh giá các khu vực bị ảnh hưởng và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của bão, lũ, lụt gây ra; có phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với xác động vật chết, rác thải, bùn đất,... Đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, tránh tình trạng người dân vùng ngập lũ không có nước sạch sử dụng... Tổ chức triển khai, chỉ đạo bộ phận chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra hoạt động cấp nước tại địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
Bố trí kinh phí chủ động mua hóa chất khử khuẩn khu vực ô nhiễm sau khi nước lũ rút đảm bảo vệ sinh môi trường. Rà soát, tổng hợp nhanh các vật dụng chứa nước, hóa chất, chế phẩm để xử lý nguồn nước gửi Ủy Ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hộ chữ thập đỏ tỉnh để trước mắt sử dụng từ nguồn hỗ trợ, cứu trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.
Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai; Nhà máy nước sạch Bảo Hà, Công ty cổ phần BOO nước sạch Sa Pa; Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lào Cai: Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo chất lượng nước cho người dân sử dụng, tăng cường thực hiện chế độ nội kiểm để đảm bảo chất lượng nước theo quy định.
Chủ động thực hiện kiểm tra, rà soát tất cả các hạng mục công trình (khu vực khai thác sử dụng nguồn nước sản xuất, khu vực sản xuất, hệ thống cấp nước, hoá chất sử dụng) kịp thời khắc phục, vệ sinh, sửa chữa để đảm bảo việc cấp nước liên tục và chất lượng nguồn nước cấp cho nhân dân.
Xây dựng phương án và giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo lượng nước và chất lượng nước cấp cho người dân trong thời gian tới.
CTTĐT